Chung cư xuống cấp, khó sửa chữa dứt điểm

08:03, 29/03/2017

Hàng chục căn hộ tại các chung cư thuộc sở hữu nhà nước và công ty tư nhân trên địa bàn TP Đà Lạt đang có dấu hiệu xuống cấp cần được bảo trì, nâng cấp. Tuy nhiên, nghịch lý là lâu nay phí bảo trì chung cư gần như không có dẫn tới việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hàng chục căn hộ tại các chung cư thuộc sở hữu nhà nước và công ty tư nhân trên địa bàn TP Đà Lạt đang có dấu hiệu xuống cấp cần được bảo trì, nâng cấp. Tuy nhiên, nghịch lý là lâu nay phí bảo trì chung cư gần như không có dẫn tới việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
 
Ban tự quản chung cư Nguyễn Lương Bằng cho biết, mỗi khi trời mưa nước thấm từ cầu thang chảy thành dòng xuống phòng các hộ dân tại tầng 4, khu C. Ảnh:C.Thành
Ban tự quản chung cư Nguyễn Lương Bằng cho biết, mỗi khi trời mưa nước thấm từ cầu thang chảy thành dòng xuống phòng các hộ dân tại tầng 4, khu C. Ảnh:C.Thành
Nhiều hộ bị thấm dột 
 
Hơn một năm nay, những hộ dân sinh sống tại tầng 4 thuộc hai khối A và B chung cư Mạc Đĩnh Chi (Phường 4, TP Đà Lạt) rất khổ sở với tình trạng thấm dột mỗi khi mưa xuống. Bà Nguyễn Thị Nhật Phượng, căn hộ B406, khối A cho biết, mỗi lần mưa lớn hay nhỏ, toàn bộ nền nhà 53 m2 của gia đình đều ướt nhẹp do nước thấm từ tầng thượng xuống trần nhà. 
 
Để khắc phục tình trạng trên, gia đình bà Phượng đặt các chậu lớn để hứng nước thấm hằng ngày nên việc sinh hoạt nhìn chung khá bất tiện. “Khổ nhất là lúc về đêm gặp cơn mưa kéo dài, gia đình tôi buộc phải kéo giường ra góc phòng khách, nơi nước chưa nhỏ tới để ngủ qua đêm” - bà Phượng chia sẻ và cho hay gia đình bà đã phải sống trong tình cảnh này hơn một năm nay. Còn tại hộ bà Trần Thị Lan (phòng 406, khu B) mặc dù trời cuối tháng 3 rất ít mưa nhưng trần nhà vẫn mốc meo và nước thấm nhỏ giọt. Bà Lan cho biết từ năm 2013 tới giờ đã nhiều lần gia đình bỏ tiền sửa chữa bằng nhiều cách nhưng chỉ ngăn được một, hai tháng, lo lắng hơn là các vết thấm còn tiếp tục lan ra các điểm khác của căn nhà trông rất nhếch nhác.
 
Ông Hoàng Đức Năm, Trưởng Ban tự quản chung cư Mạc Đĩnh Chi cho hay, gần 70% các hộ tại tầng 4 chung cư hai năm nay bị mưa dột, rỉ nước gây không ít phiền hà trong sinh hoạt hàng ngày của các hộ dân. “Đã có nhiều hộ đã tự bỏ tiền ra sửa chữa nhưng do việc thấm dột bắt nguồn từ tầng thượng liên quan tới kết cấu xây dựng phức tạp, yêu cầu kinh phí sửa chữa lớn nên tình trạng trên vẫn tái diễn trong thời gian dài, chưa được khắc phục dứt điểm”- ông Năm nói.
 
Tương tự tình trạng chung cư Mạc Đĩnh Chi, khu chung cư Nguyễn Lương Bằng (đường Nguyễn Lương Bằng, Phường2, TP Đà Lạt) các căn hộ tại lầu 4 và lầu 3 các khu A và C đều có hiện tượng thấm dột trần nhà và cầu thang bộ. Tại hộ ông Vũ Quốc Trị (phòng 402, khu B), toàn bộ trần nhà 53 m2 bị nấm mốc, thâm đen và bong tróc sơn do nước ngấm từ tầng thượng xuống. Nặng nhất là khu vực phòng tắm, nước thấm lênh láng mỗi khi mưa lớn hay kéo dài. Ông Phạm Văn Phách hộ 302, khu nhà B cho biết thêm, không chỉ có tầng 4, những hộ tại tầng 3 cũng bị thấm dột tại khu vực phòng tắm, nơi có đường ống dẫn nước đi qua. Đặc biệt, tại đường ống nước chạy từ tầng thượng xuống mép tường chân cầu thang tầng 4 và tầng 3 đều xuất hiện nấm mốc, các vết nứt dài và nước mặc dù vào ngày nắng nhưng vẫn âm ỉ rỉ nhỏ giọt. Trường hợp mưa lớn, nước chảy thành dòng và tràn mấp mé vào cửa nhà các hộ tại đây. Trong khi đó, chỉ có khu nhà B được tạm thời khắc phục bằng việc lợp thêm mái che, khu A và C được người dân sửa chữa bằng cách lát thêm gạch bông tầng thượng, đắp bê tông ven vị trí ống thoát nước nhưng chỉ ngăn nước thấm được một thời gian ngắn. 
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều chung cư khác trên địa bàn TP Đà Lạt đều ít nhiều gặp tình trạng ẩm mốc và thấm dột như hai chung cư nêu trên.
 
Phí bảo trì rất thấp 
 
Thông tin từ Phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt cho biết, theo quy trình bảo trì chung cư, Trung tâm quản lý nhà thành phố hằng năm đều rà soát các hộ có đơn yêu cầu cần bảo trì, sửa chữa sau đó báo cáo danh sách lên Phòng Quản lý đô thị thành phố kiểm tra, phê duyệt dự toán, hạng mục tiến hành sửa chữa. Còn đối với các sửa chữa nhỏ quét sơn, sửa phòng vệ sinh… không ảnh hưởng tới kết cấu chung của chung cư, người dân chỉ cần làm đơn gửi lên UBND phường hay Phòng Quản lý đô thị thành phố đối với chung cư tư nhân. Còn đối với chung cư thuộc sở hữu nhà nước người dân tới Trung tâm Quản lý nhà thành phố, các thủ tục sẽ được giải quyết nhanh chóng từ 2 tới 5 ngày. 
 
Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị đánh giá, khó khăn hiện nay là đối với chung cư thuộc sở hữu nhà nước là Ban quản trị chung cư gần như không có phí bảo trì như Mạc Đĩnh Chi, Khe Sanh, Hoàng Hoa Thám... Trong khi đó, phí bảo trì chung cư tư nhân như Hùng Vương, Nguyễn Lương Bằng… thì nơi có, nơi không.
 
Ông Nguyễn Hàng, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý nhà TP Đà Lạt thông tin, hiện đơn vị chịu trách nhiệm quản lý 7 chung cư thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn với tổng số trên 800 căn hộ. Trong đó, số lượng người dân ở chung cư theo hình thức thuê nhà chiếm trên 85%, còn gần 15% còn lại người dân mua ở hẳn. Theo ông Hàng, Nghị định 99 về quản lý nhà ở của Chính phủ, các văn bản quy phạm UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành đều quy định rất rõ ràng phí bảo trì, duy trì hoạt động chung cư rất cụ thể, như: người mua nhà chung cư có nghĩa vụ phải nộp 2% số tiền trên giá trị mua nhà (hay căn hộ) làm phí bảo trì chung cư. Đơn vị chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển số tiền này vào tổ chức tín dụng với tài khoản riêng, sau đó chuyển cho Ban quản trị chung cư khi đi hoạt động, phục vụ các việc nâng cấp, bảo trì… cho cư dân chung cư. 
 
“Vấn đề ở đây là với các chung cư thuộc sở hữu nhà nước, phí bảo trì chung cư chỉ quy định người dân mua căn hộ mới có trách nhiệm nộp phí bảo trì 2%, trong khí đó hầu hết người dân ở chưng cư với hình thức thuê nhà nên phí bảo trì nguồn thu này gần như không có. Trong khi đó, hàng năm, chúng tôi vẫn phải duy trì việc sửa chữa, bảo trì định kỳ chung cư bằng việc trích các nguồn vốn khác để đảm bảo sinh hoạt an toàn cho người dân là khó khăn không nhỏ đối với đơn vị” - ông Hàng chia sẻ. 
 
Riêng về chung cư Mạc Đĩnh Chi, ông Hàng cho rằng, giữa các hộ dân sinh sống trong chung cư và chủ đầu tư và đơn vị đang gặp một số vướng mắc. Trong đó, có việc nhiều người dân từ khu vực giải tỏa tại ấp Ánh Sáng sinh sống tại chung cư không thực hiện nghĩa vụ tài chính, trả tiền thuê căn hộ hơn một năm qua. “Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và cơ quan nhà nước, song song với việc tuyên truyền để người dân đóng tiền thuê nhà, tuần qua Trung tâm quản lý nhà và đơn vị chủ đầu tư (Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật) đang bàn các phương án chống thấm dột tổng thể, trong đó có tính tới phương án lợp mái trên tầng thượng chung cư Mạc Đĩnh Chi trong những ngày tới” - ông Hàng cho biết thêm.
 
C.THÀNH