Xin đừng giảm quyền lợi của người lao động

09:03, 08/03/2017

Nghiên cứu "Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động" do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ (đăng trên website để tham khảo ý kiến), về cơ bản có nhiều điểm mới, mở rộng theo hướng phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển của đất nước, song có điều khoản lại giảm bớt quyền lợi của người lao động, trong đó nổi bật nhất là chế độ trợ cấp thôi việc. 

Nghiên cứu “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ (đăng trên website để tham khảo ý kiến), về cơ bản có nhiều điểm mới, mở rộng theo hướng phù hợp với xu thế hội nhập, phát triển của đất nước, song có điều khoản lại giảm bớt quyền lợi của người lao động, trong đó nổi bật nhất là chế độ trợ cấp thôi việc. Theo Bộ Luật Lao động hiện hành, khoản 1, Điều 48 quy định:
 
“Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương”. 
 
Thế nhưng, chế độ trợ cấp thôi việc trong “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động”, tại Phương án 1 Bổ sung trường hợp người lao động nghỉ hưu cũng được trợ cấp thôi việc và giảm mức trợ cấp thôi việc xuống còn 1/4 tháng lương, cụ thể, khoản 1, Điều 48 (sửa đổi, bổ sung) quy định “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 9 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một phần tư tháng tiền lương”.
 
Trước khi nghỉ hưu, tôi làm công tác quản lý về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế liên tục 20 năm (từ tháng 9/1995 đến tháng 8/2015), chúng tôi hiểu rõ với người lao động mỗi khi chấm dứt hợp đồng lao động cũng như khi nghỉ hưu, nguồn tài chính đóng vai trò quan trọng và rất cần thiết cho cuộc sống của bản thân và gia đình, vì vậy, trong phạm vi của nội dung này, xin kiến nghị:
 
- Đối với người đủ điều kiện nghỉ hưu, bổ sung thêm được hưởng trợ cấp thôi việc là điểm mới, mang đậm chất nhân văn, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Nhà nước trong việc nâng cao quyền lợi của người lao động, bởi sau nhiều năm công tác, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp, ngoài lương hưu còn được nhận thêm một khoản tiền trợ cấp là hoàn toàn xứng đáng và hợp lý.
 
- Trường hợp người lao động chưa đủ điều kiện nghỉ hưu (không đảm bảo về tuổi đời và thời gian công tác), chế độ trợ cấp thôi việc mỗi năm làm việc được trợ cấp một phần tư tháng tiền lương là quá thấp so với công sức cống hiến của họ trong quá trình công tác.
 
Từ thực tiễn, xin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh chế độ trợ cấp thôi việc trong dự án trình Chính phủ bổ sung thêm người nghỉ hưu cũng được hưởng trợ cấp thôi việc và giữ nguyên mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương (cả nghỉ hưu và nghỉ hưởng trợ cấp một lần).
 
NGUYỄN TIẾN ĐẠT