Ấm áp quầy quần áo từ thiện

09:04, 24/04/2017

Hơn nửa năm nay, quầy quần áo từ thiện với dòng chữ "Thừa cho đi, thiếu thì nhận" tại 45 Phạm Ngũ Lão (Khu phố 2, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Hơn nửa năm nay, quầy quần áo từ thiện với dòng chữ “Thừa cho đi, thiếu thì nhận” tại 45 Phạm Ngũ Lão (Khu phố 2, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
 
Cô Lan đang vui vẻ lựa đồ tại quầy quần áo từ thiện. Ảnh: T.V
Cô Lan đang vui vẻ lựa đồ tại quầy quần áo từ thiện. Ảnh: T.V
Chủ nhân của quầy hàng quần áo từ thiện này là anh Hoàng Sa. “Tôi thường lên facebook, thấy nhiều hoàn cảnh rất khó khăn, rồi thấy nhiều nơi cũng có mô hình này hoạt động rất hiệu quả, giúp được nhiều người khó khăn, vậy là tôi nảy ra ý định thành lập một quầy quần áo từ thiện như vầy” - anh Sa nói về quầy quần áo từ thiện được đặt ngay tại nhà của mình.
 
Không chỉ nhận quần áo của bà con hàng xóm, người dân trên địa bàn mà mỗi tháng, bạn bè, người quen (qua facebook) của anh Sa từ khắp nơi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… lại thay phiên nhau gửi đồ vào ủng hộ.
 
Quần áo sau khi tiếp nhận đều được anh giặt giũ sạch sẽ rồi mới đem treo lên móc để cho mọi người tới chọn. Anh còn chu đáo hơn khi bỏ sẵn túi nilon bên cạnh, ai lựa được những bộ đồ ưng ý thì chỉ việc bỏ túi mang về. Anh Sa cũng cho biết thêm, mỗi khi nhận đồ, anh đều phân loại, nếu là đồ của trẻ sơ sinh đến khoảng 18 tuổi, anh đều để gom riêng một chỗ, giặt giũ sạch sẽ rồi mang xuống cho trẻ mồ côi ở TP Bảo Lộc.
 
Và cứ đều đặn như thế, hơn nửa năm qua, mỗi ngày, quầy hàng của anh đón tiếp hàng chục lượt người đến nhận. Đa phần họ là thợ hồ, anh bán vé số, chị ve chai, anh công nhân… mỗi người một số phận khác nhau. Họ truyền tai nhau nên ngày càng nhiều người ghé qua gian hàng để chọn lựa những bộ đồ ưng ý.
 
Cô Trần Thị Lan, một khách hàng “quen thuộc” của quầy hàng quần áo từ thiện này vừa nhanh tay lựa những bộ quần áo hợp với tuổi của mình, vừa vui vẻ nói: “Tui quê Quảng Ngãi, vào đây ở trọ bán vé số đã 3 năm nay. Từ khi được bạn bè chỉ cho chỗ quần áo từ thiện này, tui hay ghé lắm. Mà không chỉ lựa được cho mình những bộ quần áo vừa ý, những lúc bán ế, tui lại được chú Sa mua giùm cho 5, 10 tờ số; rồi khi bị đau chân, đau gối, chú Sa lại cho tui thuốc xức. Thật tình, tôi thấy biết ơn chú Sa nhiều lắm!”.
 
Mà không chỉ người được nhận mới vui, người cho đi cũng thấy mình thật hạnh phúc. Chị Phạm Thị Hướng, hàng xóm của anh Sa, cũng là người thường xuyên mang quần áo đến góp vào cửa hàng cũng xúc động nói: “Tôi thấy việc làm của anh Sa thật sự rất ý nghĩa. Trước khi anh Sa mở quầy hàng này, nhà tôi mỗi lần có quần áo cũ cũng chẳng biết làm sao, bỏ đi thì tiếc mà giữ lại thì chật nhà. Từ lúc anh Sa mở quầy quần áo từ thiện này, mỗi khi có đồ là tôi lại mang sang, có thứ gì thì ủng hộ thứ đó. Giờ biết chắc là đồ mình cho đi có người khác mặc, nghĩ tới đó thôi là tôi đã thấy vui và ấm lòng. Mà không chỉ có tôi, bà con chòm xóm thấy việc làm thiết thực của anh Sa cũng đều ủng hộ”.
 
Và cứ thế, người này bảo người kia, người quyên góp ngày càng đông và người đến nhận cũng nhiều không kém. Ban đầu chỉ có quần áo, dần dần mọi người còn ủng hộ thêm sách vở, chăn màn, giày dép và cả thực phẩm… Người có ý định cho đi khá nhiều, những người cần chúng cũng không ít. Và anh Sa chính là cầu nối cho - nhận, để những món hàng này sẽ đến tận tay những người thật sự cần. Dù chẳng thu lại lợi ích gì cho cá nhân, nhưng với anh Sa, niềm vui của những người được nhận và cả của những người cho đi, chính là thù lao mà anh được trả hàng ngày.
 
Anh Sa cho biết thêm, trước, anh thường bày quầy quần áo trước cổng nhà để mọi người qua lại dễ nhìn thấy để mà đến lấy. Nhưng nửa tháng nay, anh phải mang đồ vào bên trong nhà vì chỉ trong vòng 3 ngày, anh đã bị mất trộm gần 1.000 chiếc móc phơi đồ. “Vì bị mất móc nhiều quá, tôi phải đem quần áo vào nhà nhưng từ khi đem vô đây, thấy moi người ít ghé lấy hơn, chắc tại họ ngại. Mai mốt, chắc tôi phải tìm cách làm sao để đem đồ ra lại trước cửa nhà mà không bị mất móc nữa, bà con cũng thoải mái lấy đồ hơn” - anh Sa trầm ngâm nói.
 
THY VŨ