Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 11.500 người chết vì tai nạn giao thông, riêng năm 2016 bình quân mỗi ngày có khoảng 24 người tử vong vì tai nạn giao thông khiến chúng ta không khỏi giật mình và đặt ra vấn đề đạo đức, trách nhiệm của người lái xe đang ở đâu.
Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 11.500 người chết vì tai nạn giao thông, riêng năm 2016 bình quân mỗi ngày có khoảng 24 người tử vong vì tai nạn giao thông khiến chúng ta không khỏi giật mình và đặt ra vấn đề đạo đức, trách nhiệm của người lái xe đang ở đâu.
|
Vụ tai nạn giao thông giữa hai xe khách tại huyện Di Linh làm hai người tử vong do lỗi của người điều khiển phương tiện. Ảnh Hữu Sang |
Thầy Phạm Công Bình, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, người trực tiếp dạy môn đạo đức người lái xe nhiều chục năm qua cho rằng: Đạo đức là vấn đề then chốt trong quá trình đào tạo người lái xe, nó vô cùng cần thiết cho người lái xe trong giai đoạn hiện nay. Bây giờ đường sá tốt, phương tiện tốt, nhận thức con người được nâng lên qua việc nắm bắt thông tin tuyên truyền qua nhiều kênh. Tuy nhiên, mọi người đều biết về luật, đều hiểu về luật nhưng có chấp hành đúng và có ý thức văn hóa, ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông hay không thì lại là chuyện đáng quan tâm. Đâu đó vẫn còn hiện tượng “vô cảm”, thiếu tôn trọng pháp luật, thiếu trách nhiệm với người đi đường. Vì vậy, muốn phát huy đạo đức của người lái xe, trước hết người lái xe ô tô cần nêu cao trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông trên đường, phải biết chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông và hơn thế cần có “trái tim” biết rung động khi gặp tình huống nguy hiểm trên đường, biết cứu người trên đường khi gặp nạn.
Lâm Đồng được biết đến là một trong những địa phương trong cả nước có chất lượng đào tạo lái xe ô tô khá toàn diện. Những năm 80 - 90, khi nói tấm bằng lái xe được đào tạo cấp phép ở Lâm Đồng thì người lái xe đó rất dễ đi xin được việc làm. Nói như thế để thấy chất lượng đào tạo lái xe của các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe Lâm Đồng và trong đó có Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt là tương đối uy tín và chất lượng. Một trong những yếu tố làm nên thương hiệu thì ngoài việc đào tạo về kỹ thuật lái xe ô tô, nghiệp vụ vận tải, luật giao thông, cấu tạo ô tô và sửa chữa thông thường... thì môn học về đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông luôn được Trung tâm đào tạo lái xe, Trường Cao đẳng nghề quan tâm, chú trọng. Môn học này không bổ sung kiến thức chuyên môn nhưng lại vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Nó góp phần tạo nên chất lượng toàn diện cho người lái xe. Giúp cho việc ứng xử văn hóa giữa người lái xe với người lái xe, giữa người lái xe với khách trên xe, khách đi đường trở nên văn minh hơn, thân thiện hơn.
Khi người lái xe hội đủ kiến thức về đạo đức nghề nghiệp thì khi đó việc giao tiếp với đồng nghiệp, bạn bè cũng khác, đi theo hướng tích cực, trách nhiệm sẽ được nâng cao, theo đó tư cách nghề nghiệp cũng được nâng lên, lương tâm của người lái xe sẽ được chú trọng, dẫn đến việc ứng xử có văn hóa khi người lái xe tham gia giao thông trên đường.
Để có được đạo đức nghề nghiệp, người lái xe phải qua quá trình rèn luyện, thử thách. Nghề lái xe cũng có những đặc điểm khác biệt so với nhiều nghề khác. Ví dụ như nơi làm việc của người lái xe không cố định, nay đây mai đó. Quá trình làm việc phải luôn đòi hỏi sự tập trung cao độ, căng thẳng, hệ số rủi ro lớn. Vì vậy, quan niệm “đã lái xe thì phải lái cho giỏi, nếu không giỏi không nên cầm vô lăng” vì là nghề rất nguy hiểm, liên quan đến trách nhiệm trong việc bảo vệ hành khách, trách nhiệm giữ gìn xe an toàn, giữ gìn tính mạng và sức khỏe cho hành khách, cho người đi đường.
Vì vậy, trong giai đoạn xã hội hiện đại và phát triển từng giờ như hiện nay, việc trau dồi, rèn luyện đạo đức người lái xe để phát huy trách nhiệm là vô cùng cần thiết. Mỗi người lái xe cần xác định rõ phương châm, lẽ sống mà mình cần hướng đến. Đó là sự hướng thiện, là cái tâm của mỗi người lái xe. Muốn vậy, người lái xe nhất thiết phải hướng đến hành động theo chuỗi các hệ thống quy tắc ứng xử nhằm đáp ứng tốt các chuẩn mực xã hội. Đó là hành động, suy nghĩ phải luôn nằm trong phạm trù tốt - xấu, thiện - ác, lương tâm, danh dự, tình yêu - hạnh phúc, nhân cách con người… chỉ khi đặt ra các phạm trù đó người lài xe sẽ hành xử đúng mực, có văn hóa và đảm bảo an toàn cho khách, cho người đi đường.
Thầy Phạm Công Bình chia sẻ với chúng tôi: Thầy chỉ mong muốn ngoài việc nâng cao tay nghề, kiến thức sử dụng xe đời mới, thì trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp là điều mà mỗi người lái xe cần chú ý. Khi ra đường phải nhường nhịn và chấp hành luật giao thông, như thế sẽ góp phần giảm bớt tai nạn giao thông, góp phần nâng cao nét đẹp văn hóa giao thông trong cộng đồng.
NGUYỆT THU