Thủy điện và những tác động xấu đến tài nguyên rừng (bài 3)

08:02, 21/02/2017

Để khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết liệt: Chấm dứt các dự án thủy điện trên địa bàn có xâm hại đến rừng, kiểm tra xử lý cương quyết thậm chí đình chỉ hoạt động đối với các dự án nhà máy thủy điện chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm việc trồng rừng thay thế, nộp phí dịch vụ môi trường rừng.

CẦN QUYẾT LIỆT, CHẶT CHẼ TRONG PHÊ DUYỆT VÀ QUẢN LÝ
 
[links(right)] Để khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết liệt: Chấm dứt các dự án thủy điện trên địa bàn có xâm hại đến rừng, kiểm tra xử lý cương quyết thậm chí đình chỉ hoạt động đối với các dự án nhà máy thủy điện chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm việc trồng rừng thay thế, nộp phí dịch vụ môi trường rừng.
 
Tại thời điểm tháng 11/2016, cả nước đã loại khỏi quy hoạch 684 dự án thủy điện; trong đó có 8 dự án thủy điện bậc thang, 463 dự án thủy điện nhỏ và 213 dự án không đưa vào diện xem xét quy hoạch. 
 
Thủy điện Đồng Nai 2 ở Di Linh có tổng công suất 70 MW/h, hoàn thành tháng 10/2015, một trong 6 thủy điện có công suất lớn ở Lâm Đồng. Ảnh: M.Đạo
Thủy điện Đồng Nai 2 ở Di Linh có tổng công suất 70 MW, hoàn thành tháng 10/2015,
một trong 6 thủy điện có công suất lớn ở Lâm Đồng. Ảnh: M.Đạo

Lâm Ðồng loại bỏ hơn 50% dự án 
 
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015 do Sở TN&MT chủ trì, ngày 30/5/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1506/QĐ-UBND về việc loại bỏ Quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ tỉnh Lâm Đồng. 28 dự án bị loại ra khỏi quy hoạch và 3 dự án tiếp tục bị thu hồi giấy phép đầu tư do không triển khai dự án trong tổng số 57 dự án đã được quy hoạch.
 
Như vậy đến thời điểm này, số lượng thủy điện theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn 26 dự án (tất cả đã được phê duyệt hồ sơ môi trường). Trong đó, có 5 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng chưa triển khai thi công, 1 dự án đang giải phóng mặt bằng, 5 dự án thủy điện vừa và nhỏ đang triển khai thi công và 14 dự án đã đưa vào vận hành khai thác. Trong số 14 dự án này, 6 dự án có công suất lớn là: Thủy điện Đa Nhim, Thủy điện Đại Ninh, Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, Thủy điện Đồng Nai 2, Thủy điện Đồng Nai 3 và Thủy điện Đồng Nai 4. 
 
Kết quả trên khẳng định, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện rốt ráo việc rà soát quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 11/NQ–CP ngày 18/2/2014 của Chính phủ. Phải thẳng thắn nhìn nhận nghiêm túc về những tác động trực tiếp từ thủy điện đến môi trường sinh thái, làm đất đai và diện tích rừng bị thu hẹp do quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước, thiết kế xây dựng đường dây dẫn điện cũng như xây dựng các hạ tầng kỹ thuật phục vụ công trình (như loạt bài trước đã dẫn chứng). 
 
Siết chặt công tác quản lý thủy điện vẫn đang là thử thách lớn và là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của tỉnh. Qua 15 năm (từ năm 1999 đến 2014), diện tích rừng ở Lâm Đồng bị giảm do nhiều nguyên nhân; độ che phủ từ 63,4% giảm còn 52,5% (Quyết định 299/QĐ- UBND, ngày 28/1/2015 về việc phê duyệt kết quả kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh). Bình quân hàng năm, Lâm Đồng giảm 7.100 ha. Cũng Quyết định trên, năm 2014, Lâm Đồng có diện tích có rừng 532.081 ha, trong đó rừng tự nhiên 438.231 ha, rừng trồng 68.993 ha; độ che phủ 52,5%. Năm 2015, (Quyết định công bố hiện trạng rừng năm 2015 của Bộ NN&PTNT, ngày 27/7/2016), diện tích có rừng của tỉnh là 532.095 ha (đứng sau 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum); trong đó, rừng tự nhiên 453.129 ha, rừng trồng 78.966 ha; độ che phủ 53,1% (đứng thứ 2 sau tỉnh Kon Tum, 62,3%).
 
Số liệu trên cho thấy, trong một năm, rừng tự nhiên của tỉnh bị mất tiếp 14.898 ha, rừng trồng tăng thêm 9.973 ha, độ che phủ rừng tăng 0,6%. Việc để mất đi gần 15.000 ha rừng tự nhiên là điều rất đáng tiếc, trong đó, có nguyên nhân từ các dự án công trình thủy điện. 
 
Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng 
 
Như đã nêu ở bài trước, vấn đề khôi phục và phát triển bền vững rừng ở Tây Nguyên nói riêng và trong toàn quốc nói chung đã, đang được Trung ương và Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Tại Chỉ thị 13/CT-TW, ngày 12/1/2017, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, “Khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch... Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên; dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp”.
 
Đặc biệt, “Kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư”, Chỉ thị nêu rõ. 
 
Với thủy điện, cái lợi và cái hại luôn song hành nhau. Bởi thế, một mặt kiên quyết, chặt chẽ trong phê duyệt quy hoạch và thẩm định dự án; mặt khác, cần một cơ chế quản lý, vận hành liên cơ quan hiệu quả, để giảm thiểu thấp nhất tác hại, phát huy được mặt mạnh. Trong đó, những cơ quan có thẩm quyền, những cán bộ liên quan phải thực sự nâng cao trách nhiệm vì cộng đồng; nhận thức đúng đắn về tính bền vững của sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Thực hiện Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ, thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Bộ Công thương đã có Văn bản số 7164/BCT-TCNL ngày 3/8/2016 gửi UBND 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng) và các tỉnh vùng phụ cận (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước). Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh nêu trên khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh và chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện nghiêm túc các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận. 
 
Cụ thể: Đối với các dự án thủy điện thuộc quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm các dự án đang nghiên cứu đầu tư và chưa nghiên cứu đầu tư, cần được tiếp tục rà soát, xem xét điều chỉnh quy mô, sơ đồ khai thác để đánh giá cụ thể ảnh hưởng của dự án đến đất rừng, nếu có ảnh hưởng, yêu cầu không xem xét tiếp tục nghiên cứu, đầu tư. Đối với các dự án thủy điện đã được UBND tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát để bổ sung vào quy hoạch, nếu có ảnh hưởng đến đất rừng, Bộ Công thương sẽ không xem xét để đưa vào quy hoạch. Đối với các dự án thủy điện đang thi công xây dựng, đã hoàn thành và đi vào vận hành, nếu không thực hiện đầy đủ các cam kết về trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng, Bộ này đề nghị UBND các tỉnh tổng hợp danh sách các dự án này báo cáo Bộ để yêu cầu dừng triển khai hoặc thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực. 
 
Để thực sự có hiệu quả trong công tác quản lý thủy điện, Bộ Công thương còn đặt ra vấn đề tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng tại các dự án thủy điện, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc xây dựng thủy điện để chặt phá rừng và vận chuyển gỗ trái phép qua các tuyến đường thi công của các dự án thủy điện. Với tinh thần hành động trên, Bộ Công thương cũng đề nghị các tỉnh vùng lân cận phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện.

MINH ÐẠO