Thủy điện và những tác động xấu đến tài nguyên rừng (bài 1)

09:02, 17/02/2017

Ngày 12/1/2017, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TW nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR)...

[links(right)] Ngày 12/1/2017, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TW nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR). Một trong nhiều hạn chế, yếu kém về công tác QLBV&PTR là “Nhiều dự án phát triển kinh tế như thủy điện, khai thác khoáng sản, dịch vụ du lịch… chưa chú trọng đến bảo vệ, phát triển rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, làm suy giảm chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên”. Thực trạng ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng cũng không thể là ngoại lệ. 
 
DỰ ÁN THỦY ĐIỆN KRÔNG NÔ 2 ĐÃ VI PHẠM
 
“Mức độ thiệt hại đã vượt quá mức tối đa xử phạt hành chính, phải xem xét xử lý theo quy định của pháp luật hình sự”. Đó là báo cáo của Sở NN&PTNT Lâm Đồng gửi UBND tỉnh Lâm Đồng sau khi kiểm  tra việc tích nước tại hồ chứa nước thuộc dự án Nhà máy thủy điện Krông Nô 2 (viết tắt là TĐKN2) vào đầu năm 2017.  
 
Rừng phòng hộ đầu nguồn bị ngập nước
 
Việc vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng của quá trình thi công công trình TĐKN2 diễn ra từ trước năm 2017. Trước khi viết bài này, chúng tôi đã đặt vấn đề với những người có trách nhiệm của ngành liên quan như Sở TN&MT, Sở Công thương Lâm Đồng, Sở NN&PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh. Và được biết, vấn đề đang tiếp tục phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn trước khi có quyết định chính thức. Tuy nhiên, cuối năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Văn bản số 8149/UBND-LN ngày 27/12/2016 chỉ đạo các ngành liên quan trong tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể sự việc công trình TĐKN2 đóng đập tích nước. Đây là việc làm ban đầu cần được ghi nhận. 
 
Ngày 4/1/2017, đoàn kiểm tra hiện trường bao gồm đại diện các ngành và đơn vị liên quan: Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và nhà đầu tư là Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam Krông Nô (bài viết gọi tắt là Công ty). Kết quả cho thấy, đối chiếu mực nước dâng bình thường với bản đồ khu đất thu hồi và cho Công ty thuê để xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án TĐKN2, diện tích bị ngập nước là 30,49 ha. Trong số này, diện tích đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty thuê là 25,03 ha (trong đó diện tích có rừng 12,48 ha); diện tích chưa cho thuê 5,46 ha (thuộc lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý). Trong số 5,46 ha này, có 4,6 ha là rẫy mới phát không có cây rừng và đặc biệt có 0,86 ha đang là rừng phòng hộ, trạng thái rừng hỗn giao. Như vậy, tổng diện tích rừng bị ngập nước là 13,34 ha; trong đó, 12,48 ha đã có quyết định cho thuê và 0,86 ha chưa thuê. 
 
Rừng phòng hộ đầu nguồn đã bị ngập nước sau khi công trình thủy điện Krông Nô 2 tích nước. Ảnh: M.Đạo
Rừng phòng hộ đầu nguồn đã bị ngập nước sau khi công trình thủy điện Krông Nô 2 tích nước. Ảnh: M.Đạo
Nguyên nhân từ đâu?
 
Mặc dù hiện trạng đã có 0,86 ha rừng phòng hộ đầu nguồn bị ngập nhưng lại nằm trong độ cao mực nước dâng bình thường đã được phê duyệt của Bộ Công thương (Văn bản số 5620/BCT-TCNL ngày 26/6/2012, Bộ này đã phê duyệt thiết kế dự án đầu tư xây dựng công trình TĐKN2 có mực nước dâng bình thường là 620 mét so với mực nước biển (?!). Dĩ nhiên, xin nhắc lại, diện tích này chưa được UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định cho Công ty thuê đất. Hậu quả thiệt hại tài nguyên rừng là “toàn bộ phần diện tích đất có rừng nêu trên đã bị ngập nước, một số cây đã khô lá” (trích biên bản khám nghiệm). 
 
Bên cạnh đó, Công ty tiến hành đóng đập tích nước khi chưa hoàn thành các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng và thực hiện công tác đền bù giá trị tài nguyên rừng. Tuy nhiên, trước đó, ngày 26/7/2016, Công ty đã có Văn bản số 280/016/CV/TNKr kiến nghị tỉnh Lâm Đồng cho đền bù giá trị tài nguyên rừng theo hồ sơ kiểm kê tài nguyên rừng năm 2012 và đã được Sở NN&PTNT thẩm định tại Văn bản số 1315/TĐ-SNN ngày 18/7/2012. 
 
Cũng cần nêu tiếp, khi Công ty đóng đập tích nước đã tiếp tục ngập nước 4,6 ha thuộc hiện trạng rẫy mới phát (vị trí nằm ở lòng hồ TĐKN2), nhưng chưa có quyết định cho thuê đất. Với diện tích này, Công ty cho rằng, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lạc Dương lập phương án bồi thường hỗ trợ cho người dân theo quy định. Dĩ nhiên, tại thời điểm kiểm tra, các thủ tục hồ sơ đang trong giai đoạn hoàn tất (?). 
 
Thủy điện đã và đang tác động xấu tài nguyên rừng 
 
Để khép lại bài viết này, chúng tôi tán đồng quan điểm của phía Sở NN&PTNT Lâm Đồng. Đó là: “Việc Công ty cổ phần thủy điện Trung Nam Krông Nô thực hiện đóng đập tích nước làm ngập diện tích có rừng 12,48 ha thuộc diện tích được UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê khi chưa hoàn thành các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng, chưa đền bù giá trị tài nguyên rừng là không đúng theo quy định của pháp luật”. Mặt khác, việc đóng đập tích nước của Công ty làm ngập 0,86 ha đất có rừng phòng hộ đầu nguồn đã vi phạm Điều 12 (Những hành vi bị nghiêm cấm) của Luật BV&PTR và Điều 20 (Phá rừng trái pháp luật) thuộc Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ.  
 
Chủ đầu tư dự án công trình TĐKN2  đã có báo cáo gửi Bộ Công thương (số 367A/CV/TNKr ngày 25/11/2016), và theo đó, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) đã tổ chức đoàn tiến hành kiểm tra công tác nghiệm thu phục vụ tích nước hồ chứa công trình TĐKN2 (vào ngày 5 và 6/1/2017). Nhưng theo chúng tôi, dự án này cần tiếp tục nhanh chóng khắc phục những vi phạm theo quy định của pháp luật như quan điểm của ông Phó Giám đốc Sở TN&MT Lương Văn Ngự: sai đến đâu xử lý nghiêm đến đó! Đây không phải là lần đầu đơn vị nhà thầu này vi phạm Luật BV&PTR trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, với các dự án công trình thủy điện đã đến lúc rất cần thiết sự vào cuộc một cách trách nhiệm cao nhất của các ngành liên quan, từ trung ương đến địa phương. Có như vậy thì công tác quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng mới ngày càng đạt hiệu quả, như chỉ đạo tại Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư vừa mới ban hành.
 
Bài 2: Thủy điện: Lợi bất cập hại
 
MINH ĐẠO