Tại thị trấn D'ran, sau khi chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT), có những người chí thú làm ăn phát triển kinh tế gia đình, lại có người quay lại làm công tác an ninh tại địa phương. Do vậy, trong vòng 5 năm trở lại đây, D'ran được đánh giá là địa phương làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người lầm lỗi.
Tại thị trấn D’ran, sau khi chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT), có những người chí thú làm ăn phát triển kinh tế gia đình, lại có người quay lại làm công tác an ninh tại địa phương. Do vậy, trong vòng 5 năm trở lại đây, D’ran được đánh giá là địa phương làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người lầm lỗi.
|
Ông Nguyễn Đức Công luôn phối hợp với lực lượng công an để làm tốt công tác an ninh tại địa phương. Ảnh: H.Yên |
Tạo điều kiện hòa nhập
Thời điểm hiện tại, TT D’ran có 32 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Nhằm thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, những năm qua, D’ran có những việc làm cụ thể giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Để các đối tượng trên nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, Công an thị trấn cùng với UBND giao nhiệm vụ cho các đoàn thể như: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... hàng tháng đến từng nhà các đối tượng để cảm hóa, giáo dục, động viên, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và khó khăn về kinh tế, tìm hướng giúp đỡ họ. Bên cạnh đó, địa phương tích cực tuyên truyền để người dân không kỳ thị, xa lánh những người vừa mãn hạn tù. Nhờ những việc làm trên, đời sống tinh thần, vật chất của những đối tượng từng bước nâng cao, giúp họ nhận thức được trách nhiệm của mình và nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng một cách nhanh nhất.
Theo Đại úy Nguyễn Mạnh Tùng - Phó trưởng Công an TT D’ran, bên cạnh sự nỗ lực, tạo điều kiện của các cấp, ngành thì yếu tố quan trọng hơn hết là bản thân các đối tượng cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, có ý thức vươn lên tạo dựng niềm tin với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng như gia đình và cộng đồng, ổn định cuộc sống. Để làm được điều này, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể TT D’ran còn chú trọng tăng cường quản lý, kiểm danh, kiểm diện các đối tượng chấp hành xong án phạt tù. Trước hết là giúp đỡ việc thực hiện các thủ tục nhập khẩu, làm chứng minh nhân dân, đăng ký hộ khẩu thường trú, làm thủ tục xóa án tích khi có đủ điều kiện... bảo đảm cho người CHXAPT thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật. Đó cũng chính là động lực giúp những người có khát vọng hoàn lương vơi bớt mặc cảm, tự tin đứng lên lập thân, lập nghiệp, góp phần phòng ngừa tái phạm, vi phạm pháp luật.
Xóa đi sự mặc cảm
Việc tái hòa nhập cộng đồng, trước tiên phải xuất phát từ chính người chấp hành xong án phạt tù. Đó là phải xóa bỏ sự mặc cảm tự ti để quên đi quá khứ lầm lỗi. Bên cạnh đó, sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương sẽ là động lực để người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng nhanh hơn.
Cùng chiến sỹ Công an TT D’ran chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Đức Công (SN 1963, tổ dân phố Lâm Tuyền 1). Cách đây 15 năm, ông Công bị Tòa án nhân dân huyện Đơn Dương tuyên phạt 36 tháng tù giam với tội danh hủy hoại tài nguyên rừng. Năm 2004, ông Công được đặc xá ra tù trước thời hạn, trở về địa phương với tâm lý mặc cảm, tội lỗi; hơn 1 tháng từ khi về nhà, ông Công không dám gặp gỡ mọi người, nhờ sự kiên trì của các ban, ngành, đoàn thể đến tận nhà động viên, ông Công đã tham gia các hoạt động xã hội. Đồng thời, Công an thị trấn định hướng, giúp đỡ mọi thủ tục giấy tờ để ông trở thành công dân theo đúng nghĩa. Nhờ đó, ông Công dần có niềm tin làm lại cuộc đời. Nguyễn Đức Công cho biết: “Do cuộc sống xưa còn khó khăn, vì muốn kiếm kế sinh nhai mà phải phá rừng nên phạm lỗi và bị pháp luật trừng phạt, khi ra tù tôi nghĩ rằng, mình không còn gì nữa, chỉ còn vết nhơ là người phạm tội. Nhờ sự động viên kịp thời của tất cả mọi người cũng như gia đình tôi quyết chí làm lại cuộc đời. Tôi tham gia các hoạt động xã hội từ xóm trưởng đến công an thôn và bây giờ là tổ trưởng tổ an ninh dân phố, tôi thường xuyên tuyên truyền mọi người không vi phạm pháp luật, đặc biệt tôi đang ở trong tổ bảo vệ rừng của thị trấn. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác xã hội của địa phương, tôi đã có rất nhiều bằng khen của UBND tỉnh, huyện về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù và đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ an ninh Tổ quốc. Giờ đã không còn mặc cảm tội lỗi nữa, cuộc đời ai chẳng một lần vấp ngã, chủ yếu là sau khi vấp ngã mình đứng lên như thế nào thôi, các con tôi rất tự hào về ba mình. Đó là điều mà tôi trân trọng nhất”.
Sau 2 năm ra tù vì tội gây rối trật tự công cộng, anh Nguyễn Ngọc Bảo đã gây dựng lại được cuộc sống và xây dựng được cơ ngơi tốt. Anh Bảo chia sẻ: “Năm 2014, tôi bước ra khỏi cánh cửa nhà giam trở về địa phương với 2 bàn tay trắng, kinh tế gia đình dựa vào đồng lương bán hàng của mẹ. Biết được những khó khăn của tôi, chính quyền TT D’ran đã giúp tôi vay vốn đầu tư để phát triển kinh tế gia đình. Sẵn có nghề làm cửa sắt tôi quyết tâm làm, chỉ sau một thời gian ngắn, bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm, tôi đã tạo uy tín với khách hàng, đến nay công việc ổn định và đã có một cơ ngơi nho nhỏ. Cuộc đời của tôi được chuyển sang trang mới tốt đẹp hơn, có được điều đó, tất cả nhờ người thân trong gia đình, bạn bè, bà con hàng xóm và các cấp chính quyền đã mở rộng vòng tay định hướng tôi đi đúng con đường lương thiện, giúp tôi lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Giờ tôi đã có vợ và đứa con nhỏ, cuộc sống ấm no hơn”.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND TT D’ran cho biết: “Không ai muốn mình bị tù tội, nhưng khi đã trót phạm sai lầm thì chính họ cũng đã phải trả giá với những tháng ngày bị giam giữ. Chấp hành xong án phạt tù có nghĩa là đã trả giá cho lỗi lầm của mình, khi trở về họ cũng như bao người bình thường khác. Việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người CHXAPT, đến nay, tất cả các đối tượng trở về địa phương đều được các ban, ngành, đoàn thể tiếp nhận, giúp đỡ về mặt tinh thần, vay vốn phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.... Nhờ vậy, đã hạn chế mức thấp nhất đối tượng tái phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, khối đại đoàn kết khu dân cư luôn ổn định”.
HOÀNG YÊN