Hành lang nước và vấn đề quản lý, bảo vệ

09:04, 05/04/2017

Ngày 6/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang (HL) bảo vệ nguồn nước. Theo đó, ngày 3/3/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Văn bản số 873/BTNMT-TNN chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện. Với tỉnh Lâm Đồng, việc quản lý, bảo vệ HL nước hiện nay như thế nào? 

Ngày 6/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang (HL) bảo vệ nguồn nước. Theo đó, ngày 3/3/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Văn bản số 873/BTNMT-TNN chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện. Với tỉnh Lâm Đồng, việc quản lý, bảo vệ HL nước hiện nay như thế nào? 
 
Hồ chứa nước thủy điện Ankroet là một trong 12 hồ đã được phê duyệt cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ nguồn nước. Ảnh: M.Đạo
Hồ chứa nước thủy điện Ankroet là một trong 12 hồ đã được phê duyệt cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ nguồn nước. Ảnh: M.Đạo
Mật độ sông, suối, ao, hồ tương đối lớn
 
Lâm Đồng có lượng mưa lớn, địa hình vùng núi có độ dốc lớn, chia cắt mạnh nên mạng lưới sông suối khá phong phú. Nơi đây phát nguyên hệ thống sông Đồng Nai và một số sông nhỏ chảy ra biển Đông, qua sông Lũy; và các nhánh chảy về phía Tây thuộc hệ thống sông Mê Kông, qua sông Krông Nô. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 60 sông, suối có chiều dài trên 10 km; mật độ sông suối từ 0,18 - 1,1 km/km 2. Sông suối của tỉnh có đặc điểm bậc thềm sông hẹp, sườn dốc, nhiều thác ghềnh, dòng chảy mạnh, nguồn thủy năng phong phú và lưu lượng phân phối không đều trong năm. 
 
Số liệu mới nhất được Sở TN&MT cho biết: Sông Đồng Nai có lưu vực trên địa bàn Lâm Đồng là 6.767 km 2 (gần 70% diện tích tự nhiên của tỉnh), thượng nguồn gồm 2 nhánh chính là Đa Nhim và Đa Dâng, bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang cao 2.169 m, hợp lưu với nhau tại sát chân núi Bon Ron. Sau khi chảy qua nội tỉnh tại xã Đinh Trang Thượng, Di Linh, dòng sông chính Đồng Nai chạy dọc theo ranh giới tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và Đồng Nai. Tại địa phận các huyện Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, các chi lưu thuộc lưu vực sông chính Đồng Nai là Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đasiat, Đạ Nhar, Đạ R’Miss,... Sông La Ngà là một chi lưu lớn của sông Đồng Nai, khởi nguồn từ vùng cao huyện Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc chảy về hướng tỉnh Bình Thuận và vòng về Trị An nhập vào sông Đồng Nai. Sông La Ngà có các nhánh chính như Đại Nga, Đariam, Đại Bình; diện tích lưu vực sông La Ngà trên địa bàn Lâm Đồng 1.215 km 2 (khoảng 12% diện tích của tỉnh). 
 
Sông Lũy khởi nguồn từ cao nguyên Di Linh, chảy theo hướng Nam, gồm các chi lưu như Đrasa, Đakroa, Katan, Katrou, diện tích lưu vực trên địa bàn Lâm Đồng 547 km 2 (khoảng 6% diện tích tỉnh). Sông Krông Nô (thuộc lưu vực Sêrêpok của sông Mê Kông), bắt nguồn từ những dãy núi cao Chư Jăng Sin tỉnh Đắk Lắk và LangBian huyện Lạc Dương. Dòng chính thượng nguồn Krông Nô chạy dọc ranh giới tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk. Các sông suối nhánh đáng kể đổ vào dòng chính sông Krông Nô nằm trên địa bàn Lâm Đồng gồm có Đắk Troung, Đaken, Đa Khuer, Đak Ton...; diện tích lưu vực khoảng 1.248 km 2 (chiếm 12% diện tích Lâm Đồng).
 
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn có hệ thống hồ tương đối dày đặc, phần lớn là các hồ nước nhân tạo. Hệ thống hồ hiện đang được sử dụng nước cung cấp các lĩnh vực như: nhà máy thủy điện, phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, tham quan du lịch và các mục đích khác như công nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Cũng cần lưu ý thêm, những năm gần đây, do sự phát triển của thủy điện, địa bàn Lâm Đồng đã hình thành một hệ thống liên hồ thủy điện dạng bậc thang trên các lưu vực sông chính. Điển hình sông Đa Nhim có các hồ Đa Nhim Thượng, Đa Khai, Đa Nhim, Đại Ninh; sông Đa Dâng, sông Đồng Nai có các hồ Đồng Nai 2, 3, 4, 5... 
 
Theo số liệu tại Dự án Điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2016, toàn tỉnh có 212 hồ chứa, 5 liên hồ chứa, 22 hồ chứa thủy điện và gần 1.000 km kênh, mương thủy lợi phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.
 
Chưa đạt mục đích yêu cầu 
 
Ông Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng cho biết: Ngày 10/5/2016, Sở TN&MT đã có Văn bản số 649/TNMT-TNN hướng dẫn UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tổ chức thực hiện xác định danh mục nguồn nước phải lập HL bảo vệ. Theo đó, các nội dung liên quan đến HL bảo vệ nguồn nước, bao gồm: tên, địa giới hành chính; nhiệm vụ; chức năng; đơn vị quản lý; dự kiến tiến độ thực hiện cắm mốc... Đối với hồ chứa nước, xác định thêm các nội dung như diện tích mặt hồ tại mực nước dâng bình thường;  dung tích trung bình hồ chứa…
 
Kết quả thống kê sơ bộ trên địa bàn 7 huyện (Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Đạ Huoai, Cát Tiên) và thành phố Đà Lạt đã có 373 danh mục phải lập HL bảo vệ nguồn nước. Trong số này, hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện và hồ chứa nước cho các mục đích khác như cảnh quan, cung cấp nước sinh hoạt là 229 danh mục; sông suối, tuyến kênh thủy lợi, thoát nước 144 danh mục. Tuy nhiên, “Kết quả thực hiện của các địa phương cho thấy việc tổng hợp chưa đúng mục đích yêu cầu và chưa phản ánh đầy đủ các nội dung quy định. Ngày 13/2 vừa rồi, Sở TN&MT đã có Văn bản số 200/TNMT-TNN hướng dẫn 8 địa phương trên tiếp tục hoàn thiện và 4 địa phương còn lại khẩn trương thực hiện”, ông Ngự nói.
 
Về cắm mốc HL bảo vệ nguồn nước hồ chứa thủy điện, thủy lợi, toàn tỉnh hiện có 22 công trình thủy điện đã vận hành, tổng công suất là 1.465 MW; 11 công trình thủy điện đang thi công, tổng công suất thiết kế 203 MW; 7 công trình thủy điện đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư, tổng công suất thiết kế 76 MW và 20 công trình đang xem xét quyết định chủ trương đầu tư, lập các thủ tục bổ sung quy hoạch, với tổng công suất dự kiến 151 MW. Sở TN&MT Lâm Đồng đã hướng dẫn lập và thực hiện thẩm định, phê duyệt phương án cắm mốc giới xác định HL bảo vệ nguồn nước cho 12 hồ thủy điện.
 
Và những kiến nghị
 
Theo Phó Giám đốc Lương Văn Ngự, từ thực tế của tỉnh, Sở TN&MT đã có những kiến nghị để tháo gỡ một số vướng mắc. Với Bộ TN&MT, đề nghị hướng dẫn cụ thể để đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa. Đối với các hồ thủy điện, thủy lợi có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên phải thực hiện cắm mốc và bàn giao mốc giới cho UBND cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý, bảo vệ; nhưng các hồ có dung tích nhỏ hơn không phải cắm mốc, đề nghị quy định cụ thể về đơn vị quản lý, bảo vệ cũng như căn cứ để thực hiện quản lý, bảo vệ.
 
Về phạm vi HL bảo vệ nguồn nước, Sở TN&MT Lâm Đồng cũng đề nghị nội dung xác định phạm vi HL chỉ thực hiện (một lần) vào giai đoạn lập phương án cắm mốc trên cơ sở thực hiện khảo sát điều tra cụ thể trên thực địa như quy định tại khoản 3, Điều 13, Nghị định 43/2015/NĐ-CP. Đối với các hồ chứa nước thủy lợi, cung cấp nước sinh hoạt, các hồ chứa nước khác phục vụ lợi ích cộng đồng do các đơn vị của Nhà nước quản lý, vận hành, Sở TN&MT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp - PTNT xác định cụ thể để xây dựng tổng hợp dự toán kinh phí cho toàn bộ hồ chứa nước, tổ chức thực hiện cắm mốc theo quy định. Với hồ chứa nước thủy điện, Phó Giám đốc Lương Văn Ngự cho biết đã đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục có liên quan khi tích nước hồ chứa phải yêu cầu chủ đầu tư thực hiện bàn giao cắm mốc như quy định tại điểm a, khoản 5 Điều 12, Nghị định 43/2015/NĐ-CP.   
 
MINH ĐẠO