Ngày 23/6/2017, TAND huyện Đức Trọng chuyển hồ sơ vụ án "Không trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)" của xã Phú Hội đối với bà Nguyễn Thị Thanh Hảo ở nhà 28, tổ 20, Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, với thời hạn đưa vụ án hành chính ra xét xử sơ thẩm vào ngày 4/7/2017...
Ngày 23/6/2017, TAND huyện Đức Trọng chuyển hồ sơ vụ án “Không trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)” của xã Phú Hội đối với bà Nguyễn Thị Thanh Hảo ở nhà 28, tổ 20, Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, với thời hạn đưa vụ án hành chính ra xét xử sơ thẩm vào ngày 4/7/2017. Thế nhưng, sau khi nhận được hồ sơ vụ án của TAND huyện, VKSND huyện Đức Trọng đã có văn bản yêu cầu hoãn phiên tòa, nhằm triệu tập đầy đủ các cơ quan chức năng của huyện với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, theo đơn khởi kiện bổ sung của luật sư được thân chủ ủy quyền theo luật định dẫn đến vụ việc kéo dài...
Theo hồ sơ vụ án, năm 1988, vợ chồng ông Nguyễn Quốc Huy và Phan Thị Hương được chính quyền địa phương cấp đất làm nhà ở tại thửa đất 327, tờ bản đồ số 13, thôn Phú An, xã Phú Hội. Sau đó năm 1991, gia đình ông Huy làm một ngôi nhà ván trên lô đất nói trên và đến ngày 2/5/1994, vợ chồng ông Huy lập “Giấy chuyển nhượng nhà đất”, sang nhượng lại ngôi nhà ván và một phần lô đất (nay là thửa đất 914, tờ bản đồ số 28), có diện tích 280 m2 cho bà Nguyễn Thị Thanh Hảo. Việc sang nhượng này đã được UBND xã Phú Hội xác nhận. Ngày 22/3/1995, ông Huy và bà Hảo đến đăng ký đất đai tại UBND xã Phú Hội. Ngày 12/4/1996, gia đình ông Huy được cấp GCNQSDĐ phần đất còn lại sau khi đã sang nhượng cho bà Hảo 280 m2, với diện tích 464 m2, trong đó có 400 m2 đất xây dựng theo quy định hạng mức đất ở nông thôn. Cũng như gia đình ông Huy, ngày 15/5/2001, gia đình bà Hảo cũng được cấp GCNQSDĐ, với diện tích 246 m2 đất ở nông thôn, nhưng sau đó bị thu hồi bởi các lý do: Ghi sai thời điểm chuyển nhượng, tên đăng ký không đúng với họ tên của bà Hảo, sổ đỏ cấp cả phần diện tích đất chưa được đo đạc bản đồ địa chính, không có hồ sơ chỉnh lý biến động theo quy định.
Ngày 7/5/2014, bà Nguyễn Thị Thanh Hảo tiếp tục lập thủ tục kê khai, đăng ký đất để xin cấp GCNQSDĐ đối với đất và hạng mức đất ở nông thôn tại thửa đất 914, tờ bản đồ số 28. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (CNVPĐKĐĐ) tiến hành kiểm tra, chuyển Phòng TN-MT thẩm tra, tham mưu UBND huyện Đức Trọng ban hành Quyết định số 1009/QĐ-UBND-ĐĐ ngày 19/5/2014 và đã viết phôi GCNQSDĐ số BS 785165 và chuyển thông tin địa chính cho Chi cục Thuế. Ngày 20/5/2014, Chi cục thuế Đức Trọng ban hành Thông báo số 1602/CCT-TB về việc nộp tiền sử dụng đất (SDĐ) và lệ phí trước bạ nhà đất đối với bà Nguyễn Thị Thanh Hảo với số tiền 901.895.040 đồng, trong đó tiền SDĐ 897.408.000 đồng, tiền lệ phí trước bạ 4.487.040 đồng. Không đồng ý với số tiền sử dụng đất phải nộp nói trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hảo đã khởi kiện tại TAND tỉnh Lâm Đồng. Thế nhưng, căn cứ vào việc Chi cục Thuế Đức Trọng đồng ý hủy Quyết định thông báo nộp tiền SDĐ số 1602/CCT-TB, Chi cục Thuế đề nghị CNVPĐKĐĐ chuyển lại thông tin địa chính để xác định lại nghĩa vụ tài chính đối với gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hảo và bà Hảo đồng ý rút đơn khởi kiện, ngày 9/3/2016, TAND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 06/2016/QĐST-HC đình chỉ vụ án.
Sau một thời gian dài giải quyết xong tranh chấp đất đai giữa gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hảo và gia đình ông Ha Duyên ở bên cạnh, đồng thời xác định lại nghĩa vụ tài chính đối với gia đình bà Hảo, ngày 24/5/2017, Chi cục Thuế Đức Trọng ban hành Thông báo nộp tiền SDĐ và lệ phí trước bạ nhà đất” số 3897/CCT-TB. Theo đó, gia đình bà Hảo phải làm nghĩa vụ tài chính 188.829.600 đồng, trong đó, tiền SDĐ 186.960.000 đồng, tiền lệ phí trước bạ 1.869.600 đồng.
Không đồng ý với thông báo nộp tiền SDĐ của Chi cục Thuế Đức Trọng, bởi theo bà Nguyễn Thị Thanh Hảo: Theo quy định của Luật Đất đai 2013, thuế SDĐ đối với gia đình bà phải bằng 0, bởi lẽ: Lô đất mà gia đình bà sang nhượng lại có nguồn gốc đất ở, sử dụng hợp pháp từ năm 1988, nghĩa là trước thời điểm 15/10/1993 theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì không phải làm nghĩa vụ tài chính về SDĐ.
Đồng thời, căn cứ điểm 2a, mục III, phần A, Thông tư số 117/2004/TT-BTC ngày 7/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 198/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về thu tiền SDĐ quy định: “Trong trường hợp đất đã được sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993 không có tranh chấp thì không phân biệt người xin cấp sổ đỏ là người đã sử dụng trước ngày 15/10/1993, hay là người sử dụng đất sau ngày 15/10/1993 do nhận chuyển nhượng, thừa kế, hiến tặng... Khi được cấp sổ đỏ đều không phải nộp tiền SDĐ”. Xuất phát từ việc bà Nguyễn Thị Thanh Hảo không đồng ý nộp tiền SDĐ, UBND xã Phú Hội không tiến hành trao giấy CNQSDĐ cho gia đình bà Hảo, bà Hảo quyết định khởi kiện việc UBND xã Phú Hội không trao GCNQSDĐ cho gia đình bà ra TAND huyện Đức Trọng và TAND huyện Đức Trọng đã quyết định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 4/7/2017 là đúng luật (bởi thời hạn đầu cho phép 4 tháng và 2 tháng gia hạn). Thế nhưng, trong hồ sơ của TAND huyện Đức Trọng chuyển cho VKSND huyện vào ngày 23/6/2017, không thể hiện tập hồ sơ khởi kiện bổ sung của luật sư Nguyễn Hồng Phước - người được bà Hảo ủy quyền với yêu cầu phải triệu tập các ngành chức năng của huyện như Phòng TN - MT, CNVPĐKĐĐ, Chi cục Thuế Đức Trọng tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nên VKSND huyện yêu cầu hoãn phiên tòa, để triệu tập đầy đủ các cơ quan chức năng liên quan nói trên.
Xung quanh vấn đề này có điều đáng lưu ý là: Tại buổi đối thoại lần đầu giữa UBND xã Phú Hội và luật sư Nguyễn Hồng Phước, đã thống nhất sẽ đưa các cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng gồm: Chi cục Thuế, Phòng TN-MT, CNVPĐKĐĐ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng sau khi Chi cục Thuế gửi thông báo thuế cho TAND huyện, thì TAND huyện lại không mời các cơ quan chức năng nói trên tham gia hòa giải là trái với quy định của luật. Đặc biệt, trong hồ sơ chuyển cho VKSND huyện, TAND huyện Đức Trọng không thể hiện tập hồ sơ khởi kiện bổ sung của luật sư Nguyễn Hồng Phước với yêu cầu phải triệu tập các cơ quan chức năng huyện tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trước thực tế đó, VKSND huyện Đức Trọng đã yêu cầu TAND huyện bổ sung tập hồ sơ khởi kiện bổ sung của luật sư Nguyễn Hồng Phước vào hồ sơ vụ án, nhưng không được TAND huyện Đức Trọng chấp thuận, khiến VKSND huyện phải xin ý kiến chỉ đạo của VKSND tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, vụ việc cứ vòng vo kéo dài nên rất cần sự thống nhất, khách quan trong quá trình giải quyết vụ việc của cơ quan tư pháp huyện.
HOÀNG VƯƠNG MỸ