Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, trên thế giới cứ 10 người thì có 1 người bị khuyết tật. Số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết trong tổng số 92 triệu người hiện có của Việt Nam, số người bị khuyết tật là 6 triệu người. Riêng địa phương Bảo Lộc, số người khuyết tật trong Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc là 130 người.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, trên thế giới cứ 10 người thì có 1 người bị khuyết tật. Số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết trong tổng số 92 triệu người hiện có của Việt Nam, số người bị khuyết tật là 6 triệu người. Riêng địa phương Bảo Lộc, số người khuyết tật trong Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc là 130 người.
|
Ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Bảo Lộc, đơn vị đỡ đầu của Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc, tặng hoa cho hội viên nhân ngày Thế giới tôn vinh người khuyết tật, ngày 3/12. Ảnh: T.Chu |
Tờ mờ sáng, tại Hội quán cà phê Ngộ (phường B’Lao, TP Bảo Lộc), ngay từ ngoài ngõ, tôi đã thấy rất nhiều người kém may mắn (bị khiếm khuyết về hình thể) đang tự tin tạo dáng trước ống kính, còn các nhiếp ảnh gia đến từ Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Bảo Lộc thì thi nhau bấm máy lia lịa. Tất nhiên, ấn tượng đập vào mắt tôi đầu tiên không phải ở sự khiếm khuyết về hình thể của các “người mẫu”, mà chính sự tự tin của các “người mẫu” để tỏa sáng mới là cái đáng ngưỡng mộ nhất.
“Tự tin để tỏa sáng. Tự tin để hòa nhập. Tự tin để được thừa nhận”, trong đầu tôi tự vang lên những câu như vậy khi nhìn ngắm cái cách mà những “người mẫu” này thể hiện mình trước ống kính.
Bước tiếp vào bên trong, là 25 bức chân dung của 25 hội viên Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc do các thành viên trong Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Bảo Lộc bấm máy. Tôi nhận ra đằng sau mỗi bức ảnh là những câu chuyện kể về cuộc đời, về sự vượt khó của 25 con người. 25 bức ảnh là câu chuyện cảm động về ý chí vượt khó của 25 con người kém may mắn. Mỗi người một công việc, có người đang cho gà ăn, người chăm sóc đàn lợn, người làm đá mỹ nghệ, người thu hái cà phê, người may vá; thậm chí, có người đang chơi kèn..., nhưng tất cả đều vươn lên, quyết không dựa dẫm hay lệ thuộc vào người thân, gia đình. Tự tin vượt khó để tự lo cho bản thân và giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
Bà Vũ Thị Nguyệt Ánh (Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc) chia sẻ: “Các hội viên Hội Người khuyết tật Bảo Lộc không phải ai cũng đã tìm được việc làm. Nhiều người vẫn còn ít nhiều phụ thuộc vào gia đình, người thân. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, chăm sóc y tế cho người khuyết tật vẫn còn hạn chế, nhất là người khuyết tật vẫn chưa nhận được sự sẻ chia từ phía cộng đồng”.
Theo bà Ánh, trên thực tế, khi người khuyết tật đi tìm việc làm vẫn có tình trạng bị người tuyển dụng “soi” vào phần khiếm khuyết hơn là nhìn vào năng lực. Do vậy, người khuyết tật rất cần được xã hội tiếp sức giúp họ tự tin để hòa nhập với cộng đồng.
Chia sẻ về 25 bức ảnh đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Bảo Lộc, cho hay: “Trong vòng 2 ngày rưỡi, chúng tôi ghi nhận được khá nhiều hình ảnh về sự khó khăn của những người kém may mắn trong đời sống thường nhật. Đây là những hình ảnh hết sức chân thực, gần gũi và thân thương. Các thành viên trong Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Bảo Lộc không quá cầu kỳ về góc độ nghệ thuật, mà cốt sao nói lên được sự vượt khó, vươn lên của những người khuyết tật để có nhiều hơn những đóng góp cho xã hội”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thương chia sẻ thêm, đây là lần đầu tiên các thành viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Bảo Lộc chụp chân dung của những hội viên Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc. Thời gian tới, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Bảo Lộc sẽ ghi nhận lại tất cả các chân dung hội viên Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc rồi tặng lại cho Văn phòng Hội.
Ông Trần Hữu Đông, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Bảo Lộc tâm sự: Trải qua rất nhiều năm (khoảng 20 năm), giờ đây, người khuyết tật đã được xã hội thừa nhận. Nhiều người khuyết tật được đào tạo nghề, được học tập và được tham gia cống hiến sức lực cho xã hội. Thêm vào đó, thế giới cũng dành riêng một ngày để tôn vinh người khuyết tật, ngày 3/12.
Tuy nhiên, ông Đông cho rằng, mỗi người khuyết tật cần phải có trách nhiệm hơn với bản thân để qua đó đóng góp một phần công sức cho xã hội. Bởi, trong số hội viên Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc, có nhiều người khá giỏi về tin học, làm đồ thủ công mỹ nghệ; thậm chí, có người còn biết sáng tác văn học nghệ thuật. Cũng theo ông Đông, để người khuyết tật đóng góp một phần công sức cho xã hội, ngoài việc được xã hội quan tâm, thừa nhận, tự thân người khuyết tật phải nỗ lực vươn lên, tự tin tỏa sáng, chứ không nên tự ngăn trở năng lực của chính mình. Bà Vũ Thị Nguyệt Ánh, chủ Cơ sở tranh bướm Ánh Kim, là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó của người khuyết tật.
TRỊNH CHU