Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép 7 tỉnh, thành phố trên cả nước (trong đó có Lâm Đồng) thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch trong đô thị bằng ô tô chuyên dụng nhằm thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép 7 tỉnh, thành phố trên cả nước (trong đó có Lâm Đồng) thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch trong đô thị bằng ô tô chuyên dụng nhằm thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển. Về phía Lâm Đồng, UBND tỉnh đang xem xét giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu kết hợp với doanh nghiệp đầu tư triển khai thí điểm mô hình mới này tại TP Đà Lạt trong năm 2017.
Đây là thông tin được Sở GTVT Lâm Đồng chia sẻ, sau khi người dân có nhiều ý kiến quan tâm tới vấn đề trên trong thời gian qua.
|
Xe buýt 2 tầng được cho là không phù hợp với địa hình TP Đà Lạt nhiều dốc |
Phải phù hợp với đặc thù Ðà Lạt
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Lâm Đồng, xuất phát từ Dự án thí điểm xe của một công ty kinh doanh vận tải trình Bộ GTVT vào tháng 5/2015, đầu năm 2016, Bộ GTVT đã lấy ý kiến các bộ, ngành và báo cáo Chính phủ xem xét. Tới ngày 6/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép triển khai mô hình trên với tên gọi: “Thí điểm triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe ô tô góp phần thúc đẩy phát triển du lịch thời kỳ mới” tại 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh) trong cả nước.
Việc thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch trong các đô thị sẽ bằng các ô tô chuyên dụng 2 tầng, thoáng nóc và dịch vụ vận chuyển hành khách khác. Mô hình vận chuyển này sẽ kết nối từ trung tâm đô thị, thành phố đến các cảng hàng không, điểm du lịch bằng xe khách chuyên dụng chất lượng cao từ 16 tới 45 chỗ ngồi. Thời gian thí điểm dự kiến từ 5 đến 7 năm. Sau 6 tháng từ khi thực hiện, Bộ GTVT sẽ tiến hành sơ kết để rút kinh nghiệm cho việc tiếp tục thí điểm tiếp theo.
Trao đổi với Báo Lâm Đồng về việc này, ông Nguyễn Văn Gia - Phó Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng nhận định, về các loại ô tô chuyên dụng phục vụ cho mô hình trên, có thể khẳng định ngay là TP Đà Lạt không thể áp dụng cho thí điểm loại xe 2 tầng như các địa phương khác. Lý do loại xe chuyên dụng 2 tầng thường thích hợp cho các đô thị lớn, đông dân cư, có mặt đường bằng phẳng sẽ bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả cao hơn. Trong khi đó, với chiều cao xe lớn, cộng đặc thù đường thành phố đồi dốc, nhiều khúc cua sẽ không an toàn khi xe tham gia lưu thông.
Theo ông Gia, Sở GTVT cùng Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch cũng đã trình phương án thí điểm xe ô tô chuyên dụng thoáng nóc hay xe điện, các loại hình du lịch khác lên UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo. Sau khi UBND tỉnh đồng ý, Sở GTVT sẽ thành lập Đoàn liên ngành khảo sát thực tế điều kiện giao thông, các địa điểm du lịch trên địa bàn TP Đà Lạt để xác định tuyến đường thí điểm, tốc độ an toàn cho phép, bảo đảm an toàn giao thông, bố trí địa điểm đón trả khách cố định… Và, quan trọng là cần đợi doanh nghiệp đầu tư dự án có đề xuất cụ thể, trên cơ sở đó cơ quan chức năng mới hướng dẫn các thủ tục cần thiết triển khai mô hình thí điểm.
“Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương chung cho thí điểm đối với 7 tỉnh, thành phố trên cả nước về thí điểm dịch vụ xe ô tô chuyên dụng. Tuy nhiên, mỗi nơi đều có cái riêng nên việc thí điểm phải phù hợp với đặc thù của TP Đà Lạt để có thể phát huy hiệu quả cao nhất”. Ông Nguyễn Văn Gia - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Kích thích du lịch phát triển
Theo ý kiến đánh giá của Bộ GTVT, loại hình thí điểm ô tô chuyên dụng chất lượng cao sẽ giúp kết nối các chuỗi dịch vụ, kích thích ngành du lịch địa phương phát triển. Theo đó, hiện nay mặc dù đã có quy định về các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tuy nhiên, việc tách bạch loại hình vận tải chuyên dụng phục vụ du khách với các loại hình khác (xe hợp đồng, tuyến cố định…) chưa được rõ ràng. Do đó, vẫn có sự chồng lấn giữa vận chuyển hành khách theo hợp đồng với vận chuyển hành khách du lịch, chưa tạo sự kết nối chuỗi dịch vụ từ khâu vận chuyển, tham quan, khách sạn, nghỉ dưỡng và khám phá du lịch.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho rằng, mô hình xe ô tô chuyên dụng chất lượng cao nếu được áp dụng vào thực tế sẽ mang lại hiệu quả thu hút khách du lịch, giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong thời gian tới. Theo bà Ngọc, về cơ bản, tại TP Đà Lạt các loại phương tiện ô tô 16 đến 45 chỗ chất lượng cao (xe thoáng nóc hay xe điện) khi thí điểm sẽ kết nối giao thông từ Sân bay Liên Khương về các địa điểm du lịch, các địa điểm du lịch với nhau và một số điểm dừng cố định như khách sạn, nơi ăn uống… trong trung tâm thành phố. Điều này sẽ kết nối chuỗi dịch vụ chuyên biệt hơn hẳn các loại hình vận chuyển thông thường. Đồng thời, khi mô hình mới này nếu đi vào sử dụng sẽ giúp thành phố phát triển hài hòa các phương thức vận tải đô thị, giúp giảm bớt ùn tắc giao thông, đảm bảo du lịch văn minh, lịch sự và thuận tiện.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp đầu tư thí điểm theo đúng quy định, đảm bảo an toàn giao thông. Bộ GTVT cũng đề nghị UBND các địa phương thực hiện thí điểm chỉ đạo đơn vị chức năng hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục triển khai dự án, không để phát sinh hoạt động thí điểm tự phát.
ÐẶNG ÐẠI