Thiên địch hiểu nôm na là các loài sinh vật được sử dụng để diệt trừ các sinh vật gây hại, bảo vệ mùa màng. Thiên địch gồm nhiều loài động vật (như côn trùng, nhện, chim, rắn...) và vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, virut). Bao gồm các loài gây bệnh, loài bắt mồi và vật kí sinh.
Thiên địch hiểu nôm na là các loài sinh vật được sử dụng để diệt trừ các sinh vật gây hại, bảo vệ mùa màng. Thiên địch gồm nhiều loài động vật (như côn trùng, nhện, chim, rắn...) và vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, virut). Bao gồm các loài gây bệnh, loài bắt mồi và vật kí sinh. Thành phần và số lượng của thiên địch cũng cho thấy vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái. Các côn trùng có lợi có sẵn trong tự nhiên sẽ giúp kiểm soát dịch hại, côn trùng bất lợi cho hệ thống canh tác.
Công dụng của thiên địch đã rất rõ ràng cho nên một số nơi đang ra sức phát huy. Nhà nông và doanh nghiệp tìm cách phát triển thiên địch nhằm bảo vệ cây trồng, phục vụ cung ứng rau, củ, quả an toàn trong thời đại thực phẩm bẩn tràn lan do dùng quá nhiều thuốc trừ sâu, phân bón hóa học. Tuy nhiên cũng không ít địa phương lại vô tư tận diệt thiên địch mà không nghĩ đến hậu quả. Người ta vô tư bắt trứng kiến vàng đem bán cho những người nuôi cá cảnh, hoặc làm mồi câu. Trong khi kiến vàng ngoài việc giúp cho quả bóng, ngọt thì còn trị một số bệnh trên cam, quýt như vàng lá gân xanh, sâu vẽ bùa, bệnh do bọ xít, nhện… Ngoài ra, qua kết quả thử nghiệm tại một số vườn trồng cam, quýt của Viện cây ăn quả Miền Nam cho thấy, khi nuôi thả kiến vàng trong vườn thì mật độ nhện xuất hiện rất ít.
Ngày nay, khi diện tích đất nông nghiệp giảm, chủ yếu với hệ thống canh tác thâm canh sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và canh tác nhiều vụ trong một năm... đã gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp tới các thiên địch, làm giảm mật số, giảm thành phần loài. Sự ô nhiễm cũng làm ảnh hưởng các thủy sinh động thực vật trong nước, các hệ động vật trong đất và chuỗi thức ăn của nhiều động vật bậc cao. Đặc biệt là việc con người tận diệt trực tiếp đến các loài thiên địch đã khiến các côn trùng gây hại cho hoa màu trỗi dậy, mạnh thêm, bị gián đoạn trong lưới thức ăn sinh vật, gây xáo trộn trong quần xã sinh vật. Vì vậy, bà con nông dân nên cân nhắc khi tận diệt thiên địch. Bởi vốn dĩ thuốc trừ sâu không tốt cho sức khỏe con người. Chính quyền địa phương, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tuyên truyền nhà nông bảo vệ, cũng như tìm ra giải pháp nhân rộng thiên địch, có hành động cụ thể trong thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Từ đó người tiêu dùng mới sử dụng lương thực, thực phẩm tự nhiên mà không phải lệ thuộc quá nhiều vào thuốc trừ sâu.
ÐẶNG TRUNG THÀNH