Đề án Hoàn thiện hồ sơ địa chính tỉnh Lâm Đồng là hướng triển khai phù hợp với Bộ quy chuẩn mới của Bộ TN&MT; bởi đây là cơ sở dữ liệu (CSDL) có tính hữu dụng rất cao. Tuy nhiên, lộ trình đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành trên địa bàn toàn tỉnh sẽ là thử thách không nhỏ khi nguồn kinh phí đầu tư cho Đề án còn hạn hẹp.
Đề án Hoàn thiện hồ sơ địa chính tỉnh Lâm Đồng là hướng triển khai phù hợp với Bộ quy chuẩn mới của Bộ TN&MT; bởi đây là cơ sở dữ liệu (CSDL) có tính hữu dụng rất cao. Tuy nhiên, lộ trình đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành trên địa bàn toàn tỉnh sẽ là thử thách không nhỏ khi nguồn kinh phí đầu tư cho Đề án còn hạn hẹp.
|
Cán bộ, nhân viên Văn phòng Đăng ký đất đai đang tích cực triển khai Đề án. Ảnh: M.Đạo |
Nội dung cốt lõi của Đề án là xây dựng hệ thống CSDL về đất đai. Theo đó, các thông tin này sẽ được Sở TN&MT, trong đó, 2 đơn vị chủ công là Phòng Quản lý đất đai và Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện. Kết quả của hệ thống CSDL địa chính sẽ phục vụ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: công tác cấp đổi lại hoặc cấp lần đầu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tài liệu quan trọng phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai; cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và cung cấp thông tin về đất đai cho các tổ chức, đơn vị và hộ gia đình khi có nhu cầu… Hệ thống CSDL đều được số hóa, bao gồm nhiều hạng mục quan trọng về lí lịch đất đai như: diện tích, thửa, số bản đồ, vị trí, tọa độ, địa bàn, loại đất… Đặc biệt, mọi thông tin đều đạt các yêu cầu như nhanh chóng, kịp thời, chính xác, nhờ phương pháp đo mới và thường xuyên cập nhật. Dĩ nhiên tổ chức và cá nhân khi sử dụng thông tin phải trả một khoản lệ phí theo quy định của pháp luật để phục vụ công tác bảo dưỡng hệ thống. Theo đó, những thông tin trích xuất từ hệ thống CSDL này sẽ góp phần quan trọng trong các lĩnh vực thiết yếu diễn ra hàng ngày của nhiều ngành như: quy hoạch; xây dựng; đền bù giải phóng mặt bằng; kêu gọi đầu tư; thu ngân sách; giải quyết tranh chấp; thống kê, kiểm kê, chuyển nhượng, định giá và đấu thầu…
Khi triển khai xây dựng hệ thống địa chính điện tử, mặt thuận lợi là Lâm Đồng đã thực hiện mô hình đăng ký đất đai một cấp hơn 2 năm nay theo quy định của Luật Đất đai và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, đội ngũ đã đi vào guồng hoạt động - thao tác xử lý thành thục, nhất là công tác chỉnh lý và cập nhật thông tin. Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở TN&MT Lâm Đồng Nguyễn Phú Tuấn cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã triển khai giai đoạn 2 trên 3 địa bàn: huyện Di Linh, huyện Đức Trọng và thành phố Đà Lạt. Trong đó, tại huyện Di Linh đã có được một hệ thống CSDL cơ bản về đất đai của toàn huyện. Cụ thể, kết thúc giai đoạn 1, 100% địa bàn xã, thị trấn (18 xã, 1 thị trấn) đã thực hiện qua 5 bước. Trong đó, từ công tác chuẩn bị (bước 1) đến thu thập hồ sơ (bước 2), tổng khối lượng thiết kế kỹ thuật là 207.157 hồ sơ và khối lượng thực hiện là 147.409 hồ sơ; quét giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất (bước 5) với khối lượng thực hiện đã đạt 1.502.021 trang A4. Hầu hết các địa bàn xã, thị trấn đã đạt tỷ lệ từ 65% đến 103,1% so với thiết kế kỹ thuật. Đối với giai đoạn 2, hiện các tổ thi công đang thực hiện số lượng hồ sơ đăng ký sau đo đạc mới với 14.637 hồ sơ đã quét (177.899 trang A4, số lượng tờ bản đồ là 238). Một số địa bàn như các xã Hòa Nam, Hòa Bắc, Hòa Trung, Hòa Ninh, Tân Lâm đã hoàn tất công tác chuẩn bị dữ liệu không gian và chuyển SDE; còn lại các địa bàn khác đang thực hiện. Ông Tuấn cũng cho biết, kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 tại huyện Di Linh là: Đối với 10 xã đã được nghiệm thu bản đồ đo đạc sẽ hoàn thành các công việc như chuẩn bị dữ liệu không gian để đẩy vào phần mềm Vilis; nghiệm thu; bàn giao dữ liệu cho địa phương để cập nhật biến động; quét và nhập hồ sơ sau đăng ký… và cuối cùng là bàn giao CSDL cho Chi nhánh Đăng ký đất đai huyện vào ngày 30/6/2017. Đối với 9 xã và thị trấn còn lại, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sẽ bàn giao CSDL cho chi nhánh vào cuối năm 2017. Dĩ nhiên, quá trình đưa vào vận hành, sử dụng vẫn thường xuyên cập nhật chỉnh lý biến động để hồ sơ luôn đáp ứng thông tin khai thác có hiệu quả nhất.
Rõ ràng mô hình văn phòng đăng ký đất đai một cấp đã đáp ứng về nhiệm vụ xây dựng và quản lý về lĩnh vực đất đai phù hợp với xu thế đổi mới hiện nay. Thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên thông dữ liệu với các ngành khác, tiến tới Chính phủ điện tử. Các văn phòng đăng ký đất đai đã có điều kiện hơn về lực lượng chuyên môn, chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống, đã quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng CSDL địa chính; đồng thời tăng cường kiểm tra, chỉ đạo việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các cấp huyện, xã để bảo đảm sự thống nhất của hồ sơ địa chính theo quy định.
Tuy nhiên, với tình hình kinh phí hiện nay còn rất khiêm tốn, dự báo kế hoạch hoàn thành Đề án Hoàn thiện hồ sơ địa chính tỉnh Lâm Đồng vào năm 2018 sẽ rất khó khả thi. Bởi, thực tế ở Lâm Đồng với địa bàn tỉnh miền núi, có địa hình khó khăn, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp rất lớn, vì vậy, công tác đo đạc đất đai sẽ gặp nhiều khó khăn không nhỏ mà đầu tư kinh phí là một giải pháp thúc đẩy hữu hiệu.
MINH ĐẠO