Khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa bàn có rất nhiều công trình thủy điện. Bình quân 1 MW thủy điện xóa sổ 4 ha rừng, nghĩa là khu vực Tây Nguyên đã và đang mất đi hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên do ra đời các công trình thủy điện.
THỦY ĐIỆN LỢI BẤT CẬP HẠI
[links(right)]
Khu vực Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Lâm Đồng là một trong những địa bàn có rất nhiều công trình thủy điện. Bình quân 1 MW thủy điện xóa sổ 4 ha rừng, nghĩa là khu vực Tây Nguyên đã và đang mất đi hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên do ra đời các công trình thủy điện. Thủy điện góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nhưng nó đã, đang và tiếp tục là một trong những nguyên nhân tác động xấu đối với môi trường - hệ sinh thái rừng.
|
Ngay bên đập Thủy điện Đồng Nai 5 là bến tập kết gỗ khai thác vi phạm nhiều tháng ngày của lâm tặc. Ảnh: M.Đạo |
Thực trạng rừng ở Tây Nguyên
Tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020, tháng 6/2016, theo Bộ NN&PTNT, trong vòng 5 năm (2010 - 2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm 6,1%, xuống còn 48,5%. Trữ lượng rừng Tây Nguyên 5 năm này cũng giảm mạnh: giảm hơn 57 triệu m
3, tương ứng giảm 17,4%; trong đó, diện tích rừng được đánh giá là khu vực “rừng giàu” đã giảm gần 20 triệu m
3, tương ứng 21%.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, một trong hai nguyên nhân cơ bản khiến rừng Tây Nguyên bị suy giảm nghiêm trọng về diện tích và trữ lượng rừng là chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng thủy điện, thủy lợi, giao thông và các công trình tái định canh định cư...
Theo tính toán của Vụ phó Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) Đỗ Đức Quân, bình quân diện tích rừng mất cho 1MW thủy điện là 4 ha. Chỉ riêng hai dự án Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4, địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có hơn 2.600 ha rừng ven sông Đồng Nai bị xóa sổ.
Không phủ nhận các dự án thủy điện mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng xã hội, tuy nhiên nó đã tác động trực tiếp đến môi trường sinh thái, làm mất nguồn nước sinh hoạt của các cụm dân cư xung quanh; đất đai và diện tích rừng bị thu hẹp do quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước...
Thực tế cho thấy, trữ lượng rừng ngày càng suy giảm, trước hết là do bản thân công trình thủy điện dâng nước đã trực tiếp làm ngập rừng, hệ sinh thái rừng bị hủy hoại; mặt khác, lợi dụng mực nước dâng này, nhiều đối tượng lâm tặc đã khai thác rừng bừa bãi, vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR).
Như đã đặt vấn đề, loạt bài viết của chúng tôi chỉ tập trung lĩnh vực BV&PTR. Tuy nhiên, cũng cần nêu qua những hệ quả xấu của các dự án thủy điện tác động đến đời sống dân sinh và môi trường nói chung. Ví dụ, dự án thủy điện An Khê - Ka Nak ở tỉnh Gia Lai đã làm cạn kiệt nguồn nước, dẫn đến sông Ba thành con “sông chết”; nguồn nước thủy lợi bị ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất của 8 xã ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông sau khi nhà máy thủy điện Buôn Tuar Srah chặn dòng Krông Nô. Hoặc, nguồn nước của các hạ lưu bị cạn kiệt như: Sông Đạ Nhim ở tỉnh Lâm Đồng sau khi hoàn thành Thủy điện Đại Ninh; sông Trà Khúc sau khi dự án Thủy điện Thượng Kon Tum hoàn thành.v.v… Đó còn là hạn hán gay gắt và khốc liệt do rừng mất, không còn “túi nước” dự trữ; ngập lụt nặng nề bởi xả cửa đập thủy điện… Tây Nguyên và vùng phụ cận đang chịu những giá quá đắt và chưa biết bao giờ thôi trả giá?!
Và ở Lâm Ðồng?
Bài báo trước, chúng tôi đã nêu hiện trạng vi phạm Luật BV&PTR của dự án Thủy điện Krông Nô 2 ở xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, vì vậy không nhắc lại. Ngày 17/2, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng để nắm bắt thông tin về các vụ vi phạm Luật BV&PTR của dự án thủy điện, Chi cục trưởng Nguyễn Khang Thiên cho biết, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra nên chưa thể cung cấp. Qua thực tế hiện trường và thông tin đã công khai, chúng tôi nêu hai vụ gần nhất vào năm 2016.
1. Đó là vụ Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam - Krông Nô (trong bài gọi tắt là Công ty) đã tự chặt hạ rừng phòng hộ xung yếu để lấy mặt bằng thi công đường dây điện 110 Kv khi chưa có giấy phép.
Hiện trường xảy ra tại các tiểu khu 28, 31, 40 và 41, thuộc địa bàn xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương. Tháng 1/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chấp thuận chủ trương cho Công ty này được chặt hạ cây rừng với tổng diện tích 1,95 ha để có mặt bằng thi công (trong phạm vi rộng 5 m với tổng diện tích 8,02 ha). Tỉnh yêu cầu Công ty chỉ được thực hiện sau khi đã có sự phê duyệt hồ sơ khai thác tận dụng lâm sản của Sở NN&PTNT Lâm Đồng; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đền bù giá trị tài nguyên rừng trước ngày 5/2/2016, hoàn thành phương án trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế trước ngày 31/3/2016.
Tuy nhiên, ngành Kiểm lâm đã phát hiện rừng bị chặt hạ khi Công ty chưa được phê duyệt hồ sơ tận dụng lâm sản và quyết định cho phép khai thác tận dụng nêu trên. Thực tế, việc chặt hạ này đã diễn ra từ tháng 12/2014 đến tháng 12/2015, trước cả chủ trương cho phép chặt hạ cây rừng của UBND tỉnh Lâm Đồng (?!).
|
Nhiều thân cây gỗ lớn sát lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 5 bị đốn hạ ngổn ngang. Ảnh: M.Đạo |
Qua khám nghiệm bước đầu của ngành chức năng, số diện tích lâm sản bị tác động do chặt hạ khoảng 10,2 ha (trong đó hơn 9,8 ha rừng phòng hộ xung yếu và trên 0,3 ha thuộc quy hoạch ngoài 3 loại rừng). Đặc biệt, phần diện tích bị tác động có hơn 50% nằm ngoài phạm vi rộng 5 mét. Tổng khối lượng lâm sản bị chặt hạ hơn 683 m
3 gỗ tròn, tương đương khoảng 1.755 cây; trong đó, khối lượng lâm sản ngoài phạm vi rộng 5 m khoảng hơn 500 m
3.
Theo giải trình của Công ty, đơn vị đã lập hồ sơ kiểm kê tài nguyên rừng trên diện tích được chấp thuận chủ trương chung ban đầu và đã được Sở NN&PTNT thẩm định (tổng diện tích kiểm kê hơn 27,5 ha, trữ lượng gỗ trên 829 m
3). Công ty cũng đã lập thủ tục thuê đất nộp Sở TN&MT, nhưng để kịp tiến độ đóng điện trước 31/12/2015 và các lý do khác, nên đã có văn bản xin chặt hạ cây rừng để thi công móng trụ và rải kéo dây điện…
Khi câu chuyện vỡ lở, Công ty thừa nhận việc chưa có phép nhưng đã chặt hạ cây là không đúng và đề nghị được hoàn thành các thủ tục, hoàn tất hồ sơ theo quy định của pháp luật. Sau vụ việc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, khám nghiệm hiện trường rừng bị chặt; xác định cụ thể diện tích, số lượng cây bị hạ, khối lượng lâm sản bị mất trong và ngoài phạm vi... Mặt khác, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan do không kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chặt hạ cây rừng của Công ty…
2. Dòng sông Đồng Nai ngày phải oằn mình vì các dự án thủy điện mọc lên: Đa Nhim, Đại Ninh, Trị An, Đồng Nai 2, 3, 4, 5 (rất may 2 dự án lớn Đồng Nai 6 và 6A sau đó Quốc hội kiên quyết bác bỏ).
Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, để Thủy điện Đại Ninh đi vào hoạt động thì tỉnh đã mất 2.667 ha đất rừng. “Nếu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chỉ tính có khoảng 25 công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ thì tỉnh đã mất hơn 15.000 ha rừng tự nhiên. Bình quân, để có được 1MW điện phải mất 10 - 16 ha đất lâm nghiệp và sản xuất nông nghiệp”, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lương Văn Ngự phân tích.
Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Khang Thiên hết sức có trách nhiệm, ông nói: Hai công trình Thủy điện Đồng Nai 4 và 5 có những tiểu khu rất “nóng” vì mất rừng, đó là 390A, 390B, 397, 398, 419,… xã Lộc Bắc, xã Lộc Bảo huyện Bảo Lâm.
Chúng tôi chỉ nêu một vài số liệu về vụ án phá rừng nghiêm trọng được cơ quan công an phát hiện vào tháng 7/2016 tại Thủy điện Đồng Nai 5. Đoàn khám nghiệm hiện trường của các cơ quan chức năng bước đầu đã thống kê được số lượng gỗ bị thiệt hại trong vụ án này gần 300 m
3, gồm các loài Dỗi, Xuân thôn, Xương gà…
Điều tra qua một công nhân làm việc 4 năm tại Công trường Thủy điện Đồng Nai 5 (đề nghị giấu tên), anh cho biết: Đêm nào ở bến thuyền (ngay bên đập thủy điện) cũng tấp nập người đưa gỗ lên xe ô tô chở đi các nơi. “Làm sao không có người bảo kê, nó (lâm tặc) đâu dám làm !”, anh này nói.
Vụ án phá rừng ở Thủy điện Đồng Nai 5 đã được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo xử lý nghiêm. Cùng đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo rốt ráo các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực điều tra, làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân để xử lý sai phạm. Mặc dù cơ quan chức năng đã khởi tố và tạm giam hơn mười nghi can, tuy nhiên vụ án chưa thể kết thúc.
MINH ÐẠO