Bác sỹ để sót dị vật, bé trai 7 tuổi bị teo chân

09:04, 13/04/2017

Vết thương tưởng chừng đơn giản khi bị mảnh vỡ của kính bắn vào nhưng sau 4 tháng điều trị, chân phải của bé trai 7 tuổi ở xã Lộc Nga (TP Bảo Lộc) vẫn đang bị teo và chuẩn bị phẫu thuật để giúp bàn chân cử động lại được...

Vết thương tưởng chừng đơn giản khi bị mảnh vỡ của kính bắn vào nhưng sau 4 tháng điều trị, chân phải của bé trai 7 tuổi ở xã Lộc Nga (TP Bảo Lộc) vẫn đang bị teo và chuẩn bị phẫu thuật để giúp bàn chân cử động lại được. Gia đình bé cho rằng do bác sỹ đã để sót dị vật khi sơ cứu ban đầu nên mới dẫn đến tình trạng chân bé biến chứng ngày càng nặng. Trong khi đó, phía bệnh viện dù đã nhiều lần đến gia đình bé để thương lượng nhưng đều không thành do không thống nhất được mức bồi thường.
 
Dù đã gắp dị vật ra nhưng cẳng chân bé Bảo vẫn bị teo, bàn chân chưa cử động được nên phải nẹp chân mới đi lại được. Ảnh: Hữu Sang
Dù đã gắp dị vật ra nhưng cẳng chân bé Bảo vẫn bị teo, bàn chân chưa cử động được nên phải nẹp chân mới đi lại được. Ảnh: Hữu Sang
Đó là trường hợp của bé Mai Hoàng Thiên Bảo (sinh năm 2009), con của chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp và anh Mai Thạch Thảo. Theo chị Điệp, vào đầu tháng 12/2016, con chị đang chơi trước nhà thì bất ngờ bị cửa kính vỡ văng vào chân. Lúc đó, cả hai chân bé đều bị chảy máu rất nhiều nên gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện II Lâm Đồng cấp cứu. “Tại đây, chỉ có một điều dưỡng tên Vân thăm khám, lau rửa và khâu vết thương, chích ngừa. Khi mọi việc đã hoàn tất thì mới có bác sỹ Hoằng đến khám và cho đơn thuốc. Gia đình lo lắng nên cũng yêu cầu chụp phim, truyền máu nhưng bác sỹ cho rằng vết thương không nghiêm trọng nên cho bé về, hẹn hôm sau tái khám. Do nghĩ vết thương không nghiêm trọng như lời bác sỹ nói nên gia đình rửa vết thương và cho con uống thuốc theo chỉ dẫn tại nhà. Sau khoảng nửa tháng, con tôi đi cắt chỉ ở bác sỹ tư nhưng lúc này bàn chân phải của con không nhấc lên đi được nên gia đình đã cho cháu đi khám tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình (TP Hồ Chí Minh). Các bác sỹ chẩn đoán bàn chân phải của cháu “rớt tổn thương hông khoeo ngoài”, phải mổ chuyển gân. Do chân bị teo nên các bác sỹ chưa thể mổ ngay mà đề nghị gia đình cho bé về tập vật lý trị liệu và hẹn 6 tháng sau sẽ mổ. Con tôi vừa uống thuốc, vừa tập vật lý trị liệu 20 ngày tại Bệnh viện II Lâm Đồng nhưng càng tập chân bé lại càng không đi được, chân ngày càng teo, không duỗi thẳng được. Tôi lại đưa con về Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình khám thì các bác sỹ chẩn đoán chân cháu bị đứt dây thần kinh và phải mổ lại vết thương. Khi mổ, các bác sỹ phát hiện trong chân cháu còn 2 mảnh kính dài khoảng 2 cm chèn lên dây thần kinh chân bé. Các bác sỹ cho rằng do còn sót dị vật bên trong nên con tôi mới bị chèn và liệt dây thần kinh” - chị Điệp kể lại. 
 
Khi biết sự việc, gia đình cháu Bảo đã làm đơn kiến nghị gửi Bệnh viện II Lâm Đồng. Phía Bệnh viện đã nhiều lần đến gia đình để thương lượng bồi thường với số tiền ngày càng tăng, từ một triệu đồng lên 10 triệu đồng và gần đây nhất vào ngày 10 tháng 4 là 30 triệu đồng. Theo chị Điệp, gia đình không đồng ý mức bồi thường này vì chi phí điều trị đến nay cho cháu đã là 30 triệu đồng, trong khi cháu còn phải trải qua một đợt phẫu thuật nữa thì bàn chân cháu mới cử động được. “Điều khiến tôi bức xúc nhất là Bệnh viện II Lâm Đồng không thẳng thắn thừa nhận sai sót mà cứ đổ lỗi cho gia đình. Chân của cháu đang khỏe mạnh giờ lại bị tổn thương nặng như thế, một phần là do lỗi của các bác sỹ mà giờ họ lại không nhận lỗi. Từ đó đến nay, để có thời gian điều trị nên cháu buộc lòng phải nghỉ học, bỏ mất một năm học lớp 2” - chị Điệp cho biết thêm. 
 
Bệnh viện II Lâm Đồng đã nhiều lần mời gia đình cháu Bảo lên làm việc. Trong biên bản làm việc vào ngày 4/4/2017, Hội đồng y khoa của Bệnh viện II Lâm Đồng; trong đó, có 2 phó giám đốc bệnh viện, kết luận: “Tại bản tường trình, bác sỹ Hoằng xác định cả hai vết thương có bờ sắt gọn, sạch, sâu đến lớp cơ đang chảy máu nhiều và ra y lệnh cho điều dưỡng Vân sát trùng, kiểm tra, xử lý cầm máu vết thương. Sau đó, bác sỹ Hoằng đã cho tiêm ngừa uốn ván, kê đơn thuốc 1 ngày và hẹn tái khám chuyên khoa ngoại ngày hôm sau. Do đó, việc ưu tiên xử lý khâu cầm máu đối với vết thương chảy máu là cần thiết. Bác sỹ chỉ kê đơn một liều thuốc và hẹn khám chuyên khoa ngày hôm sau là hợp lý. Vì vậy, đơn của bà Điệp hoàn toàn không đúng”.
 
Trong khi đó, theo bác sỹ Huỳnh Văn Thiên, Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng, dù ông đã nhận được biên bản làm việc của Hội đồng y khoa nhưng vẫn chưa thể ký văn bản trả lời cho gia đình bà Điệp vì biên bản này vẫn chưa ổn thỏa, có nhiều điểm đi ngược với ý kiến của ông. Ông đã yêu cầu Hội đồng y khoa họp lại và đưa ra cách giải quyết ổn thỏa mới ký văn bản. Bác sỹ Thiên khẳng định: “Kíp trực hôm đó có sai sót khi đã không phát hiện ra dị vật. Kíp trực cho bệnh nhân về, hẹn tái khám mà không giải thích rõ với gia đình bệnh nhân là khả năng còn sót dị vật bên trong. Điều này khiến gia đình bệnh nhân không nắm rõ và không lường hết được tình trạng bệnh nên đã không quay lại tái khám theo hẹn. Tôi đã yêu cầu kíp trực và Hội đồng y khoa tiếp tục làm việc với gia đình để hỗ trợ tiền và mong nhận được sự thông cảm từ gia đình. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ để vụ việc cho tòa án giải quyết theo đơn kiện của gia đình”. 
 
ĐÔNG ANH