Cảnh báo tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng

05:12, 26/12/2016

Tối 24/12, hàng trăm người chủ yếu là các bạn trẻ đã đổ về Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt để thưởng thức chương trình văn nghệ, vui chơi trong đêm Noel. Sau 0 giờ, khi bước sang ngày 25/12, lúc mọi người ra về thì những bậc thang tại quảng trường chỉ còn toàn rác, chai nhựa, bịch ni lông, thức ăn thừa…

Tối 24/12, hàng trăm người chủ yếu là các bạn trẻ đã đổ về Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt để thưởng thức chương trình văn nghệ, vui chơi trong đêm Noel. Sau 0 giờ, khi bước sang ngày 25/12, lúc mọi người ra về thì những bậc thang tại quảng trường chỉ còn toàn rác, chai nhựa, bịch ni lông, thức ăn thừa…
 
Tới 7 giờ sáng ngày 25/12, công nhân vệ sinh thành phố vẫn chưa dọn hết số rác các bạn trẻ xả ra tối ngày 24/12. Ảnh: CTV
Tới 7 giờ sáng ngày 25/12, công nhân vệ sinh thành phố vẫn chưa dọn hết số rác các bạn trẻ
xả ra tối ngày 24/12. Ảnh: CTV

Sau mỗi buổi lễ, từ các chương trình ca nhạc sự kiện cho tới lễ lớn như Festival, đêm giao thừa Tết Nguyên đán… thì một Quảng trường Lâm Viên rác lại xuất hiện, đẩy trách nhiệm cho những công nhân vệ sinh thành phố dọn dẹp thâu đêm. Trong tiếng thở dài và bực dọc nhiều người đã lên tiếng về tật xấu trên, thậm chí có người cho rằng đây là một dạng “khuyết tật ý thức”, “sạch nhà bẩn chợ” của nhiều bạn trẻ. 
 
Trên facebook cá nhân, một bạn trẻ có nick name “Người Đà Lạt”, có mặt trong lễ Noel tại Quảng trường Lâm Viên ca thán: “Khác biệt rất lớn của Việt Nam và nước ngoài đó là người ta làm được mới nói. Còn người Việt mình cứ nói nhưng không làm. Lễ nào, sự kiện nào sau khi kết thúc cũng toàn rác là rác. Người dân cứ xả. Chính quyền cũng không nặng tay. Hạn chế cách nào đây? Theo tôi, cứ phạt vài trăm ngàn đồng một người vì tội xả rác hay phạt yêu cầu họ phải tham gia hoạt động công ích mới mong họ thay đổi”.
 
Còn theo một nick name “Duy Nguyễn” với cách nhìn khác: “Nói chung là hoạt động nào rồi cũng có rác. Trong các chương trình lớn, ban tổ chức nên bắc loa thông báo, ít nhất là đầu, giữa, cuối chương trình. Nội dung đại loại như: “Khi ra về, mỗi người tự dọn rác của mình. Khi gặp thùng rác thì bỏ vào, không vứt rác lung tung...”. 
 
Kiến nghị trên khiến chúng tôi cảm nhận được nỗi bức xúc trước hành vi làm xấu thành phố của những người thiếu ý thức. Nhiều người cho rằng cơ quan chức năng cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường nơi công cộng, xử phạt mạnh tay để hạn chế tình trạng trên.
 
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 1/2/2017, theo Nghị định 155/NĐ-CP của Chính phủ quy định, mức phạt đối với hành vi tiểu tiện, vứt tàn thuốc lá không đúng nơi quy định, nơi công cộng sẽ tăng gấp nhiều lần so với quy định trước đây.
 
Cụ thể, điều 20 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ghi rõ phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng thì mức phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Mức phạt đối với hai hành vi này tăng nhiều lần so với quy định cũ tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP.
 
Ngoài ra, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng, tăng nhiều lần so với mức phạt tiền 300 đến 400 ngàn đồng theo quy định cũ.
 
Sau mỗi buổi lễ hội, một số người dân và du khách lại “có dịp” xả rác bừa bãi. Bảo vệ môi trường là chuyện không của riêng ai. Tuy nhiên, điều đáng buồn là việc người dân vô tư xả rác sau mỗi dịp lễ hội hầu như không có dấu hiệu giảm bớt. Và, khi ý thức của nhiều người, đặc biệt là của các bạn trẻ thể hiện yếu kém trong văn hóa bảo vệ môi trường thì việc tăng mức xử phạt hành vi trên theo Nghị định 155/NĐ-CP sẽ mang tính răn đe, giúp thành phố ngày một văn minh, sạch đẹp hơn là điều rất cần thiết.
 
C.THÀNH