Vụ án không lớn nhưng đã kéo dài hơn 2 năm, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đam Rông thụ lý điều tra, rồi tạm đình chỉ điều tra, sau đó phục hồi điều tra, rồi lại đình chỉ điều tra và có hướng chuyển sang giải quyết dân sự, trong khi các đối tượng phạm tội đã thú nhận hành vi "phá hoại tài sản công dân" tình nguyện bồi thường thiệt hại...
Vụ án không lớn nhưng đã kéo dài hơn 2 năm, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Đam Rông thụ lý điều tra, rồi tạm đình chỉ điều tra, sau đó phục hồi điều tra, rồi lại đình chỉ điều tra và có hướng chuyển sang giải quyết dân sự, trong khi các đối tượng phạm tội đã thú nhận hành vi “phá hoại tài sản công dân” tình nguyện bồi thường thiệt hại. Điều đáng nói, kẻ chủ mưu lại thách thức, coi thường pháp luật khiến nạn nhân và dư luận hết sức bức xúc, lo lắng.
|
Ông Phạm Văn Sáu chỉ vết tích vụ chặt phá cà phê của gia đình ông. Ảnh: H.V.Mỹ |
Vụ việc xảy ra ngày 20/7/2014, khi gia đình ông Phạm Văn Sáu, ở thôn Pang Pế Đơng, xã Đạ R’Sal (Đam Rông) bị kẻ xấu chặt phá 39 cây cà phê đã cho thu hoạch. Khi phát hiện vườn cà phê nhà mình bị phá tan hoang, ông Sáu đã kịp thời trình báo Công an xã Đạ R’Sal và Công an huyện Đam Rông. Nhận được tin báo, lực lượng công an xã, công an huyện đã đến hiện trường ghi nhận vụ việc, sau đó, trưng cầu giám định thiệt hại về tài sản của 39 cây cà phê có giá trị 3.272.500 đồng.
Căn cứ quy định của Bộ Luật hình sự, ngày 17/11/2014, cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Đam Rông đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/2014-CSĐT về việc “Phá hoại tài sản”. Tuy nhiên, đến ngày 16/1/2015, cơ quan CSĐT Công an huyện Đam Rông lại ra quyết định “tạm đình chỉ điều tra” với lý do “Chưa xác định được thủ phạm gây ra vụ chặt hạ cà phê của gia đình ông Sáu”.
Không đồng ý quyết định “tạm đình chỉ điều tra” của cơ quan CSĐT Công an huyện Đam Rông, ông Phạm Văn Sáu dành nhiều thời gian, bí mật tự điều tra vụ việc và khi đã có đầy đủ chứng cứ trong tay, xác định được những đối tượng trực tiếp chặt hạ cà phê của gia đình và kẻ chủ mưu đứng đằng sau, ngày 28/3/2016, ông Phạm Văn Sáu tiếp tục có đơn tố cáo các đối tượng: Lô Văn Du, Y Ngương Nơm, Thạch Minh Tâm là người địa phương đã chặt hạ cà phê của gia đình ông đến cơ quan CSĐT Công an huyện Đam Rông.
Được ông Sáu cung cấp đầy đủ chứng cứ, ngày 11/5/2016, cơ quan CSĐT Công an huyện Đam Rông ban hành quyết định phục hồi điều tra vụ án “Phá hoại tài sản”. Cũng như bản tường trình nhận tội “chặt phá cà phê” với ông Phạm Văn Sáu, quá trình điều tra của cơ quan CSĐT Công an huyện Đam Rông, các đối tượng: Lô văn Du, Y Ngương Nơm, Thạch Minh Tâm đã khai nhận hành vi “Chặt phá cà phê của gia đình ông Sáu” vào ngày 20/7/2014. Đồng thời, khai ra kẻ chủ mưu thuê họ chặt phá cà phê gia đình ông Sáu.
Vụ việc tưởng chừng đã rõ và cơ quan CSĐT đã có đủ cơ sở để kết luận điều tra, chuyển VKSND huyện truy tố về tội “Hủy hoại tài sản” và chủ mưu “Phá hoại tài sản”. Thế nhưng, từ đó đến nay vụ án vẫn bị dậm chân tại chỗ, trong khi các đối tượng “Phá hoại tài sản” và kẻ chủ mưu có những lời lẽ thách thức, xem thường pháp luật khiến gia đình ông Sáu và dư luận hết sức bức xúc. Bản thân ông Sáu sau nhiều lần gặp gỡ các cán bộ trực tiếp điều tra vụ án và các cơ quan pháp luật huyện Đam Rông tìm hiểu nguyên nhân làm chậm trễ xử lý vụ án nhưng không mang lại kết quả, nên đã gửi đơn khiếu nại, kêu cứu đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phạm Văn Sáu cho biết: Theo tìm hiểu của ông, cơ quan CSĐT đang muốn chuyển vụ án sang xử lý hành chính, do đó đã nhiều lần cán bộ trực tiếp điều tra và cả lãnh đạo Công an huyện Đam Rông đến gặp gỡ, trao đổi với ông là nên nhận tiền bồi thường thiệt hại của các đối tượng chặt phá cà phê, để giải quyết vụ việc theo hướng xử phạt hành chính, không nên làm căng thẳng vụ việc, vì tình làng nghĩa xóm.
Với quan điểm đó, cơ quan CSĐT đã làm việc và các đối tượng: Lô Văn Du, Y Ngương Nơm, Thạch Minh Tâm đã chấp nhận bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Sáu 9 triệu đồng và thông qua các điều tra viên của cơ quan CSĐT Công an huyện Đam Rông, bước đầu các đối tượng nói trên đã nộp được 6 triệu đồng. Số tiền này ông Sáu không chịu nhận, nhưng các điều tra viên Ngô Minh Trí Dũng, Bùi Xuân Hải yêu cầu ông Sáu phải nhận, nếu không sẽ gửi vào ngân hàng, nên rốt cuộc ông Sáu phải nhận và tiếp tục yêu cầu phải điều tra, làm rõ kẻ chủ mưu phá hoại tài sản của gia đình ông.
Bảo lưu quan điểm đó, ông Sáu khẳng định với chúng tôi: Đối với các đối tượng trực tiếp chặt phá cà phê của ông, nếu bị đưa ra TAND định đoạt tội, tôi có thể bãi nại, vì họ là người ít hiểu biết pháp luật, nhưng không thể bỏ qua kẻ chủ mưu đứng đằng sau, bởi lẽ: Đây là đối tượng cậy có tiền, đã gây ra rất nhiều vụ việc phức tạp, gây bức xúc tại địa phương, rất nhiều người dân đã có đơn trình báo, tố giác, nhưng chưa thấy các cơ quan pháp luật xử lý, răn đe.
Ngày 8/3/2017, làm việc với chúng tôi, Đại tá Đoàn Văn Liêm - Trưởng Công an huyện và Thượng tá Phạm Văn Sế - Phó trưởng Công an huyện Đam Rông cho biết: Việc các đối tượng Lô Văn Du, Y Ngương Nơm, Thạch Minh Tâm chặt phá 39 cây cà phê đang cho thu hoạch của gia đình ông Phạm Văn Sáu là có thật, các đối tượng đã nhận tội và tình nguyện bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Sáu. Tuy nhiên, vụ việc không lớn, nên chúng tôi muốn xử lý hành chính để giữ “Tình làng nghĩa xóm”. Còn việc kẻ chủ mưu, tuy các đối tượng đã khai báo với cơ quan CSĐT và đã có văn bản tường trình, nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để quyết định khởi tố điều tra, nếu làm không khéo sẽ bị “hàm oan” như các vụ án khác mà báo chí đã nêu. Cũng do quan điểm của cơ quan CSĐT với ông Phạm Văn Sáu không thống nhất với nhau trong xử lý vụ việc, nên hiện nay vụ việc vẫn kéo dài, chưa kết thúc.
Trước quan điểm của lãnh đạo Công an huyện Đam Rông, chúng tôi cho rằng: Việc các đối tượng chặt phá cà phê của gia đình ông Phạm Văn Sáu đã thú nhận hành vi phạm tội và khai ra kẻ chủ mưu đứng đằng sau là vụ việc đơn giản, không phức tạp, có cơ sở để điều tra làm rõ, nhưng để kéo dài hơn 2 năm không kết luận điều tra để đưa ra truy tố, xét xử gây bức xúc trong dân là vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Hơn nữa, việc khởi tố điều tra kẻ chủ mưu “Phá hoại tài sản công dân” là cần thiết, bởi góp phần đảm bảo an ninh tại địa phương và răn đe các đối tượng không được hành xử theo “luật rừng”. Vì lẽ đó, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm điều tra làm rõ, xử lý đúng quy định của pháp luật.
HOÀNG VƯƠNG MỸ