Diễn đàn miễn phí cho cộng đồng cà phê

08:04, 17/04/2017

Từ ý tưởng giúp những người trồng cà phê có thể tiếp cận giá cả thị trường thế giới một cách nhanh nhất, tránh những rủi ro bị ép giá vì thiếu thông tin, anh Nguyễn Công Thịnh (32 tuổi, Phường 9, TP Đà Lạt) đã xây dựng diễn đàn dành cho người làm cà phê khắp cả nước.

Từ ý tưởng giúp những người trồng cà phê có thể tiếp cận giá cả thị trường thế giới một cách nhanh nhất, tránh những rủi ro bị ép giá vì thiếu thông tin, anh Nguyễn Công Thịnh (32 tuổi, Phường 9, TP Đà Lạt) đã xây dựng diễn đàn dành cho người làm cà phê khắp cả nước.
 
Anh Nguyễn Công Thịnh (phải) trao đổi với kỹ thuật viên khi cập nhật giá cà phê trên sàn giao dịch thế giới. Ảnh: Đ.K
Anh Nguyễn Công Thịnh (phải) trao đổi với kỹ thuật viên khi cập nhật giá cà phê trên sàn giao dịch thế giới. Ảnh: Đ.K
Ý tưởng đến từ tin nhắn báo giá
 
Vào năm 2007, trong chuyến đi tìm xuống nhà người quen tại huyện Lâm Hà, anh Nguyễn Công Thịnh tình cờ gặp một thanh niên đang dùng điện thoại di động nhắn tin và nhận những thông tin báo giá cà phê. Được người thanh niên cho biết phần lớn bà con trồng cà phê ở đây đều sử dụng phương pháp đó để tiếp cận giá cả thị trường với số tiền bỏ ra mỗi tháng 800.000 đồng, đây là chi phí để đăng ký một tài khoản trực tuyến, cập nhật thông tin về giá cà phê hàng ngày. Bản thân là người trồng cà phê nên anh Thịnh cũng thấu hiểu việc thiếu kiến thức, thiếu thông tin thị trường ảnh hưởng rất lớn tới lợi nhuận sau một năm dồn tâm huyết, vất vả chăm sóc cà phê. Ý tưởng về một “cầu nối” giữa người trồng cà phê và sàn giao dịch giá cà phê thế giới một cách nhanh nhất được hình thành. 
 
Trở về Đà Lạt, anh Thịnh bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng. Thời gian đầu, anh xây dựng thông tin hỗ trợ bà con nông dân trồng cà phê dưới dạng phần mềm blog cá nhân (loại hình khá phổ biến khi đó) với giao diện dễ hiểu nhất ngay cả với những người chưa rành về máy tính. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, lượt người truy cập tăng quá nhanh và nhận thấy phải “nâng tầm” nên đầu năm 2008, anh Nguyễn Công Thịnh quyết định cho ra đời trang web: “giacaphe.com”. Trang mạng ra đời, luồng thông tin cho người làm cà phê kể từ đó ngày càng được chuyên nghiệp hóa hơn.
 
Được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin (là kỹ sư công nghệ thông tin) nên việc viết phần mềm đối với anh không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc cập nhật giá cả thường xuyên, anh Thịnh đã bỏ thời gian xuống những vùng sản xuất cà phê để nghe bà con chia sẻ kinh nghiệm, nhu cầu sản xuất rồi về viết bài đưa lên trang mạng vừa làm phong phú nội dung nhưng quan trọng hơn là bất cứ người làm cà phê nào cũng có thể học tập kinh nghiệm từ cộng đồng người làm cà phê. Nội dung chủ yếu được anh và các cộng sự cập nhật như: thị trường với giá cả, tin tức sản xuất cà phê trong và ngoài nước, cách thức giao dịch trong thị trường cà phê kỳ hạn, đến các loại kiến thức về chăm sóc, canh tác, cách chế biến, pha chế cà phê, những câu chuyện bên lề ly cà phê… tất cả đều được thể hiện một cách rất đơn giản, dễ hiểu.
 
Khi lượt truy cập tăng liên tục từ vài trăm lên vài ngàn lượt mỗi ngày, “giacaphe.com” đã được chứng minh hiệu quả bước đầu. Từ những bài viết của một vài thành viên, về sau khi cộng đồng giá cà phê tạo được sức lan tỏa, nhiều bà con sản xuất cà phê lâu năm, những chuyên gia am hiểu về thị trường cà phê, chuyên gia kinh tế cũng tham gia viết bài phân tích, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây cà phê cho người làm cà phê. 
 
Miễn phí, giảm rủi ro cho người làm cà phê
 
Theo anh Nguyễn Công Thịnh, “giacaphe.com” là trang web phi lợi nhuận. Tại đây ngoài việc cập nhật giá cả thị trường liên tục, mọi người có thể tìm hiểu thông tin, đặt những câu hỏi liên quan tới cà phê và được giải đáp hoàn toàn miễn phí. “Trung bình mỗi ngày trang giá cà phê có khoảng 70.000 - 80.000 lượt truy cập, còn những tháng đầu năm khi thị trường mua bán cà phê sôi động thì lượt người quan tâm giá cả thị trường cao nên có trên 100.000 lượt truy cập/ngày. Những điểm truy cập thường tập trung tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên có diện tích trồng cà phê lớn như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai... Từng đó lượt truy cập, cũng là từng đó mối quan tâm của người làm cà phê khi theo dõi mọi thông tin về thị trường cà phê trên thế giới”, anh Thịnh chia sẻ.
 
Tại đây, những người làm cà phê có một nơi để gặp gỡ trực tuyến luận bàn về cà phê lên xuống, người trồng cà phê có thể chia sẻ nhau về kinh nghiệm, về kiến thức và về giá cả một cách nhanh nhạy.
 
Để duy trì trang web, mỗi tháng anh Thịnh phải bỏ ra khoảng 50 triệu đồng để mua bảng giá cà phê trực tuyến (cập nhật tự động từng giây từ sàn quốc tế), thuê kỹ sư duy trì các hoạt động liên quan. Nhiều người đặt câu hỏi anh về việc làm “dở hơi” khi chấp nhận bỏ tiền túi ra duy trì một thứ không trực tiếp mang lại lợi nhuận cho mình, anh Thịnh cho biết: “Cả nước có hơn 500.000 ha cà phê, với hàng trăm ngàn người trồng, chỉ cần một phần trong số đó tiếp cận được thông tin về thị trường cà phê thì lợi ích cộng đồng sẽ rất lớn. Hơn nữa, nhu cầu nắm bắt thông tin thị trường cà phê ngày càng tăng nhưng lại thiếu đi kênh thông tin cần thiết cho người làm cà phê. Thiếu thông tin thị trường là dễ gặp cảnh được mùa mất giá như nhiều nông sản trong nước từng gặp phải, chỉ cần nghĩ tới đó thôi là tôi chấp nhận san sẻ một phần lợi nhuận của mình trong hoạt động khác bù qua để duy trì trang giá cà phê”.
 
Ông Lê Viết Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y5 Cafe Đắk Lắk, người có nhiều năm trong hoạt động kinh doanh cà phê và thường xuyên có những bài phân tích đánh giá thị trường trên “giacaphe.com” chia sẻ, khi toàn cầu hóa Việt Nam bắt đầu sử dụng các công cụ trên các sàn giao dịch hàng hóa ở London hoặc New York, giá cà phê cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Chính vì thế, việc cập nhật thông tin thị trường, biến động cà phê các nước trên thế giới được chuyển đến người làm cà phê ở Việt Nam kịp thời sẽ giảm thiểu rủi ro xuống thấp nhất. 
 
Chính từ quan điểm hỗ trợ thông tin của những người có tâm huyết với cộng đồng người làm cà phê, hàng trăm ngàn người làm cà phê trên khắp Tây Nguyên và một số nơi khác đã được thụ hưởng miễn phí từ đó. Ông Bùi Vạn Hữu (phường B’Lao, TP Bảo Lộc) cho biết, trước kia muốn cập nhật giá cà phê qua điện thoại tôi phải bỏ ra gần 1 triệu đồng/tháng, giờ chỉ cần lên mạng theo dõi trực tuyến miễn phí, nhanh chóng. Không những thế tôi còn tiếp cận và học hỏi được nhiều thông tin bổ ích từ những người cùng làm cà phê như mình.
 
Trên thực tế, người sản xuất cà phê xong thường bán ra thị trường theo kiểu may rủi, giá cả rất mơ hồ, phụ thuộc hoàn toàn vào đại lý thu mua. Lúc trữ thì giá cà phê xuống, lúc bán xong thì giá lại tăng. Thông qua trang báo giá, họ sẽ tự tin giao dịch hơn, không lo bị các đại lý ép giá. Từ việc theo dõi thường xuyên và định được giá cho ngày mai thì người nông dân sẽ giảm thiểu rủi ro, tránh được nguy cơ mất vài trăm triệu đồng qua một ngày hay thậm chí là mất lợi nhuận sau cả năm lao động vất vả như đã từng xảy ra. 
 
ĐOÀN KIÊN