Theo Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu.
Theo Nghị định số 49/2017 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu. Một trong những điểm bổ sung được chú ý nhất của Nghị định 49 là ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân, thuê bao cần phải bổ sung cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Đây là điểm nhấn được khá nhiều người sử dụng di động và các nhà mạng quan tâm.
|
Sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực (24/4/2017 - 24/4/2018), doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình tuân thủ đúng quy định. Ảnh: D.Thương |
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông cao trên thế giới, với tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đã đạt hơn 120 triệu số. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tổng số 80 triệu thuê bao trả trước hiện chỉ có 25% thuê bao đăng ký thông tin chính xác, còn lại 75% thông tin không chính xác. Thực tế này đã, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh, an toàn xã hội, bởi vì số thuê bao di động có thể sử dụng vào nhiều hành vi phạm pháp, từ nhắn tin rác, gọi điện quấy rối, lừa đảo, tống tiền…
Theo ông Đặng Kim Tuấn - Phó Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết: Cùng với sự phát triển về số lượng thuê bao và thiết bị đầu cuối, đặc biệt là sự phát triển bùng nổ của các thiết bị “smart phone”, các loại hình dịch vụ dựa trên nền tảng di động cũng đang phát triển không ngừng và được sử dụng một cách rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như các dịch vụ: mobile Internet, mobile banking, smart home,… Các ứng dụng này cho phép người dùng có thể sử dụng điện thoại di động có gắn SIM thuê bao để có thể thanh toán các giao dịch mua bán, điều khiển các thiết bị điện tử từ xa một cách thuận tiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó ứng dụng di động cũng đã phát sinh nhiều nguy cơ trở thành công cụ, phương tiện vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Người dùng cần làm gì trước quy định mới?
Trước khi nhận được thông báo từ nhà mạng, người dùng nên tự kiểm tra lại những thông tin đã đăng ký cho SIM đang dùng bằng cách gửi tin nhắn TTTB gửi 1414 (miễn phí). Cách này áp dụng cho cả ba nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone. Nếu đúng thông tin (tên đầy đủ, ngày, tháng, năm sinh, CMND) người dùng chỉ cần chờ tin nhắn từ nhà mạng để thông báo về việc bổ sung ảnh chân dung. Nếu thông tin sai, chủ thuê bao cần đến các chi nhánh, cửa hàng của nhà mạng để cập nhật lại và chụp ảnh.
|
Thời gian qua đã có nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng các SIM thuê bao để phục vụ hành vi vi phạm pháp luật như: đe dọa, tống tiền, nhắn tin quấy rối, lừa đảo,… Trong các trường hợp này, nếu các SIM thuê bao có thông tin chính xác thì sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Theo điểm đ, Khoản 5, Điều 1 Nghị định 49/2017, thông tin thuê bao phải có ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao, hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước). Từ đây có thể hạn chế việc giả mạo, sử dụng giấy tờ của các cá nhân, tổ chức khác để đăng ký thông tin thuê bao, bởi ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định đã lược bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao. Đây cũng là cách để siết chặt nạn mua bán SIM rác, tin nhắn rác gây nhức nhối trong những năm qua.
Ông Nguyễn Huy Hà - Phó Giám đốc MobiFone Lâm Đồng cũng chia sẻ: Ngay khi có quy định mới, MobiFone đã lập tức triển khai nghiêm túc. Với nhà mạng MobiFone, các thuê bao mới thì phải chụp ảnh chân dung. Các thuê bao cũ sẽ nhận được tin nhắn theo từng đợt, và cũng phải đến các chi nhánh, đại lý được ủy quyền để bổ sung ảnh chụp, tuy nhiên do lượng thuê bao lớn nên phải chia nhỏ lộ trình thực hiện. Trong quá trình triển khai cũng gặp không ít ý kiến trái chiều từ phía khách hàng.
Phân tích vấn đề này, ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng cho rằng: Cơ sở dữ liệu này sẽ phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, và bảo vệ quyền lợi mỗi người dân. Tránh tình trạng gọi điện, nhắn tin lừa đảo, đe dọa, khủng bố, quấy rối, phát tán thông tin độc hại... Việc chụp ảnh trực tiếp người đăng ký thuê bao sẽ đảm bảo đúng người, đúng thời gian, tránh tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký cùng lúc cho nhiều SIM khác. Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã có hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử như Mỹ, Đức, Nhật… và mỗi khi thực hiện đăng ký thông tin thuê bao, người dân cần xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp phải đối chiếu, xác nhận trên hệ thống này. Đồng thời, quy định này còn tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc triển khai các điểm đăng ký thông tin thuê bao của mình, hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn những đối tác để ủy quyền và sự tuân thủ quy định của pháp luật của các đối tác đó và phù hợp thông lệ quốc tế.
DIỄM THƯƠNG