Cần làm rõ việc hưởng chế độ chất độc da cam của ông Đinh Văn Đương

09:04, 21/04/2017

Việc triển khai thực hiện chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng trên địa bàn cả nước, cũng như ở Lâm Đồng trước đây có nhiều kẽ hở, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng lập hồ sơ giả để được hưởng chế độ chất độc da cam...

Việc triển khai thực hiện chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng trên địa bàn cả nước, cũng như ở Lâm Đồng trước đây có nhiều kẽ hở, nên nhiều đối tượng đã lợi dụng lập hồ sơ giả để được hưởng chế độ chất độc da cam. Những năm gần đây, qua đấu tranh, xác minh, các ngành chức năng đã phát hiện và thu hồi nhiều trường hợp hưởng chế độ chất độc da cam không đúng quy định. Nhưng đây đó, vẫn còn nhiều trường hợp cần phải tiếp tục làm rõ để có biện pháp xử lý. Một trong những trường hợp như vậy là ông Đinh Văn Đương, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc.
 
Theo hồ sơ tự khai và được địa phương cũ xác nhận: ông Đinh Văn Đương, sinh ngày 8/2/1954, quê quán xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nhập ngũ ngày 5/6/1974 vào đơn vị D4 - E3 - F312, Binh đoàn 559, tham gia chiến đấu tại các chiến trường Quân khu 5, Chu Lai, Đà Nẵng. Tháng 7/1978, xuất ngũ tại đơn vị D4 - E3 - F312, Binh đoàn 559 về quê, sau đó đi kinh tế mới vào xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc sinh sống cho đến nay. Ngày 4/5/1994, ông Đinh Văn Đương tham gia Hội CCB xã Lộc Thanh và đến tháng 7/2009, con đẻ của ông được hưởng chế độ chất độc da cam. Trên cơ sở đó, đến tháng 2/2011, bản thân ông Đinh Văn Đương được hưởng chế độ chất độc da cam loại I. 
 
Theo quy định của Nhà nước, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, khi sinh con, con sẽ bị dị dạng, dị tật, do bị ảnh hưởng từ bố hoặc mẹ tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam.  Vì vậy, nếu bố, hoặc mẹ bị ảnh hưởng chất độc da cam, được hưởng chế độ chất độc da cam, sinh ra con bị dị dạng, dị tật sẽ được hưởng chế độ theo bố, hoặc mẹ. Đối chiếu với quy định này, trường hợp con ông Đinh Văn Đương được hưởng chế độ chất độc da cam từ tháng 7/2009, nhưng phải tới tháng 2/2011, bản thân ông Đương mới được hưởng chế độ chất độc da cam loại I là đi ngược quy trình, là điều phi lý.

Tuy nhiên, trong hồ sơ CCB và hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam của ông có quá nhiều điểm sai lệch, không trùng khớp nhau, gây nhiều bức xúc, dị nghị trong dư luận và trong nội bộ Hội CCB xã. Vì vậy, ngày 26/10/2016, BCH Hội CCB xã Lộc Thanh cử hội viên Vũ Xuân Tường và được Chủ tịch Hội CCB TP Bảo Lộc giới thiệu về Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Kim Sơn xác minh lý lịch của ông Đinh Văn Đương.

 
Làm việc với Ban CHQS xã Lai Thành, ngày 2/11/2016, CCB Vũ Xuân Tường được trả lời bằng văn bản có nội dung như sau: Qua kiểm tra hồ sơ lưu trữ tại xã, hiện nay, ông Đinh Văn Đương không còn hồ sơ lưu trữ tại địa phương. Tiếp tục xác minh, ngày 3/11/2016, Ban CHQS huyện Kim Sơn trả lời bằng văn bản với nội dung: Ban CHQS huyện Kim Sơn đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát hệ thống hồ sơ đăng ký, quản lý quân nhân xuất ngũ của huyện từ năm 1975 đến năm 1984. Kết quả, ông Đinh Văn Đương không có tên trong danh sách, hồ sơ đăng ký, quản lý quân nhân xuất ngũ tại địa phương. 
 
Riêng Giấy chứng nhận số 205/CN ngày 25/12/2006 của Ban CHQS huyện Kim Sơn xác nhận, thời gian phục vụ trong quân đội cho ông Đinh Văn Đương nhập ngũ tháng 6/1974 và xuất ngũ tháng 7/1978 là căn cứ vào bản đề nghị xét khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ của UBND xã Lai Thành tháng 9/2006. Như vậy, việc xác nhận thời gian ông Đinh Văn Đương phục vụ trong quân đội của Ban CHQS huyện Kim Sơn không có tính pháp lý, vì không căn cứ vào hồ sơ lý lịch quân nhân, mà lại căn cứ vào vào bản xác nhận thành tích của UBND xã Lai Thành.
 
Điều trớ trêu là tại các văn bản xác nhận thời gian phục vụ trong quân đội, thành tích kháng chiến và đơn đề nghị khen thưởng, hồ sơ CCB, hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam của ông Đinh Văn Đương đều có sự sai lệch, không trùng khớp nhau về mặt thời gian. Cụ thể: Tại bản xác nhận thời gian phục vụ trong quân đội ngày 25/12/2006 của Ban CHQS huyện Kim Sơn, thời gian phục vụ trong quân đội của ông Đinh Văn Đương là 5 năm 6 tháng (nhập ngũ tháng 1/1973, xuất ngũ tháng 7/1978). Trong lúc đó, đơn đề nghị xác nhận thời gian phục vụ trong quân đội, đơn đề nghị khen thưởng của ông Đinh Văn Đương, thì thời gian phục vụ trong quân đội của ông lại là 4 năm 2 tháng (nhập ngũ tháng 6/1974, xuất ngũ tháng 7/1978). Còn hồ sơ CCB và hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam của ông Đinh Văn Đương cũng có thời gian phục vụ trong quân đội 5 năm, 6 tháng (nhập ngũ tháng 1/1973, xuất ngũ tháng 7/1978). 
 
Bất cập thay, tại hồ sơ Hội CCB năm 1994, ông Đinh Văn Đương khai đã nhận được các Huy chương Chiến sỹ vẻ vang, Huy Chương Chiến sỹ giải phóng, Huy chương Kháng chiến,… từ những năm 1975, 1976. Thế nhưng, trong đơn đề nghị khen thưởng gửi UBND xã Lai Thành, Ban CHQS huyện Kim Sơn, Hội đồng khen thưởng các cấp ngày 30/9/2006 và ngày 20/12/2006, ông Đinh Văn Đương lại khẳng định trước đó ông chưa được khen thưởng.
 
Chưa hết, tại các cuộc họp giải quyết thắc mắc, bức xúc, dị nghị của các hội viên Hội CCB xã, cách giải thích thời gian phục vụ trong quân đội của ông Đinh Văn Đương cũng có nhiều điều phi lý. Chẳng hạn, tại cuộc họp CCB xã Lộc Thanh ngày 25/8/2016, ông Đinh Văn Đương giải thích quá trình công tác trong quân đội của ông như sau: Tháng 1/1973 nhập ngũ vào Bộ Tư lệnh Thông tin đóng quân tại Thạch Thất, Hà Tây (cũ). Đang huấn luyện bị viêm Abiđan, xin đi điều trị về Ban CHQS địa phương quản lý, đến tháng 8/1973 về lại Bộ Tư lệnh Thông tin, rồi lại về Huyện đội Kim Sơn quản lý, sau đó đến tháng 4/1974 về lại Bộ Tư lệnh Thông tin công tác. 
 
Theo Đại tá Phạm Duy Bính - nguyên Trưởng ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng, theo quy định của Bộ Quốc phòng, từ đơn vị chủ lực lực lượng vũ trang muốn về đơn vị quân sự địa phương phải có lệnh điều động của Quân khu và ngược lại. Trong trường hợp này, ông Đinh Văn Đương không thể đi đi về về Ban CHQS huyện Kim Sơn và Bộ Tư lệnh Thông tin một cách dễ dàng như vậy.
 
Từ những sai lệch về thời gian phục vụ trong quân đội thể hiện trong hồ sơ và những giải trình phi lý của ông Đinh Văn Đương, có thể khẳng định rằng: Việc cha, con ông Đinh Văn Đương được hưởng chế độ chất độc da cam có nhiều điều không hợp lý cần phải được xác minh làm rõ để có biện pháp xử lý đúng đắn. Thiết nghĩ, các ngành chức năng, nhất là ngành LĐ-TB&XH cần khẩn trương làm rõ việc hưởng chế độ chất độc da cam của cha con ông Đinh Văn Đương đúng hay sai để có biện pháp xử lý đúng đắn, nhằm bảo vệ mục đích, ý nghĩa cao cả của chính sách “đền ơn đáp nghĩa” mà Đảng, Nhà nước đã dành cho những đối tượng có công với cách mạng.
 
HOÀNG KIẾN GIANG