Ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng được đánh giá là phương pháp phát huy hiệu quả cao, mang tính bền vững. Tại Lâm Đồng, nhiều mô hình ở khu dân cư, trong các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp đang được triển khai hiệu quả.
Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) dựa vào cộng đồng được đánh giá là phương pháp phát huy hiệu quả cao, mang tính bền vững. Tại Lâm Đồng, nhiều mô hình ở khu dân cư, trong các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp đang được triển khai hiệu quả.
|
Dọn rác trên hồ Xuân Hương. Ảnh: Nguyệt Thu |
Chương trình phối hợp của MTTQ, các tôn giáo và tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam cùng tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH là một chương trình có ý nghĩa thiết thực, thể hiện mối quan tâm lớn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Chương trình phối hợp và đề ra những biện pháp cụ thể, đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm, sáng kiến cộng đồng, mô hình hiệu quả đã được triển khai để học tập và phát triển trong thời gian tới. Đây là kênh thông tin hiệu quả giúp người đứng đầu các tổ chức tôn giáo kết hợp giáo dục giáo lý với tuyên truyền, nâng cao nhận thức tới giáo dân và nhân dân.
Mục sư Trần Thanh Truyện, đại diện Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam cho rằng: Tại Lâm Đồng mô hình Hội thánh Cơ đốc Phục Lâm R’Chais, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng được coi là mô hình điểm về bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu. Điểm đặc biệt, đây là Hội thánh của người dân tộc thiểu số Chil, nhưng qua nghiên cứu Kinh thánh, nhờ Hồng ân của Đức Chúa trời ban ơn nên hoàn toàn không mê tín dị đoan, không làm điều xấu. 100% hộ gia đình các tín hữu không sử dụng rượu, bia, không hút thuốc lá, không có tệ nạn ma túy, không ăn thịt, khuyến khích ăn chay. Để ứng phó với BĐKH do thiếu nước, do nhiệt độ tăng, bà con tín hữu trong Hội Thánh đã tích cực trồng nhiều cây xanh quanh vườn. Và, thông qua chương trình phát triển sinh kế bền vững góp phần đẩy mạnh tính chủ động của người dân qua việc xây dựng sáng kiến cải thiện cuộc sống dựa trên nhu cầu và nguồn lực bản thân, đồng thời giúp họ hiện thực hóa các kế hoạch đưa ra bằng cách đào giếng, đóng giếng, lấy nguồn nước để tưới cây cà phê, trà… Hội thánh cũng hướng dẫn cho bà con trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao, khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, chủ động ứng phó với mưa bão, hạn hán, giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu trong tương lai gây ra.
Là địa phương có công trình Thủy điện Đại Ninh lớn đóng chân nên Hội thánh đã phát động rộng rãi cho trên 1.500 nhân khẩu trong Hội thánh tham gia bảo vệ môi trường, giữ vệ sinh bằng cách không cắt cây đầu rừng, không xả rác gây ô nhiễm môi trường bằng cách cho các em thanh thiếu niên tham gia lượm rác ở các khu dân cư, xung quanh nhà thờ, nhà ở và khu dân cư, không xả rác bừa bãi, không thả rông gia súc, gia cầm. Thực hiện trồng hoa, cây xanh dọc theo lối lên nhà thờ R’Chais, bảo vệ các cây thông trên đồi quanh vùng. Đặc biệt, để góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, Hội thánh Cơ đốc Phục Lâm R’Chais đã cung cấp, phát hành 12 cuốn sách nói về môi trường, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, môi trường sống cho tầng lớp thanh thiếu niên, nhi đồng trong Hội thánh cùng đọc - Mục sư Ka sa Ha Nhiếu - Chủ tọa Hội thánh Cơ đốc Phục Lâm R’Chais cho biết.
Còn tại Công ty TNHH Nông nghiệp Miền đất hy vọng Việt Nam đóng chân trên địa bàn xã N’Thol Hạ, Đức Trọng thì chủ doanh nghiệp Võ Trung Tín đã có ý thức ngay từ đầu khi thành lập công ty về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Công ty đang áp dụng mô hình khép kín từ nhân giống cây con, phát triển sản xuất đến cung cấp sản phẩm ra thị trường. Và với 5,5 ha đất sản xuất rau, củ, quả Nhật Bản, công ty đã nghiên cứu, sản xuất phân compost từ phế phụ phẩm nông nghiệp; thử nghiệm sản xuất và phát triển bán hàng sản phẩm cà phê sinh thái; thử nghiệm mô hình Aquaponic, mô hình cộng sinh giữa cá - vi sinh vật và rau... Trong đó, việc sản xuất phân compost được đánh giá rất cao vì chủ yếu ủ phân theo hình thức lên men tự nhiên từ vi sinh vật. Tạo dòng men tại địa phương từ vỏ cà phê, tận dụng tối đa nguồn phế thải từ vỏ cà phê của một tỉnh đứng thứ hai cả nước về sản xuất cà phê. Tận dụng nguồn phế phụ phẩm này đưa vào sản xuất phân bón, sục khí có sự tác động của con người để cho ra sản phẩm phân vi sinh theo hình thức hiếu khí để lên men. Đề tài này đã được chủ doanh nghiệp đề xuất với Ngân hàng thế giới để phát triển dự án phát triển mô hình sản xuất phân bón hữu cơ quy mô nông hộ dựa vào phế phụ phẩm nông nghiệp và vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm hoàn toàn sạch phục vụ con người.
Chương trình phối hợp công tác giữa Trung ương MTTQ Việt Nam với tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam trong thời gian qua trên khắp cả nước. Tại Lâm Đồng, thông điệp này đã cho thấy kết quả phối hợp rõ ràng, cụ thể giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để thực hiện thành công chiến lược trên, đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, đồng thuận của toàn xã hội. Việc giáo dục nhằm thay đổi hành vi trong lĩnh vực này không đơn giản chỉ là tuyên truyền mà cần có những biện pháp hướng tới thay đổi chuẩn mực, hướng tới các lợi ích kinh tế và thiết lập xu hướng mới. Đối với vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần thay đổi thói quen đốt rừng làm nương rẫy. Bởi điều này gây hậu quả khó lường về nhiều mặt. Trong đó, góp một lượng không nhỏ cacbon vào bầu khí quyển, gia tăng phát thải khí nhà kính, cắt bỏ đi lá phổi xanh và làm suy giảm hệ thống nước ngầm khiến gia tăng tình trạng hạn hán vào mùa khô và đẩy nhanh quá trình thoái hóa đất.
Ông Lê Bá Trình - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, chống BĐKH đang trở nên cấp bách trên toàn thế giới, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên - Môi trường đã phối hợp với tổ chức Bắc Âu và các tôn giáo thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường, chống BĐKH. Hướng đến mục tiêu cốt lõi là giảm nhẹ thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, Việt Nam đang là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng. Hội thánh Tin lành Cơ đốc Việt Nam tại Đức Trọng đã xây dựng được mô hình bảo vệ môi trường chống BĐKH rất tốt. Từ kết quả tốt đó đã góp phần bảo vệ môi trường trong vùng đồng bào DTTS ở Đức Trọng nói riêng và rất cần nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
Ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng
Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng là thành viên trong công tác phối hợp thực hiện chương trình bảo vệ môi trường chống BĐKH, gắn kết giữa các tổ chức tôn giáo. Qua khảo sát ở R’Chais đã cho thấy vai trò của Hội thánh Tin lành trong công tác bảo vệ môi trường đã thực sự phát huy hiệu quả, qua đó mỗi hộ gia đình đều có ý thức bảo vệ môi trường. Mô hình cho thấy vai trò của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Mặt trận và đoàn thể phát huy rất tốt. Công tác phối hợp đó đã tạo sự gắn kết giữa chính quyền, Mặt trận đoàn thể và tôn giáo, là phương thức hoạt động thiết thực của Mặt trận hướng đến thực hiện các giải pháp cấp bách trong ứng phó với BĐKH, làm giảm thiệt hại của thiên tai ở địa phương, tạo sự đồng thuận của các tổ chức tôn giáo và phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của toàn thể nhân dân.
Trong năm 2017, mục tiêu hướng đến là mỗi huyện, thành phố sẽ phải xây dựng ít nhất một mô hình các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH và đến năm 2020 mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một mô hình điểm thực hiện bảo vệ môi trường.
Ông Eivind Arther - Giám đốc Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam
Dự án ứng phó với BĐKH dựa vào cộng đồng nhằm hướng đến hỗ trợ các tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường tốt hơn. Chương trình của chúng tôi dựa vào 2 mục đích chính là xây dựng năng lực nâng cao kiến thức cho những tổ chức tôn giáo biết về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Tại Việt Nam đã có rất nhiều tổ chức nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này, phía tổ chức Bắc Âu chúng tôi chỉ mong muốn cùng với chính quyền địa phương, đặc biệt là MTTQ cần trợ giúp các tổ chức tôn giáo làm tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.
Đến Lâm Đồng và đi khảo sát thực tế vừa qua tôi có cảm nhận đây là một vùng đất rất đẹp, tất cả mọi nơi đều có màu xanh, không khí trong lành. Là vùng đất được chú trọng phát triển về nông nghiệp, nên có nhiều thách thức đặt ra cho người dân nơi đây. Làm sao để có được sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho con người và giữ gìn được nguồn đất đai là hết sức quan trọng. Nhà thờ Tin lành ở R’Chais mà chúng tôi vừa đến là một ví dụ điển hình về ý thức giữ gìn BVMT, nơi đây người dân rất hiền lành và có ý thức trách nhiệm trong BVMT. Tuy nhiên, thành phố cần có những quy định và quy chuẩn chung để mọi người, mọi tổ chức doanh nghiệp, tập đoàn đến kinh doanh không làm phá vỡ cảnh quan môi trường của Đà Lạt, nhất là về môi trường.
|
NGUYỆT THU