Tua bin nước, pin năng lượng mặt trời, máy phát, đèn dầu… những đường dây điện tự kéo chỉ cao đến đầu người, những cột điện bằng gỗ lâu năm bị mối mọt ăn mục xiêu vẹo bên đường… nhiều đồ điện tử bao năm vẫn nằm im lìm không được sử dụng…
Tua bin nước, pin năng lượng mặt trời, máy phát, đèn dầu… những đường dây điện tự kéo chỉ cao đến đầu người, những cột điện bằng gỗ lâu năm bị mối mọt ăn mục xiêu vẹo bên đường… nhiều đồ điện tử bao năm vẫn nằm im lìm không được sử dụng… đó là những gì đang diễn ra từng ngày ở những thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa chưa có điện. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng hàng trăm hộ dân vùng sâu vẫn chưa ngưng được tiếng thở dài trong chuỗi ngày dằng dặc mỏi mòn chờ điện về thôn.
|
Những đường điện tự kéo chằng chịt tự kéo, cột gỗ đã xiêu vẹo của bà con thôn Phúc Cát. Ảnh: N.Ngà |
“Bà con mong điện như nắng hạn khát mưa”
Khi cán bộ xã Phúc Thọ dẫn chúng tôi vào xem đường điện người dân tự kéo ở thôn Phúc Cát bà con trong thôn ai cũng tưởng cán bộ ngành điện. Họ khấp khởi dò la: “Bao giờ có điện thế các cô chú?”. Anh Nguyễn Khắc Tuấn - cán bộ giao thông thủy lợi xã Phúc Thọ nói: “Đã nhiều lần dẫn cán bộ ngành điện về khảo sát đường dây. Lần nào bà con cũng hỏi vậy, rồi cũng hy vọng, mong chờ nhưng tới giờ người dân Phúc Cát vẫn chưa có điện”.
Thôn Phúc Cát được thành lập năm 1996 bởi những người từ ngoài Bắc vào làm kinh tế mới. Từ một vùng hoang vu ngày xưa, Phúc Cát hôm nay bạt ngàn cà phê, đường sá bê tông khang trang. Những mái nhà tranh tạm bợ ngày ấy đã thay bằng nhà ngói kiên cố. Duy nhất chỉ có một điều từ đó đến nay chưa đổi thay là người dân nơi này vẫn chưa có điện sử dụng. Bằng nhiều cách khác nhau, bà con “tự xoay xở để có điện sử dụng”, anh Tuấn nói.
Chị Trương Thị Thủy - người dân thôn Phúc Cát cho biết: “Từ điểm có điện gần nhất của xã Phúc Thọ vào gia đình tôi dài 7 km. Bởi thế gia đình tôi và 22 hộ gần đó góp mỗi hộ 5,3 triệu đồng để kéo 3 km đường điện từ xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông. Tuy vậy hiện nay, điện vẫn lúc được lúc không, nhất là giờ cao điểm hoàn toàn không có điện. Điện chủ yếu chỉ dùng để thắp sáng. Đường dây kéo đã lâu năm, sử dụng cột điện là các cây gỗ nên bây giờ đã xuống cấp rất nhiều”. Để có nguồn điện sử dụng, người dân Phúc Cát tự tìm nguồn điện gần nhất để kéo dây vào. Có hộ kéo từ Đam Rông như gia đình chị Thủy, có hộ kéo từ thôn khác trong xã Phúc Thọ, nhưng cũng có những hộ kéo từ xã Hoài Đức...
Cũng trong tình cảnh như thôn Phúc Cát, bà con thôn R’Hang Trụ cũng tự tìm nhiều cách xoay xở để có điện. Ông Trần Hữu Tương - Trưởng thôn R’Hang Trụ nói: “Vì gia đình làm nghề sấy cà phê nên rất cần nguồn điện mạnh. Bởi vậy gia đình ông tự kéo 1.500 m điện 3 pha với kinh phí trên 150 triệu đồng. Trong khoảng cách 2,5 km kể từ trạm điện gần nhất bà con tự kéo đường điện với kinh phí trung bình khoảng 4 triệu đồng/hộ. Mỗi hộ dân ở đây trung bình mỗi tháng đóng khoảng 250.000 tiền điện nhưng điện vẫn chập chờn lúc được lúc không. Còn ở cuối thôn, đường xa bà con không kéo được đường điện, nên chỉ dùng đèn dầu, tua bin nước, máy nổ, pin năng lượng mặt trời. Đa phần người dân ở cuối thôn là người dân tộc thiểu số nên việc thiếu điện làm đời sống bà con khó càng thêm khó. Nhiều năm rồi, bà con mong điện như nắng hạn khát mưa”.
Trên địa phận thôn R’Hang Trụ có thác Nếp hùng vĩ. Lẫn trong dòng nước trong vắt đang tung bọt trắng xóa là hàng chục ống dẫn nằm san sát nhau. Bởi chúng dẫn nước về hàng chục tua bin nước đứng, ngồi các loại. Đó là nguồn cấp điện chính cho bà con cuối thôn. “Lần nào tiếp xúc cử tri ở địa phương chúng tôi cũng kiến nghị cấp điện cho thôn nhưng đến nay cũng chưa thấy họ triển khai. Dân cứ vậy mà khổ lại cứ khổ mãi”, trưởng thôn R’Hang Trụ than thở.
Ông Hoàng Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ nói: “Việc chưa có điện ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống bà con. Vấn đề nan giải nhất là việc tiếp cận văn hóa thông tin. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì càng xa vời đối với bà con. Nguồn điện tự kéo, chất lượng thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu song người dân phải trả phí rất cao. Nếu như ở trung tâm xã giá điện 1.200 đồng/số thì ở điểm đuối đường dây lên tới 6 -7.000 đồng/số. Địa phương đã làm rất nhiều tờ trình lên cấp trên, người dân cũng đã nhiều lần có ý kiến trong các đợt tiếp xúc cử tri, nhưng bao năm nay điện vẫn chưa về. Ngoài hai thôn hoàn toàn chưa có điện trên, xã Phúc Thọ còn có 68 hộ thôn Phúc Thịnh và 30 hộ thôn Phúc Hưng - những người dân kinh tế mới vào lập làng từ năm 1985 nhưng đến nay vẫn chưa có điện”.
Xin ra khỏi dự án
Theo thông tin từ Công ty Điện lực Lâm Đồng: Hiện trên địa bàn tỉnh có 7 thôn với 664 hộ hoàn toàn chưa có điện gồm: Thôn R’Hang Trị, thôn Phú Cát (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà), thôn Nao Quang (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm), thôn Vĩnh Ninh, thôn 3, thôn 4 (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên).
Lý giải về điều này, ông Trịnh Lê Ngọc Linh - Trưởng phòng Kế hoạch Vật tư, Công ty Điện lực Lâm Đồng cho biết: Sau Quyết định số 2081 ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, ngày 30/10/2015 Bộ Công thương đã có quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu tổng quát: Phát triển lưới điện trung, hạ áp cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào tại các thôn, ấp chưa có điện; cấp điện cho các hộ dân chưa được cấp điện chính, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhằm từng bước nâng cao đời sống dân trí cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo an ninh, ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Mục tiêu cụ thể cấp điện cho hơn 10 ngàn hộ dân nông thôn thuộc 398 thôn/ấp của tỉnh trên địa bàn 116 xã thuộc 10 huyện trong tỉnh. Tổng kinh phí trên 559 tỷ đồng. Trong đó vốn từ ngân sách Trung ương chiếm 85%. Và tất cả 7 thôn trên đều nằm trong dự án 2081. Tuy vậy nhưng đến nay vốn từ trung ương vẫn chưa có nên chưa tiến hành triển khai thực hiện được.
Trước tình hình người dân phải sống khó khăn vì thiếu điện, cuối tháng 4/2016, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng làm việc với Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVN SPC). Tỉnh Lâm Đồng đề nghị EVN SPC bố trí vốn đối ứng để đầu tư cấp điện cho 7 thôn hoàn toàn chưa có điện trên. Trả lời về vấn đề này, EVN SPC cho rằng: Để có thể dùng vốn đối ứng đầu tư trước cho việc đưa điện về 7 thôn này, EVN SPC đề nghị tỉnh Lâm Đồng làm việc với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan. Nếu được chấp thuận, EVN SPC sẽ dùng vốn đối ứng để đầu tư trước.
Về vấn đề này, ông Trịnh Lê Ngọc Linh nói thêm: “Do hiện nay chưa có vốn của trung ương đầu tư cho dự án nên việc EVN SPC tạm ứng trước vốn đối ứng để đầu tư cho các thôn này không triển khai được vì như vậy là vi phạm Luật đầu tư công”.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, 7 thôn trên chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế rất khó khăn nên rất mong muốn được cấp điện, bởi vậy tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị với Bộ Công thương cho tách 7 thôn này ra khỏi danh mục đầu tư dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015 - 2020, để việc đầu tư xây dựng lưới điện cho các thôn này được thực hiện bằng nguồn vốn của EVN SPC và nguồn vốn của địa phương. Dự toán sơ bộ tổng vốn đầu tư cho 7 thôn trên ước khoảng trên 26,5 tỷ đồng. “Nếu được Bộ Công thương chấp thuận, dự án này sẽ được triển khai ngay”, ông Linh khẳng định.
NGỌC NGÀ