Từ khi lọt lòng mẹ đến nay, cháu Trần Thị Thúy Hạnh (8 tuổi, ngụ thôn Tiến Thắng, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên), phải sống trong cảnh toàn thân mưng mủ, bong tróc từng mảng thịt, đau đớn tột cùng nhưng vì nhà nghèo nên cháu không có điều kiện chữa trị.
Từ khi lọt lòng mẹ đến nay, cháu Trần Thị Thúy Hạnh (8 tuổi, ngụ thôn Tiến Thắng, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên), phải sống trong cảnh toàn thân mưng mủ, bong tróc từng mảng thịt, đau đớn tột cùng nhưng vì nhà nghèo nên cháu không có điều kiện chữa trị.
|
Cháu Trần Thị Thúy Hạnh |
Cháu Hạnh là con thứ hai trong một gia đình có hai chị em. Cha mẹ cháu làm nông nghiệp, cuộc sống gia đình rất khó khăn, vất vả. Theo lời kể của chị Phạm Thị Lý (32 tuổi, mẹ cháu Hạnh), từ lúc mới lọt lòng, khắp cơ thể cháu Hạnh xuất hiện các vết đỏ rồi mưng mủ, chảy máu dưới da. Lo lắng cho sức khỏe của con gái, vợ chồng chị Lý đã đưa cháu Hạnh tới Bệnh viện II Lâm Đồng thăm khám, điều trị nhưng không tìm ra nguyên nhân của căn bệnh. Sau đó, các bác sĩ tại Bệnh viện II Lâm Đồng đã khuyên gia đình đưa cháu về Bệnh viện Da liễu (TP Hồ Chí Minh) để tiếp tục theo dõi, điều trị. Từ Bệnh viện Da liễu, cháu Hạnh tiếp tục được chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) để điều trị.
Theo kết quả chẩn đoán của các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, cháu Hạnh mắc chứng bệnh “ly thượng bì bọng nước bẩm sinh”. Đây là một căn bệnh nguy hiểm rất hiếm gặp không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn thế giới. Khi mắc căn bệnh này, khiến khắp cơ thể người bệnh xuất hiện các vết bỏng phồng rộp, chảy máu và mưng mủ dưới da rất đau đớn.
“Sau hơn 1 tháng điều trị cho cháu Hạnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, do hết tiền nên gia đình tôi phải ngậm ngùi đưa cháu về nhà. Từ đó đến nay đã 8 năm trôi qua, tháng nào vợ chồng tôi cũng chạy khắp nơi để vay tiền đưa cháu tới Bệnh viện Nhi Đồng 1 tái khám, nhưng bệnh tình cháu vẫn không thuyên giảm. Là những người làm cha, làm mẹ, hằng ngày trông thấy con đau đớn, gào khóc vợ chồng tôi như đứt từng khúc ruột. Bị bạo bệnh hành hạ, khiến khắp cơ thể con gái tôi xuất hiện các vết bỏng phồng lên chảy máu, mưng mủ dưới da rồi bong tróc từng mảng thịt. Phần đầu của hai bàn chân và hai bàn tay bị da tróc xuống bao bọc gần hết, nhìn giống như bị cụt, không thể đi lại được. Vợ chồng tôi rất thương con, nhưng nhà nghèo không biết kiếm đâu ra tiền để chạy chữa cho con” - chị Lý nói trong nước mắt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình chị Lý thuộc diện hộ nghèo của xã Gia Viễn, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, gia đình chỉ có 3 sào ruộng làm không đủ ăn, nên vợ chồng chị phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Việc chạy vạy mượn tiền khắp nơi để điều trị cho con đã khiến kinh tế gia đình chị Lý lâm vào cảnh kiệt quệ.
Anh Trần Văn Hiển (bố cháu Hạnh) kể trong xót xa: “Mỗi lần căn bệnh tái phát, là cháu Hạnh lại đau đớn, gào khóc hết nước mắt khiến vợ chồng tôi như xé lòng. Thương con, vợ chồng tôi lại phải vay mượn đủ đường để đưa con đi tái khám. Giờ đây, gia đình tôi đang gánh khoản nợ gần 100 triệu đồng không biết đến khi nào mới trả được. Tất cả những chỗ thân quen, có thể vay mượn được gia đình tôi đều đã đến mượn hết cả rồi! Nhiều chỗ đã vay cách đây mấy năm, nhưng giờ vẫn chưa trả được trong khi bệnh tật của cháu ngày càng nặng hơn”.
Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình cháu Hạnh, bà con, hàng xóm ở vùng quê nghèo đã thường xuyên tìm đến người góp tiền, người góp gạo, mắm, muối... để chia sẻ, động viên gia đình. Hiện, cháu Hạnh và gia đình rất cần sự chung tay, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và toàn xã hội.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Chị Phạm Thị Lý (thôn Tiến Thắng, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng), số điện thoại: 0987 835 461. Hoặc Tòa soạn Báo Lâm Đồng (số 38, Quang Trung, Phường 9, TP Đà Lạt, Lâm Đồng), số điện thoại: 0633 811383.
KHÁNH PHÚC