Quá trình lấy mẫu quan trắc môi trường tại Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Tân Rai (huyện Bảo Lâm) được Trung tâm Quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện dưới sự giám sát công khai của người dân địa phương...
Quá trình lấy mẫu quan trắc môi trường tại Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Tân Rai (huyện Bảo Lâm) được Trung tâm Quan trắc môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện dưới sự giám sát công khai của người dân địa phương. Theo kết quả vừa công bố vào chiều ngày 5/4/2017 cho thấy, các thông số về nguồn nước, không khí và tiếng ồn tại Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Tân Rai nằm trong ngưỡng an toàn cho phép theo các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) đã quy định.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khảo sát công tác hoàn nguyên môi trường tại Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Tân Rai. Ảnh: K.P |
Từ ngày 9 - 13/1/2017, Trung tâm Quan trắc môi trường đã tiến hành khảo sát và lấy mẫu phân tích về nước thải, nước mặt, nước dưới đất, môi trường không khí và tiếng ồn khu vực xung quanh Nhà máy Alumin. Hoạt động quan trắc được thực hiện theo sự giám sát của người dân Tổ dân phố 21 (thị trấn Lộc Thắng) trong việc chọn vị trí, địa điểm và thời gian tiến hành quan trắc. Điều này có nghĩa, các vị trí mà Trung tâm quan trắc Môi trường tiến hành lấy mẫu quan trắc là do người dân địa phương yêu cầu, chỉ định dưới sự giám sát, theo dõi của họ.
Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước thải tại khu vực cống xả số 3 (Nhà máy Alumin), tất cả các thông số phân tích đều đạt QCVN 40:2011/Bộ Tài nguyên và Môi trường (BTNMT). Về chất lượng môi trường nước mặt, tại 2 vị trí lấy mẫu quan trắc là khoang số 4 (hồ bùn đỏ) và suối chảy qua đập tràn cuối hồ bùn đỏ có chất lượng an toàn, các nguồn gây ô nhiễm nước mặt không đáng kể. Các thông số hữu cơ, dinh dưỡng và chất độc đều đạt ngưỡng cho phép QCVN 08:2015/BTNMT.
Đại diện Trung tâm Quan trắc môi trường cho biết: “Dưới sự giám sát của người dân, quá trình lấy mẫu, phân tích các chỉ tiêu môi trường xung quanh Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Tân Rai được tiến hành một cách khách quan, chính xác theo quy định tại Thông tư 21/2012/TT - BTNMT. Vì vậy, Trung tâm Quan trắc môi trường sẽ chịu mọi trách nhiệm theo quy định của pháp luật về kết quả quan trắc môi trường tại Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Tân Rai đã được công bố”. |
Về chất lượng nước dưới đất, tại vị trí lấy mẫu quan trắc của giếng hộ ông Nguyễn Viết Động (Tổ dân phố 21, thị trấn Lộc Thắng) cho thấy, chất lượng nước tốt, hầu hết các thông số đều đạt QCVN 08:2015/BTNMT. Trong khi đó, lượng nước giếng quan trắc số 2 (khu vực hồ bùn đỏ) có chất lượng xấu hơn, nước có mùi tanh hôi và thông số sắt vượt 2,5 lần theo QCVN 08:2015/BTNMT.
Về tiếng ồn, kết quả quan trắc cho thấy, tại 3 vị trí quan trắc, hầu hết các giá trị đo đều đạt QCVN 26:2010/BTNMT. Tuy nhiên, vào một số thời điểm tiếng ồn vẫn vượt nhẹ so với QCVN.
Về chất lượng môi trường không khí tại các vị trí lấy mẫu thì hầu hết các thông số gây ô nhiễm không khí đều đạt giới hạn quy định của QCVN 05:2013/BTNMT. Song, kết quả quan trắc tại khu vực hồ bùn đỏ có mùi hôi đặc trưng của xút phân tán từng đợt trong không khí theo hướng gió. Đặc biệt, tại vị trí quan trắc ở Đồn Công an Tân Rai cho thấy, vào ban đêm khí hiđro sunfua (H2S) khá cao nhưng vẫn ở trong giới hạn cho phép của QCVN 09:2009/BTNMT.
Theo ông Vũ Minh Thành, Tổng Giám đốc Công ty Nhôm Lâm Đồng, yếu tố môi trường xung quanh Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Tân Rai mà đặc biệt là khu vực Nhà máy Alumin có tác động trực tiếp đến quá trình hoạt động của dự án. Đây cũng là vấn đề được người dân và chính quyền huyện Bảo Lâm đặc biệt quan tâm trong suốt thời gian qua. Vì vậy, trong thời gian qua, Công ty Nhôm Lâm Đồng luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường xung quanh khu vực dự án.
Cũng theo ông Thành, thời gian qua, Công ty không ngừng đầu tư, lắp đặt các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại như hệ thống giám sát, kiểm soát nguồn nước tại Nhà máy Alumin và Nhà máy tuyển… với tổng giá trị hơn gần 10 tỷ đồng để phân tích, theo dõi các yếu tố tác động đến môi trường nước, không khí và tiếng ồn khu vực Nhà máy Alumin. Đặc biệt, 2 hệ thống quan trắc của Sở TNMT và Công ty Nhôm Lâm Đồng luôn tiến hành theo dõi hoạt động của Nhà máy Alumin theo định kỳ hàng tháng. Đối với công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đến nay, Công ty đã hoàn thổ được hơn 80 ha đất đã khai thác quặng và bàn giao cho đơn vị thực hiện trồng và hiện đã trồng được hơn 60 ha cây keo xen cây thông với mật độ 2.000 cây/ha. Để cải tạo cảnh quan vùng dự án, Công ty đã trồng thêm hơn 8.000 cây keo xung quanh khu vực hồ bùn đỏ và Nhà máy tuyển quặng…
“Chúng tôi thừa nhận, trong quá trình Nhà máy Alumin hoạt động đã có những tác động làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Song chúng tôi khẳng định, những tác động đó đang được chúng tôi kiểm soát và xử lý có hiệu quả đảm bảo trong ngưỡng an toàn cho phép dựa trên các thông số QCVN đã được quy định. Điều này được chứng minh bằng kết quả quan trắc môi trường mà Trung tâm Quan trắc môi trường đã công bố. Đây cũng là kết quả để Công ty tiếp tục phấn đấu và có những giải pháp “căn cơ” để bảo vệ môi trường khu vực Dự án trong thời gian tới ngày một tốt hơn. Vì vậy, trong quá trình thực hiện công tác quan trắc môi trường, Công ty rất cần sự đồng hành, giám sát của người dân và chính quyền địa phương” - ông Vũ Minh Thành cho biết.
Ông Phan Bá Thường, Tổ trưởng Tổ dân phố 21 (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) cho hay: “Với kết quả quan trắc môi trường vừa được công bố đã đánh giá khá toàn diện và đầy đủ những tác động của Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Tân Rai đến môi trường xung quanh. Song, để người dân yên tâm hơn, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẻ với Công ty Nhôm Lâm Đồng tiến hành quan trắc theo định kỳ hàng tháng và kịp thời báo cáo kết quả công khai cho người dân. Hiện nay, Tổ dân phố 21 đang có 30 hộ dân sống gần khu vực hồ bùn đỏ và Nhà máy Alumin, vì vậy chúng tôi mong muốn địa phương và Công ty Nhôm Lâm Đồng nhanh chóng bố trí tái định cư để di dời họ đến các khu vực an toàn. Đồng thời, Công ty Nhôm Lâm Đồng cần sớm có giải pháp khắc phục mùi hôi tại hồ bùn đỏ”.
KHÁNH PHÚC