Dân gian có câu "Bệnh từ miệng mà vào…" nhưng việc kiểm soát những thứ ăn vào để không gây ra bệnh tật ngày càng khó khăn do quá trình tích tụ các độc chất gây bệnh kéo dài qua nhiều năm. Nhưng cũng có trường hợp ăn thực phẩm gây bệnh tức thì gọi là tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính.
Dân gian có câu “Bệnh từ miệng mà vào…” nhưng việc kiểm soát những thứ ăn vào để không gây ra bệnh tật ngày càng khó khăn do quá trình tích tụ các độc chất gây bệnh kéo dài qua nhiều năm. Nhưng cũng có trường hợp ăn thực phẩm gây bệnh tức thì gọi là tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP) cấp tính. Mối lo ngại NĐTP hiện nay là nhiều người cùng ăn và cùng mắc, vì vậy, mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 là không có vụ NĐTP cấp tính từ 30 người mắc trở lên, tỉ lệ mắc NĐTP cấp tính trong các vụ NĐTP được ghi nhận dưới 9 người/100.000 dân.
|
Đảm bảo ATTP phòng chống ngộ độc thực phẩm vì sức khỏe nguồn nhân lực. Trong ảnh: Khoảng 1.000 người dự lễ phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2017 tại Khu Hòa Bình - Đà Lạt. Ảnh: D.Hiền |
NĐTP hay chỉ nghi NĐTP?
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh ghi nhận: Cuối tuần qua (3/6), vào viện điều trị các triệu chứng NĐTP có 2 đoàn khách du lịch đến Đà Lạt (1 đoàn của Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh, 1 đoàn khách Myanmar). Đoàn khách TP Hồ Chí Minh chủ yếu là người già, trẻ em, phụ nữ đi du lịch có 48 người thì có 13 người có biểu hiện rối loạn tiêu hóa khi nhập viện điều trị, chủ yếu chữa rối loạn tiêu hóa, rồi họ về ngay, đến ngày 4/6 theo dõi không thấy ai nhập viện lại. Cơ quan chuyên môn y tế không lấy được mẫu bệnh phẩm (chất nôn, phân), điều tra các bữa ăn nguyên nhân của đoàn khách này thì hơi nhiều và cũng có nhiều đoàn khác ăn tại các cơ sở đấy nhưng không bị gì, nên y tế không lấy được mẫu thức ăn.
Một đoàn nữa là khách du lịch người Myanmar có 41 người, khi nhiều người có biểu hiện rối loạn tiêu hóa thì lên nhập viện khám 28 người, có 6 người truyền nước xong thì ra viện ngay. Vụ du khách nước ngoài nhập viện do rối loạn tiêu hóa, cơ quan chuyên môn y tế cũng không lấy được mẫu bệnh phẩm do các bệnh nhân không có các triệu chứng nôn mửa, đi ngoài tại bệnh viện. Tuy nhiên, ngành y tế cũng đã lấy mẫu một số thức ăn tại các nhà hàng mà thực khách đã dùng.
Theo BSCKII Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Cả 2 vụ này, kết luận ban đầu là theo dõi NĐTP nhưng không rõ nguyên nhân. Chưa thể kết luận được NĐTP vì bữa ăn xảy ra ở nhiều nơi, chỉ dựa vào triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Chẩn đoán NĐTP phải có 6 câu trả lời: Kết quả gây ngộ độc, bữa ăn gây ngộ độc, thức ăn gây ngộ độc, căn nguyên gây ngộ độc (phải xét nghiệm được chứ bây giờ kết luận không có chứng cứ, cũng như lấy mẫu xét nghiệm dương tính)…
BSCKII Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: Bệnh viện đã tiếp nhận 28 trường hợp khách Myanmar đi du lịch bị NĐTP nhập viện cấp cứu, khám xong cho đơn về, còn có một ít trường hợp truyền dịch xong cho về luôn. Trước đó, một đoàn TP Hồ Chí Minh có 13 trường hợp cũng bị NĐTP vô viện cũng khám ngoại trú cho đơn về. Trong một lúc có nhiều bệnh nhân NĐTP nhập viện cấp cứu chắc chắn là quá tải nhưng bệnh viện chúng tôi đã quen xử lý cấp cứu hàng loạt rồi thì trong những tình huống này chúng tôi điều bác sĩ trực nội viện ra giúp, tăng cường bác sĩ ở nhà lên, tập trung nhân lực để giải quyết. Cả 2 vụ này, bệnh viện chẩn đoán NĐTP dựa vào yếu tố dịch tễ tức là bị hàng loạt sau khi ăn có triệu chứng lâm sàng. Các bệnh nhân NĐTP mức độ nhẹ nên chỉ cho ngoại trú, đa số cho đơn về, một số ít hơi mệt thì được truyền dịch xong cho về luôn, không có ai nằm viện nội trú.
Giám sát phòng ngừa NĐTP thế nào cho hiệu quả?
Trong 5 năm qua (giai đoạn 2011 -2016), trên địa bàn tỉnh ghi nhận 22 vụ NĐTP với 1.060 người mắc, trong đó có 4 người tử vong. Các vụ NĐTP xảy ra chủ yếu do các tác nhân vi sinh vật. Nguyên nhân gây tử vong chủ yếu do hóa chất. Khi xảy ra NĐTP các cơ quan chuyên môn đã phối hợp tiến hành điều tra, xử trí kịp thời nhằm hạn chế số ca bị mắc NĐTP, hạn chế tử vong và ngăn cản tình trạng lây lan trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP của tỉnh, các hoạt động phòng chống NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm được triển khai trên địa bàn như: Định kỳ tổ chức kiểm tra tình hình ATTP trên địa bàn tỉnh, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm nhằm phát hiện sớm, xử lý, khắc phục kịp thời. Lấy mẫu giám sát sản phẩm vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản để phân tích các chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu về ATTP. Giám sát và triển khai lấy mẫu thực phẩm, chủ yếu là thức ăn ngay tại các huyện, thành phố. Kết quả, 5 năm đã tiến hành lấy 1.613 mẫu có 1.106 mẫu đạt chất lượng ATTP (chiếm 68,56%) và 2.787 /3.216 chỉ tiêu giám sát đạt chất lượng (đạt 86,6%).
Tổ chức các hoạt động giám sát ô nhiễm thực phẩm tại các huyện, thành phố trong tỉnh, xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm và kiểm tra hậu kiểm sản phẩm bao gói sẵn đã được cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Kết quả từ 2011 đến nay đã tiến hành giám sát 18.027 mẫu thực phẩm trên toàn tỉnh, trong đó tổng số mẫu đạt là 14.964 mẫu, chiếm 83%, còn 17% mẫu không đạt.
Trang bị test nhanh phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát ATTP cho 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm qua, Chi cục ATVSTP tỉnh đã tiến hành trang bị hơn 490 hộp test các loại phân phối cho các huyện, thành phố. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi, xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn trên các sản phẩm như: chè, rau, thức ăn chăn nuôi và sản phẩm từ thịt.
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu trong hội nghị tổng kết 5 năm công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh mới đây, đã nhấn mạnh: Vấn đề vệ sinh ATTP là vấn đề lớn của xã hội, ảnh hưởng tất cả mọi người tiêu dùng trong xã hội của chúng ta. Ngoài việc thực thi các chính sách của các cơ quan công quyền, còn đòi hỏi có sự tham gia giám sát của người tiêu dùng. Vì vậy, chúng ta phải huy động sức mạnh của xã hội vào việc kiểm tra giám sát, từ chối mua hay chấp nhận mua một sản phẩm do tất cả các cơ sở kinh doanh thực phẩm cung ứng cho xã hội.
TS Phạm Thị Bạch Yến - Giám đốc Sở Y tế: “Cái gốc để đảm bảo ATTP là xây dựng nhiều các chuỗi thực phẩm an toàn”
Hàng năm không thể nào tuyệt đối không có vụ NĐTP được, quy định Bộ Y tế giao là đảm bảo hạn chế đến mức mà được Bộ cho phép thì coi như chúng ta đã đảm bảo ATTP. Mục tiêu chúng ta phấn đấu giảm đến mức thấp nhất các vụ NĐTP và tử vong do NĐTP. Trong số 22 vụ NĐTP/5 năm qua, có 16 vụ NĐTP dưới 30 người/vụ và cơ bản NĐTP do thức ăn đường phố, một số các trường hợp do nhận thức người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên NĐTP do uống rượu ngâm củ ấu tàu - loại củ chỉ làm rượu xoa bóp hoặc NĐTP do ăn cá mắm người đồng bào DTTS tự chế biến.
Để phòng chống NĐTP, mạng lưới ATTP phải thường xuyên củng cố, đặc biệt tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP từ tỉnh - huyện - xã, các ngành chưa phân cấp thì đẩy nhanh phân cấp quản lý về ATTP; hướng dẫn cho các cơ sở, doanh nghiệp kiến thức, thái độ thực hành, đặc biệt là thực hành tránh thói quen là đã được tập huấn rồi nhưng khi kiểm tra thì khâu chế biến sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn không đảm bảo. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền cho người dân biết để sử dụng thực phẩm sạch cũng như tuyên truyền các cơ sở kinh doanh chế biến cung cấp thực phẩm đảm bảo ATTP. Tôi nghĩ cái gốc để đảm bảo ATTP mà tỉnh đang chỉ đạo là xây dựng nhiều các chuỗi thực phẩm an toàn, các hệ thống HACCP, cũng như VietGAP để cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân.
Ngoài các ban, ngành chức năng là Sở Y tế, Nông nghiệp, Công thương thì cần có sự phối kết hợp của chính quyền địa phương các huyện, thành phố cũng như UBMTTQVN các cấp để đảm bảo tuyên truyền thực hiện tốt công tác ATTP trên địa bàn. Đặc biệt, đối với các huyện, thành phố có nhiều lễ hội như Đà Lạt, nơi quản lý thức ăn đường phố trong những năm vừa rồi còn có vụ NĐTP, chúng ta nên làm thí điểm công tác tập huấn cho cán bộ thanh tra về ATTP ngay tại tuyến xã, phường, thị trấn ở mức độ kiêm nhiệm - đây là văn bản của Bộ Y tế mới chỉ đạo chúng ta nên làm thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP ngay tuyến xã, phường, thị trấn, bởi nếu lực lượng này có kiến thức tốt, hoạt động tốt thì sẽ giúp cho khâu quản lý nhà nước về ATTP, kiểm soát chặt chẽ ngay ở cấp xã, phường, thị trấn.
Khi xảy ra các vụ NĐTP thì chúng tôi rất mong là các sở, ngành, địa phương phải thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cho dân biết và để những cơ sở vi phạm rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Mạnh Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh: “Đẩy mạnh thông tin giáo dục truyền thông về ATTP”
Theo thống kê, giai đoạn 2011 - 2016 trên địa bàn huyện có 249 ca bị NĐTP vào bệnh viện, trạm y tế điều trị. Tất cả các ca bệnh đều được điều tra và xử lý tại cộng đồng. Đồng thời, tổ chức truyền thông cho gia đình bệnh nhân và những gia đình xung quanh phòng chống NĐTP, không để xảy ra ngộ độc hàng loạt cũng như tử vong do NĐTP.
Khó khăn hiện nay của địa phương là phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, phân bố rải rác cho nên việc tham gia tập huấn và tiếp cận kiến thức về ATTP còn hạn chế. Điều kiện vệ sinh tại các cơ sở chế biến thực phẩm, nhất là cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, sản xuất thực phẩm truyền thống không đảm bảo. Mặc dù tuyên truyền giáo dục về ATTP song hiệu quả chấp hành còn thấp đối với một số hộ kinh doanh, chế biến thực phẩm khó khăn về vốn để nâng cấp nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho chế biến, sản xuất thực phẩm nên chưa đảm bảo ATTP.
Giải pháp trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, qua đó tuyên truyền giáo dục người dân chấp hành nghiêm túc các quy định về ATTP. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông cung cấp thông tin ATTP giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe để người dân và cộng đồng phòng chống NĐTP và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
DH (ghi)
|
DIỆU HIỀN