18 năm thay chồng bại liệt nuôi 2 con ăn học nên người

09:04, 20/04/2017

Không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, nhưng suốt 18 năm qua, người phụ nữ ấy vẫn lam lũ làm đủ mọi việc từ phụ hồ đến giúp việc nhà... để kiếm tiền chăm sóc chồng bị bại liệt và nuôi 2 đứa con gái ăn học nên người.

Không đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định, nhưng suốt 18 năm qua, người phụ nữ ấy vẫn lam lũ làm đủ mọi việc từ phụ hồ đến giúp việc nhà... để kiếm tiền chăm sóc chồng bị bại liệt và nuôi 2 đứa con gái ăn học nên người.
 
Bà Thập chăm sóc chồng bị bại liệt.  Ảnh: Khánh Phúc
Bà Thập chăm sóc chồng bị bại liệt. Ảnh: Khánh Phúc
Người phụ nữ thầm lặng hy sinh cả cuộc đời cho chồng, cho con mà chúng tôi nói đến là bà Hồ Thị Thập (52 tuổi, ngụ tổ dân phố 17, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc). Chồng bà Thập là ông Nguyễn Đình Luật (57 tuổi) bị tai nạn giao thông phải nằm liệt giường suốt 18 năm qua. 
 
Theo lời kể của bà Thập, vợ chồng ông bà đến với nhau rồi rời quê nghèo Hà Tĩnh vào TP Bảo Lộc lập nghiệp từ năm 90 của thế kỷ trước. Vào vùng đất mới, đôi vợ chồng trẻ xin vào làm tại Nông trường chè Bảo Lộc. Công ăn việc làm ổn định, hạnh phúc cũng liên tiếp đến với đôi vợ chồng trẻ khi 2 đứa con gái là các em Nguyễn Thị Mỹ Trang (sinh năm 1993) và Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1995) lần lượt chào đời. Ngỡ rằng cuộc sống đã “trong ấm, ngoài êm”, nhưng năm 1999 tai họa lại ập xuống với gia đình ông bà. “Cách đây 18 năm về trước, trong lúc đi làm về khuya, ông Luật nhà tôi không may bị tai nạn giao thông gần như mất mạng sống. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện II Lâm Đồng trong tình trạng hôn mê sâu do chấn thương sọ não, chồng tôi phải chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều trị. Song, do bị thương quá nặng, sau ca phẫu thuật thì từ đó đến nay chồng tôi bị bại liệt toàn thân và gần như phải sống đời sống thực vật...” - bà Thập nghẹn lời.
 
Khi ấy, do điều kiện chồng bệnh tật, các con còn nhỏ nên bà Thập phải xin nghỉ việc ở Nông trường chè để tiện bề chăm chồng và nuôi con. Nghỉ việc không có chế độ, lại không có ruộng vườn để canh tác nên gia đình bà lâm vào cảnh “khó khăn chồng chất khó khăn”. Cũng từ đây, mọi chi phí sinh hoạt gia đình và nuôi 2 con ăn học đều trông chờ cả vào sức lao động của bà Thập. Mỗi ngày, bà Thập phải dậy sớm, lo cơm nước cho chồng con, rồi đạp xe đi xin làm phụ hồ kiếm tiền trang trải cuộc sống. Bà Thập chia sẻ: “18 năm qua, phụ hồ là công việc chính để tôi kiếm tiền chăm chồng, nuôi các con ăn học. Về mùa nắng thì công việc phụ hồ còn đều đặn, nhưng mùa mưa thì hôm làm hôm nghỉ nên bù qua bù lại thu nhập cũng chỉ được chừng 2,5 triệu đồng/tháng. Ngày trước còn sức khỏe, tôi còn tranh thủ đi giúp việc nhà như rửa chén, lau nhà vào buổi tối để kiếm thêm thu nhập...”.
 
Thấu hiểu được hy vọng của cha và sự vất vả, nhọc nhằn của mẹ, 2 em Nguyễn Thị Mỹ Trang và Nguyễn Thị Huyền càng lớn càng chăm ngoan biết phụ mẹ công việc gia đình, chăm cha và bảo ban nhau học tập tiến bộ. Suốt 12 năm học phổ thông, 2 cô con gái của bà Thập và ông Luật đều học giỏi nên thường xuyên được nhà trường, Hội Khuyến học phường Lộc Sơn và TP Bảo Lộc khen thưởng. Hiện nay, em Nguyễn Thị Mỹ Trang đang học năm cuối Trường Đại học Tài chính (TP Hồ Chí Minh). Còn em Nguyễn Thị Huyền đang học năm thứ 2 Khoa Nhật Bản học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (TP Hồ Chí Minh). Với năng lực học tập tốt của mình, đầu năm học 2016 - 2017, em Huyền vinh dự là một trong 8 học sinh xuất sắc của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (TP Hồ Chí Minh) được nhận học bổng sang Nhật Bản du học. “Dù một mình bươn chải, vất vả gần như cả cuộc đời, nhưng tôi thật vui mừng và hạnh phúc khi 2 cô con gái đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi. Nhìn thấy các con ngày một trưởng thành đó là niềm động viên không gì sánh được đối với một người làm mẹ như tôi” - bà Thập chia sẻ thêm.
 
Ông Nguyễn Nhị Đoài, Bí thư Đảng ủy phường Lộc Sơn (TP Bảo Lộc), cho biết: “Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Hồ Thị Thập, chính quyền địa phương đã vận động, quyên góp xây nhà tình thương giúp gia đình bà ổn định cuộc sống. Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng bà Thập đã biết cách nỗ lực vượt qua để nuôi các con ăn học đạt kết quả tốt. Với kết quả học tập của 2 người con gái, nhiều năm qua, gia đình bà Thập được công nhận là “gia đình hiếu học” của địa phương và là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo”.
 
KHÁNH PHÚC