Xung quanh việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp ở Phúc Kiến, Di Linh

08:05, 26/05/2017

Năm 2011, UBND huyện Di Linh tiến hành giải tỏa 17 hộ dân sinh sống tại khu Phúc Kiến, đường Đoàn Thị Điểm, thị trấn Di Linh, để xây dựng khu dân cư Phúc Kiến, dẫn đến tranh chấp gay gắt giữa chính quyền địa phương và 17 hộ dân sinh sống tại đây...

Năm 2011, UBND huyện Di Linh tiến hành giải tỏa 17 hộ dân sinh sống tại khu Phúc Kiến, đường Đoàn Thị Điểm, thị trấn Di Linh, để xây dựng khu dân cư Phúc Kiến, dẫn đến tranh chấp gay gắt giữa chính quyền địa phương và 17 hộ dân sinh sống tại đây. Đến nay, 16/17 hộ dân đã di dời giải tỏa, chỉ còn hộ gia đình Nguyễn Văn Quảng - Phạm Thị Hường vẫn còn “bám trụ” và tiếp tục có nhiều đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng từ tỉnh đến Trung ương. Vậy, nguyên nhân vì sao xảy ra khiếu kiện kéo dài xung quanh vụ việc này. 
 
Ông Nguyễn Văn Quảng và lô đất tranh chấp tại khu Phúc Kiến. Ảnh: H.V.Mỹ
Ông Nguyễn Văn Quảng và lô đất tranh chấp tại khu Phúc Kiến. Ảnh: H.V.Mỹ
Qua tìm hiểu được biết, lô đất tại khu Phúc Kiến có nguồn gốc là của ông Trịnh Thu Mậu - thuộc diện “tư sản trước năm 1975” được nhà nước trưng thu quản lý, bàn giao cho Trại giống heo Di Linh sử dụng làm xưởng chế biến thức ăn. Năm 1996, Xưởng chế biến thức ăn của Trại giống heo chuyển đi nơi khác, lô đất được UBND huyện giao cho Phòng Kinh tế huyện (nay là Phòng Kinh tế - Hạ tầng) quản lý. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, trước thực tế gặp khó khăn về nhà ở, Phòng Kinh tế huyện đã đồng ý bằng miệng cho 17 hộ là CBCNV và người dân được vào ở, hoặc làm nhà ở trên khu đất này. Việc làm nhà ở của 17 hộ dân này diễn ra từ năm 2000 và sử dụng ổn định, lâu dài đến năm 2011, không hề có ý kiến của chính quyền địa phương, cũng như không có cơ quan chức năng nào lập biên bản vi phạm.
 
Tháng 3/2011, UBND huyện Di Linh thông báo giải tỏa toàn bộ 17 hộ dân sinh sống tại khu Phúc Kiến để quy hoạch, xây dựng khu dân cư Phúc Kiến. Sau khi được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt quy hoạch khu dân cư Phúc Kiến, UBND huyện đã nhiều lần thông báo, đề nghị các hộ dân tự giác di dời, giải tỏa, trả lại mặt bằng cho địa phương. Qua nhiều lần tuyên truyền, vận động, thuyết phục, cho đến nay chỉ còn hộ gia đình ông bà Nguyễn Văn Quảng-Phạm Thị Hường vẫn kiên quyết “bám trụ” trong ngôi nhà tạm bằng sắt thép. 
 
Tiếp xúc với chúng tôi, giải thích vì sao gia đình kiên quyết không di dời, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quảng cho hay: Do chính quyền địa phương không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh trong bồi thường giải tỏa, tái định cư, cụ thể: Sau khi UBND huyện thông báo giải tỏa, 17 hộ dân trong khu đất Phúc Kiến có đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh và sau cuộc họp đối thoại với các hộ dân, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Di Linh xem xét giải quyết nguyện vọng bố trí đất ở, hỗ trợ di dời giải tỏa, hoặc tái định cư của 17 hộ dân sinh sống tại khu Phúc Kiến. Tuy nhiên, UBND huyện Di Linh không xem xét, giải quyết, mà ngược lại, khi gia đình tôi vì không còn chỗ ở nào khác, phải quay trở về dựng ngôi nhà tạm để ở và trong lúc vợ chồng tôi không ở nhà, chính quyền địa phương đã tổ chức cưỡng chế giải tỏa. Vợ chồng tôi phải quay về bên cạnh lô đất mà chính quyền địa phương đã giải tỏa hai căn nhà của tôi để bán cho ông Sỳ Xướng Hòa xây dựng 4 căn nhà trọ cho thuê và dựng một ngôi nhà tiền chế để sinh sống. 
 
Ngày 23/5/2017, được Chủ tịch UBND huyện ủy quyền, làm việc với chúng tôi, ông Vũ Quang Anh - Phó chánh Văn phòng UBND huyện Di Linh cho biết: Quá trình giải tỏa 17 hộ dân sinh sống tại khu Phúc Kiến, chính quyền địa phương đã tuân thủ đúng các quy định của nhà nước. Sau giải tỏa, UBND huyện đã thông báo rộng rãi việc đấu giá các lô đất trong khu dân cư Phúc Kiến và hiện các hộ đấu giá thành công đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận QSD đất, đã làm nhà, hoặc sang nhượng lại cho người khác. Đối với 17 hộ dân bị di dời, giải tỏa, qua phân loại, có 7 hộ, trong đó có hộ ông Nguyễn Văn Quảng gặp khó khăn về nhà ở. Theo đề xuất của UBND thị trấn Di Linh, UBND huyện đã đồng ý và ban hành quyết định (Quyết định của hộ gia đình ông Quảng số 2842/QĐ-UBND ngày 13/11/2013) ưu tiên cho 7 hộ này được mua đất không qua đấu giá, trả chậm tại khu dân cư 2/9. Không hiểu vì lý do gì, trong lúc một số hộ dân trong số 7 hộ nói trên đã nhận quyết định mua đất theo phương thức nói trên tại khu dân cư 2/9, thì hộ ông Nguyễn Văn Quảng không nhận quyết định và tiếp tục quay trở lại nền đất cũ đã giải tỏa xây dựng nhà trái phép nên sau nhiều lần vận động, thuyết phục không mang lại kết quả, ngày 20/12/2013, UBND huyện thành lập đoàn cưỡng chế và tiến hành cưỡng chế giải tỏa ngôi nhà xây dựng trái phép của vợ chồng ông Quảng để bàn giao đất cho hộ thắng thầu là ông Sỳ Xướng Hòa. Tuy nhiên, hiện nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Quảng lại quay trở lại, xây dựng một ngôi nhà tiền chế trong khu quy hoạch xây dựng công viên tại khu dân cư Phúc Kiến, đồng thời tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến HĐND tỉnh và HĐND tỉnh chuyển đơn đến UBND tỉnh đề nghị xem xét giải quyết. 
 
Ngày 11/5/2017, UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh kiểm tra, rà soát toàn bộ vụ việc, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết. Do vậy, UBND huyện sẽ tuân thủ đúng sự chỉ đạo của UBND tỉnh sau khi Thanh tra tỉnh kiểm tra, báo cáo và đề xuất hướng giải quyết.
 
Tiếp tục tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được ông Đặng Văn Quang-Chủ tịch UBND thị trấn Di Linh cho biết: Gia đình ông Nguyễn Văn Quảng thực sự gặp khó khăn về nhà ở, nhưng không hiểu vì sao lại không chấp nhận phương án mua đất trả chậm, không qua đấu giá tại khu dân cư 2/9. Hiện nay, UBND thị trấn đang chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể vận động, thuyết phục và có biện pháp giúp đỡ gia đình ông Quảng khi di dời chỗ ở. Trước thực tế này, theo chúng tôi, ngoài việc kiểm tra, đánh giá, đề xuất hướng giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng quy định pháp luật của Thanh tra tỉnh, các cấp chính quyền huyện Di Linh cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quảng có nơi ăn chốn ở ổn định, đúng quy định của Nhà nước, để không tạo điểm nóng, khiếu kiện  kéo dài tại địa phương.
 
HOÀNG VƯƠNG MỸ