Hàng chục chiếc camera an ninh, hay còn gọi là "mắt thần" của lực lượng Công an và người dân được gắn trên nhiều tuyến đường TP Đà Lạt không chỉ có chức năng theo dõi tội phạm mà còn thực hiện nhiều chức năng đáp ứng nhu cầu đời sống đô thị ngày một hiện đại.
Hàng chục chiếc camera an ninh, hay còn gọi là “mắt thần” của lực lượng Công an và người dân được gắn trên nhiều tuyến đường TP Đà Lạt không chỉ có chức năng theo dõi tội phạm mà còn thực hiện nhiều chức năng đáp ứng nhu cầu đời sống đô thị ngày một hiện đại.
|
Thiếu tá Lê Thanh Sơn, Trưởng Công an Phường 11 (TP Đà Lạt) cho biết rất nhiều người dân được Công an Phường cấp mật khẩu để quan sát 40 camera an ninh đường phố trên điện thoại thông minh. Ảnh: C. Thành |
Dân phấn khởi góp tiền
Từ đầu năm 2014, với mong muốn kiểm soát tình hình an ninh trật tự tại địa bàn, kiểm soát trật tự giao thông, hàng rong buôn bán lấn chiếm tại khu vực trạm xe lửa Trại Mát… Công an Phường 11 đã mạnh dạn đề xuất Công an TP Đà Lạt thực hiện chương trình camera an ninh tại một số địa điểm. Đây được coi là phường đầu tiên triển khai mô hình “mắt thần” camera an ninh tại địa điểm công cộng, khu dân cư trên địa bàn thành phố.
Nhớ lại thời điểm khi được mời đi họp tại trụ sở phường để lấy ý kiến đóng góp tiền trang bị camera an ninh khu phố, ông Trần Xuân Cường, ngụ Phường 11 cho rằng khi được vận động góp tiền ông cũng e dè, không nghĩ camera có thể giúp cải thiện tình trạng thanh niên quậy phá nơi công cộng hay tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường. “Sau một vài tháng, chúng tôi thấy hiệu quả rõ rệt, tình hình an ninh cho tới nhịp sống, môi trường nơi mình ở bình yên hơn. Nhiều người không còn đem rác đổ bậy, đứng tiểu tiện trên đường... vì họ ngại rằng các hành vi của họ có thể bị giám sát”. Theo ông Cường, chức năng hiện đại của camera là việc mọi người dân trong phường chỉ cần có điện thoại kết nối mạng là có thể xem trực tiếp 40 camera 24/24 giờ mỗi ngày. Khi cần, ông hoàn toàn chủ động phát hiện các hành vi xấu, thiếu chuẩn mực nơi công cộng để báo về lực lượng Công an phường xử lý.
Ông Nguyễn Văn Thu (55 tuổi), nhà ở tại khu vực trạm xe lửa Trại Mát thì việc đóng góp khoảng 100.000 đồng để trang bị camera thêm trên địa bàn toàn phường vào đầu năm 2017 để bảo đảm an ninh trật tự khu vực người dân sinh sống được người dân hoàn toàn ủng hộ. “Nơi tôi có vài người hay quăng rác ra giữa đường, tiểu bậy giữa phố góp ý mãi không có chuyển biến nên khi nghe phường kêu gọi lắp camera quan sát tại đây, tôi đồng ý ngay”- ông Thu nói.
Tương tự Phường 11, tại khu vực trung tâm của TP Đà Lạt, mặc dù mới triển khai thí điểm trên quy mô nhỏ nhưng khi UBND Phường 1, trực tiếp là lực lượng công an khu vực vận động lắp đặt camera an ninh giám sát đường phố đều được người dân đồng tình chấp thuận. Trung tá Đỗ Ngọc Hòa, Trưởng Công an Phường 1 cho hay: “Khi có xô xát ngoài đường hay có vụ việc liên quan tới an ninh trật tự cho tới các hành vi vi phạm mỹ quan đô thị như: lấn chiếm hàng rong, xả rác, tiểu bậy… nơi công cộng người dân thường khá ngại làm chứng hay báo công an khu vực vì không muốn mình thêm phiền phức. Trong khi đó, khi bị camera ghi hình người vi phạm cũng tâm phục khẩu phục. Chính vì vậy khi được lãnh đạo Công an thành phố đồng ý triển khai mô hình, chỉ trong thời gian ngắn chúng tôi thông tin đều được bà con ủng hộ 100% và góp tiền mua camera về lắp đặt”.
Giám sát đường phố 24/24
Theo Trung tá Hòa, mô hình thí điểm camera an ninh của phường trước mắt được triển khai 18 camera tại Tổ 11 và 12, Phường 1. Các tuyến đường thí điểm lắp đặt đầu tiên của phường là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phan Như Thạch, Thủ Khoa Huân và một phần đường Nguyễn Chí Thanh. Loại camera zoom hai khẩu độ, độ phân giải full HD có thể phóng xa hàng chục mét, khi được lắp đặt đúng khoảng cách có thể bao phủ gần như toàn bộ đường phố, quan sát 24 giờ mỗi ngày và lưu trữ được dữ liệu gần 3 tháng. Đồng thời, mọi thông tin, hình ảnh ghi được từ camera đều được kết nối với màn hình giám sát tự động tại trụ sở Công an Phường 1. “Mặc dù mới triển khai trong tháng 4 nhưng người dân đánh giá rất cao mô hình này. Do Phường 1 là khu vực trọng điểm về du lịch, cần thiết quản lý, giám sát nhiều vấn đề trên đường phố nên chúng tôi hy vọng cuối năm 2017 và giữa năm 2018 có thể vận động người dân lắp đặt camera an ninh “phủ sóng” trên địa bàn toàn phường” - Trung tá Hòa cho biết.
Còn theo Thiếu tá Lê Thanh Sơn, Trưởng Công an Phường 11 (TP Đà Lạt), từ hiệu quả ban đầu chỉ có 8 camera được lắp đặt trên các giao lộ chính tại địa bàn phường năm 2014. Tới thời điểm này, nhờ mô hình trên tình hình an ninh trật tự, vấn đề mỹ quan đô thị đã có chuyển biến rõ rệt. Hàng chục vụ án về an ninh trật tự, hàng trăm hành vi vi phạm an toàn giao thông, đô thị… nhờ camera hỗ trợ nên được xử lý nhanh chóng. Người dân có ý thức tuân thủ pháp luật ngày một tốt hơn. Trên cơ sở trên, đầu năm 2017 được sự chấp thuận chủ trương từ Công an TP Đà Lạt và người dân ủng hộ tuyệt đối mô hình nhân rộng thêm nên tất cả các tuyến đường chính, bùng binh địa bàn Phường 11 đã được lắp đặt 40 camera an ninh.
Thượng tá Nguyễn Văn Châu, Phó Trưởng Công an TP Đà Lạt thông tin, hiện nay TP Đà Lạt là trung tâm du lịch của cả nước nên để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cần áp dụng mô hình camera an ninh đã được nhiều thành phố lớn trên cả nước triển khai, áp dụng. Qua việc thí điểm thực tế tại một số phường, xã Công an TP Đà Lạt đánh giá cao tính hiệu quả cũng như công năng. Trong đó, mô hình được triển khai theo hình thức xã hội hóa, người dân đóng góp 100% kinh phí gắn nhiều camera tại các tuyến đường, khu phố, con hẻm, chung cư phức tạp về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông… Công an các phường, xã chịu trách nhiệm điều hành, vận hành xử lý thông tin từ hình ảnh từ camera trong quá trình giám sát hoặc do người dân báo tin tới.
Thượng tá Châu cho biết, với hiệu quả từ “mắt thần” mang lại, Công an TP Đà Lạt kỳ vọng việc “phủ sóng” camera sẽ được người dân hưởng ứng tích cực, áp dụng rộng khắp trên địa bàn 12 phường, 4 xã trong thời gian tới.
C.THÀNH