Lâm Ðồng đã bước vào cao điểm thu hoạch cà phê, dù trước đó người dân bằng nhiều cách đã tìm nhân công thu hoạch, nhưng tới thời điểm hiện tại nhiều hộ vẫn đang "ngồi trên lửa" khi cà phê chín đỏ vườn mà người thì tìm chưa thấy.
Lâm Ðồng đã bước vào cao điểm thu hoạch cà phê, dù trước đó người dân bằng nhiều cách đã tìm nhân công thu hoạch, nhưng tới thời điểm hiện tại nhiều hộ vẫn đang “ngồi trên lửa” khi cà phê chín đỏ vườn mà người thì tìm chưa thấy.
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có trên 140.000 ha cà phê thu hoạch, diện tích tập trung nhiều nhất là ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm… Và, như mọi năm, Lâm Đồng cần khoảng 70 ngàn lao động thời vụ để thu hoạch cà trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, tới thời điểm này, lượng nhân công khan hiếm nên nhiều người dân vẫn “đỏ mắt” tìm nhân công khắp nơi.
|
Nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng đang khan hiếm lao động mùa thu hoạch cà phê. Ảnh: C.Thành |
Thiếu lao động
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Lâm Hà, hiện địa bàn có khoảng trên 41.000 ha cà phê nên cần lượng nhân công rất lớn để đáp ứng nhu cầu mùa vụ cho người dân. Thông thường như các năm, người dân Lâm Hà cần thuê khoảng 12.000 lao động để thu hoạch diện tích cà phê trên, nhưng tới thời điểm này nhiều người dân cho biết chưa thể tìm được đủ người.
Sáng ngày 4/12, chúng tôi tới ngã ba cửa rừng (huyện Lâm Hà) - địa chỉ mà trước đây người dân địa phương thường ra đây ngồi khá đông để đợi chủ tới thuê việc. Tuy nhiên, khu vực này lao động giờ vắng hoe, không thấy người lao động ngồi đợi việc như mọi khi. Bà Nguyễn Thị Sáu, chủ quán nước tại ngã ba này cho biết, hiện đang mùa cao điểm thu hoạch cà phê nên có lao động nào chờ việc ở đây các chủ vườn đều thuê hết.
Theo ghi nhận, chỉ trong ít giờ tại đây có khoảng 10 lao động đa số là những thanh niên miền Tây xuống xe tại ngã ba này, sau đó được chủ dùng xe máy chở thẳng vào các xã.
Công an huyện Lâm Hà thông tin, do tình hình an ninh trật tự mùa cà phê trên địa bàn phức tạp nên ngay từ đầu vụ thu hoạch cà phê, cơ quan chức năng địa phương đã quản lý chặt việc tuyển dụng lao động và tuyển dụng đúng theo trình tự của luật lao động đối với các công ty kinh doanh môi giới lao động. Hiện trên địa bàn huyện chỉ còn duy nhất một công ty môi giới lao động được cấp phép hoạt động theo quy định (Công ty T.Đ.L), nên so với mọi năm số lượng công ty cung ứng lao động đã giảm hẳn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các công ty môi giới chưa đủ sức cung ứng nguồn lao động, người dân phải thuê lao động từ nhiều nguồn khác nhau.
Chúng tôi về lại huyện Đức Trọng, dọc Quốc lộ 20, mặc dù lượng cà phê tại địa bàn không nhiều bằng các huyện khác, nhưng người dân than phiền khá nhiều về chuyện khan hiếm lao động hái cà phê. Bà Nguyễn Thị Quy (50 tuổi, trú xã Ninh Gia), có hơn 2 ha cà phê cho biết: Năm nay, gia đình tôi phải thuê 5 công lao động từ miền Tây lên qua một nhà xe. Tất cả các chi phí như tiền xe đi lại, ăn uống mình đều phải lo cho họ cả lượt đi lẫn lượt về. Riêng tiền môi giới gia đình bà Quy phải trả cho xe khách 400.000 đồng/người.
Không may mắn như bà Quy, ông Trần Văn Ba ở cùng xã có 2,4 ha cà phê, lo lắng: “Cà phê nhà tôi chín đều 70% nhưng giờ mới thuê được 3 người hái. Với tốc độ này chúng tôi hái không kịp, cà chín teo lại rụng dưới gốc rất nhiều. Gia đình tôi đang cố kiếm thêm vài người nhưng chưa tìm ở đâu ra”.
Nhiều hộ tại đây cho biết, do nhân công khá khan hiếm nên chủ vườn ngoài trả lương tháng khá cao, còn phải thưởng thêm nhiều khoản nếu thu hoạch xong vườn vì nếu để họ phật ý bỏ về thì rất khó để kiếm người thay thế.
Giá nhân công tăng
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện giá nhân công người dân thuê thu hái cà phê dao động ở mức khoảng 200.000 tới 230.000 đồng/lao động/ngày. Như vậy so với niên vụ 2014 - 2015 thì giá nhân công tăng từ 30.000 đến 40.000 đồng/ngày công. Tuy giá nhân công có tăng, thậm chí người dân còn phải chấp nhận trả phí thuê nhân công từ 500.000 -700.000 đồng/lao động thông qua các cơ sở giới thiệu việc làm để tuyển lao động hay các nhà xe, cá nhân, “cò” việc làm giới thiệu, nhưng việc tìm lao động thời vụ để thu hoạch cà phê trong thời điểm này vẫn hết sức khó khăn.
Theo nhiều bà con nông dân, năm nay giá cà phê tăng đáng kể nhưng sản lượng lại thu kém so với các năm trước đó do thời tiết mưa, nắng thất thường. Theo kinh nghiệm của nông dân, bình quân mỗi ha cà phê ít nhất phải cần từ 60 - 70 ngày công, tương đương từ 2-3 lao động thu hái trong vòng 1 tháng. Bình quân một gia đình có khoảng 2 ha thì phải thuê thêm từ 4 - 7 lao động/ngày để thu hái cà phê cho kịp thời vụ, tránh để cà phê chín rụng và tránh mất trộm cà phê.
Ông Lê Thanh Huy, một lão nông trồng cà phê tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà cho biết, hiện 1 ha cà phê chăm sóc tốt, cây đều, gia đình ông cho sản lượng 6-7 tấn nhân, chăm sóc bình thường thì thu hoạch từ 3 tới 4 tấn/ha. Trừ tất cả các chi phí phân, tưới nước, công cán cho tới nhân công thu hoạch, số tiền thu về trên 1 ha chỉ khoảng gần 20 triệu đồng.
Theo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Lâm Đồng, trước tình trạng khan hiếm lao động mùa thu hoạch cà phê, hàng năm, trước khi vào mùa vụ thu hái cà phê, Sở đã chỉ đạo các đơn vị cấp huyện tiến hành kiểm tra, hướng dẫn cho các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn về các quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ này. Ngoài ra, việc điều tiết lao động đáp ứng nhu cầu mùa vụ gặp nhiều khó khăn cần các đơn vị, các cấp, các ngành chung tay tăng cường quản lý mới mang lại hiệu quả như mong muốn.
C.THÀNH