Doanh nghiệp hỏi - ngành Thuế trả lời

09:07, 17/07/2017

Nội dung cơ bản của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết và Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP?

HỎI:
 
Nội dung cơ bản của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết và Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP?
 
TRẢ LỜI: 
 
Ngày 24/2/2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP “Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết” (thường gọi là chống chuyển giá) và Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP”; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017. 
 
Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được ban hành nằm trong khuôn khổ chung về kế hoạch hành động, cải cách về thuế trong xu hướng toàn cầu hóa của các nước đang phát triển và hội nhập quốc tế; đánh dấu bước quan trọng của ngành Thuế Việt Nam trong chống né thuế của các doanh nghiệp thực hiện việc chuyển giá. Mục đích của Nghị định này là chống chuyển giá tại việt Nam, tăng cường tính minh bạch trong các giao dịch liên kết, đồng thời cũng làm tăng gánh nặng về tính tuân thủ thuế của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có các công ty con. 
 
Cục Thuế Lâm Đồng (Phòng TT-HT NNT) giới thiệu tóm tắt một số nội dung cơ bản của Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Thông tư 41/2017/TT-BTC như sau: 
 
1. Nghị định quy định 6 Bộ và UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm trong việc Quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:
 
- Bộ Tài chính (trách nhiệm lớn nhất - mà cụ thể là Cơ quan Thuế)
 
- Ngân hàng Nhà nước
 
- Bộ Kế hoạch - Đầu tư
 
- Bộ Khoa học - Công nghệ
 
- Bộ Thông tin - Truyền thông
 
- Bộ Công thương
 
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
 
(Trước đây trách nhiệm này chủ yếu là giao cho Bộ Tài chính, cụ thể là Cơ quan Thuế).
 
2. Nguyên tắc “giao dịch độc lập” và “bản chất quyết định hình thức”: Khái niệm này được đưa ra và xem như là nguyên tắc chính yếu để Cơ quan Thuế kiểm tra, kiểm soát, kết luận.
 
3. Định nghĩa giao dịch liên kết và quy định các bên liên kết:
 
3.1. “Giao dịch liên kết” là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận sử dụng chung nguồn lực như hợp lực, hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.
 
3.2. Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:
 
(a) Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
 
(b) Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
 
Các bên liên kết tại khoản 1 Điều 5 được quy định cụ thể như sau:
 
(1) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
 
(2) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
 
3) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;
 
(4) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
 
(5) Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai;
 
(6) Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;
 
(7) Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu, ông nội, bà nội, cháu nội, ông ngoại, bà ngoại, cháu ngoại, cô, chú, bác, cậu, dì ruột và cháu ruột;
 
(8) Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
 
(9) Một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp;
 
(10) Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp kia.
 
4. Hồ sơ kê khai: Hồ sơ chuyển giá phải lập trước thời điểm lập quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm theo Mẫu 01 ban hành theo Nghị định này và phải nộp cùng tờ khai quyết toán năm. Các hồ sơ kèm theo như: Mẫu 02, 03, 04 và tài liệu khác… phải lưu giữ tại đơn vị, khi Cơ quan Thuế yêu cầu thì doanh nghiệp phải cung cấp trong vòng 15 ngày. Các công ty tư vấn về thuế, đại lý thuế, các công ty kiểm toán độc lập được phép lập hồ sơ về chuyển giá cho các doanh nghiệp.
 
Lưu ý: Trong hồ sơ kê khai chuyển giá, doanh nghiệp chỉ được phép điều chỉnh tăng số thuế phải nộp, không điều chỉnh giảm số thuế phải nộp. Mẫu hồ sơ trong Nghị định lần này có nhiều nội dung mới, tiêu chí mới hơn như: hồ sơ quốc gia, hồ sơ toàn cầu, báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (giao Bộ Tài Chính hướng dẫn nội dung ghi thông tin).
 
5. Doanh nghiệp miễn lập hồ sơ chuyển giá: (nội dung này là hoàn toàn mới so với trước đây - Thông tư 66/2010/TT-BTC)
 
- Doanh nghiệp có phát sinh liên kết nhưng tổng doanh thu trong kỳ dưới 50 tỷ đồng và giá trị giao dịch liên kết dưới 30 tỷ đồng.
 
- Doanh nghiệp có ký thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá (APA - Advance Pricing Arrangement).
 
- Doanh nghiệp kinh doanh đơn giản, trong năm có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, có tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu ít nhất như sau: phân phối 5%, sản xuất 10%, gia công 15%.
 
6. Phân tích so sánh trong phát sinh giao dịch liên kết:
 
- Phân tích so sánh tổng thể đến chi tiết đề cao tính tuân thủ nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức”.
 
- Dữ liệu năm tài chính của các đối tượng so sánh độc lập phải cùng năm tài chính với doanh nghiệp nộp thuế. Tuy nhiên, dữ liệu hiện hành chưa cập nhật thì có thể mở rộng thêm, nhưng không quá một năm trở về trước.
 
- Số lượng mẫu phân tích so sánh là một hoặc ba hoặc năm đối tượng để so sánh phân tích, tùy theo sự khác biệt, sự tương đồng của từng mẫu chọn so sánh.
 
- Các trường hợp đặc biệt khó khăn trong tìm kiếm mẫu so sánh thì được mở rộng phạm vi so sánh từ phân tích tổng thể đến chi tiết, từ dữ liệu năm tài chính đến số mẫu chọn.
 
7. Phương pháp xác định giá trong giao dịch liên kết: Có 3 phương pháp:
 
(1) Phương pháp so sánh giá giao dịch liên kết với giá giao dịch độc lập.
 
(2) Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận của người nộp thuế với tỷ suất lợi nhuận của các đối tượng so sánh độc lập, gồm:
 
- So sánh tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu (phương pháp giá bán lại)
 
- So sánh tỷ suất lợi nhuận gộp trên giá vốn (phương pháp giá vốn cộng lãi) 
 
- Phương pháp so sánh tỷ suất lợi nhuận thuần
 
(3) Phương pháp phân bổ lợi nhuận giữa các bên liên kết
 
(không có PP giá bán lại và PP giá vốn cộng lãi như TT 66/2010/TT-BTC) 
 
8. Quyền hạn ấn định thuế của cơ quan thuế trong phát sinh giao dịch liên kết: Cơ quan Thuế có quyền ấn định mức giá, tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ phân bổ lợi nhuận hoặc thu nhập chịu thuế hoặc số thuế phải nộp đối với doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
 
(1) Đối với doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ: Việc ấn định doanh thu, chi phí hoặc thu nhập chịu thuế để xác định nghĩa vụ thuế được thực hiện theo các nguyên tắc phân tích so sánh, phương pháp xác định giá giao dịch liên kết và cơ sở dữ liệu sử dụng trong quản lý giá giao dịch liên kết quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP, Thông tư 41/2017/TT-BTC.
 
(2) Các trường hợp khác: Việc ấn định thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của Cơ quan Thuế theo quy định về ấn định thuế đối với doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ hoặc các quy định xử lý vi phạm về thuế.
 
(3) Cơ quan thuế có quyền ấn định về (i) Mức giá, (ii) Tỷ suất lợi nhuận, (iii) Tỷ lệ phân bổ lợi nhuận đối với trường hợp người nộp thuế có các hành vi vi phạm pháp luật về xác định giá giao dịch liên kết sau đây:
 
- Không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ mẫu 01 (ban hành kèm Nghị định 20/2017/NĐ-CP).
 
- Không cung cấp hồ sơ xác định giao dịch liên kết, cụ thể là mẫu 02, 03 (ban hành kèm Nghị định 20/2017/NĐ-CP).
 
- Không kê khai trung thực trong các giao dịch liên kết hoặc sử dụng dữ liệu chứng minh không hợp pháp, không đúng thực tế.
 
- Có hành vi vi phạm các quy định về xác định giá giao dịch liên kết tại Điều 11 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
 
- Không cung cấp hồ sơ cho cơ quan thuế theo đúng thời hạn mà cơ quan yêu cầu theo nội dung Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định.
 
9. Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các nội dung được giao tại Điều 15, Nghị định 20/2017/NĐ-CP, gồm Điều 6 (phân tích so sánh), Điều 7 (các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết), Điều 10 (nghĩa vụ kê khai, xác định giá giao dịch liên kết), Điều 11 (các trường hợp được miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết) và hướng dẫn công thức tính hàm tứ phân vị, khoảng giao dịch độc lập chuẩn và giá trị trung vị được xác định theo hàm Quartile trong Microsoft Excel, có ví dụ cụ thể; hướng dẫn chi tiết về ghi thông tin “Mẫu số 1-Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết” và “Mẫu số 4-Kê khai thông tin báo cáo lợi nhuận liên quốc gia” được giao tại Khoản 8 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
 
Chi tiết Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Thông tư 41/2017/TT-BTC đề nghị xem toàn văn tại Website Cục Thuế Lâm Đồng, địa chỉ: http://lamdong.gdt.gov.vn.
 
CỤC THUẾ TỈNH LÂM ĐỒNG