Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của dân cư xã Lạc Lâm chủ yếu từ nước suối và giếng đào, chưa có kiểm định chất lượng nguồn nước, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân địa phương...
Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của dân cư xã Lạc Lâm chủ yếu từ nước suối và giếng đào, chưa có kiểm định chất lượng nguồn nước, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân địa phương. “Hồi chưa có hệ thống nước sạch, người dân rất khổ vì phải xuống suối rất xa để lấy nước. Nỗi khát khao về nước sạch chưa bao giờ thôi làm người dân nhức nhối. Thế nên, ngay khi UBND xã vận động đóng góp kinh phí để xây dựng công trình nước sạch, người dân tuy còn nhiều khó khăn nhưng đều tích cực hưởng ứng” - Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, Trương Quang Kiên cho biết.
|
Các hộ gia đình ở Lạc Lâm đều được khuyến khích xây dựng bồn chứa nước sạch dự trữ. Ảnh: V.Quỳnh |
Được khởi công xây dựng từ năm 2000, công trình nước sạch của xã Lạc Lâm hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2002. Kinh phí 1 tỷ 750 triệu đồng dựa vào nguồn vận động nhân dân (Nhà nước hỗ trợ 51%), xây dựng đập tràn, bể lắng thô, bể lọc. Hàng năm, nước đều được lấy mẫu đưa đi kiểm tra chất lượng để đảm bảo nước sạch cho người dân sử dụng sinh hoạt.
Ban đầu, hệ thống dự tính sử dụng flour để làm sạch nước, nhưng một vài người lo ngại rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng đến hương vị của sản phẩm bánh tráng địa phương nên chuyển sang sử dụng hệ thống lắng, lọc nước. Theo đó, nguồn nước từ đầu nguồn được dẫn qua đập tràn đến 3 bể lắng, lọc với dung tích 600 m
3 trước khi đến với từng hộ gia đình với hệ thống đường ống dài 6.600 m.
Cô Vương Thị Hương (55 tuổi, thôn Yên Khê Hạ) sinh ra và lớn lên ở ngay đất Lạc Lâm này. Tuổi thơ của cô gắn liền với những ngày khan hiếm nước, phải đi xin hoặc đợi xe bán nước đi qua mỗi buổi chiều để tranh nhau mua từng can, chắt chiu từng giọt nước vừa quý vừa hiếm. Chỉ đến khi ống dẫn nước được đưa vào tận nhà từ năm 2002, người phụ nữ trong gia đình ấy mới đỡ bớt phần nào những vất vả hàng ngày, vì không còn nỗi lo chật vật về nước sạch cho cả nhà. Cô tâm sự: “Không gì sướng bằng có nước sạch để dùng, cô đỡ vất vả mà lại tiết kiệm được một khoản tiền mua nước không nhỏ. Công việc làm bánh tráng của gia đình cũng thuận tiện và đảm bảo chất lượng hơn. Nhờ vậy, không những sức khỏe của mọi người trong gia đình được đảm bảo mà đời sống cũng được nâng lên rõ rệt”.
Đến nay, hệ thống nước sạch xã Lạc Lâm đang phục vụ cho 1.558 hộ, chiếm 94% tổng số hộ dân trong xã. Để đảm bảo dòng nước chảy mạnh đủ vào bể cho các hộ dân, lịch cấp nước được chia ra cho 2 khu vực vào các ngày thứ hai, tư, sáu cho 7 thôn và thứ ba, năm, bảy cho 4 thôn còn lại.
Hiện, UBND xã đang thu phí với giá 1.500 đ/m
3, bình quân mỗi tháng xã Lạc Lâm thu vào ngân sách hơn 40 triệu đồng từ nguồn nước sạch.Nguồn thu này chủ yếu để thanh toán tiền điện, trả lương cho người trực tiếp quản lý và nhân viên đi thu phí sử dụng nước của các hộ gia đình, ngoài ra còn để đầu tư, tu sửa, bảo dưỡng hệ thống bể nước lọc và đường ống dẫn nước.
Để đảm bảo hệ thống cấp nước được quản lý có hiệu quả, UBND xã Lạc Lâm đã lập ra Ban quản lý nước gồm 6 người do UBND xã làm trưởng ban, trực tiếp quản lý, bảo vệ và có cán bộ phụ trách kỹ thuật. Do cả 6 thành viên đều là người địa phương nên dễ dàng nắm bắt tình hình sử dụng nước sạch, công tác quản lý chặt chẽ, tránh xảy ra tình trạng lấy cắp nước hay phá hoại hệ thống ống dẫn. Hệ thống hiện tại vẫn hoạt động ổn định, thường xuyên có nhân viên bảo vệ khu vực đầu nguồn, kiểm tra, xử lý rác làm tắc đường ống.
Với nhiều người dân Lạc Lâm, nỗi khổ vì thiếu nước sạch vẫn còn in hằn trong tâm trí họ, thế nên, họ quý từng giọt nước mát lành. Ông Nguyễn Văn Túy (54 tuổi, thôn Yên Hạ) chia sẻ rằng: “Bây giờ, tôi rất yên tâm về chất lượng nước của hệ thống dẫn nước của xã vì đã được xử lý qua 3 bể, ở nhà còn trang bị thêm một máy lọc nữa. Đến nay, mùa khô hạn đến cũng đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho bà con, nhưng ai nấy đều nhắc nhở nhau sử dụng tiết kiệm nước. Bởi bản thân tôi cũng phải đợi đến 30 năm mới được dùng nước sạch ngay trong nhà, nên quý vô cùng. Trước đây, chúng tôi phải đào giếng mới có nước xài, nhưng nước không đảm bảo chất lượng do độ phèn cao nên cực chẳng đã bà con mới phải dùng”.
Mùa khô năm nay lại bắt bầu, các cán bộ kỹ thuật đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa những phần hư hỏng, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó là vận động nhân dân xây dựng bồn chứa, bể chứa nước dự trữ, chứa được từ 5 đến 7 m
3 nước để đảm bảo đủ nước sạch sinh hoạt ngay trong mùa khô hạn hoặc những ngày thay phiên cấp nước.
Ông Trương Quang Kiên cho biết thêm, ý thức người dân đã có sẵn, nhưng địa phương vẫn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con nhân dân sử dụng nước tiết kiệm. Ý thức giữ gìn, bảo vệ hệ thống dẫn nước của bà con nhân dân rất cao, có lẽ nhờ vậy mà đến nay, công trình vẫn phát huy tốt hiệu quả, và là một trong những công trình nước sạch hiệu quả nhất ở huyện Đơn Dương.
VIỆT QUỲNH