Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã có 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, 114 phiếu chất vấn với 127 câu hỏi chất vấn của các ĐBQH gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ...
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã có 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, 114 phiếu chất vấn với 127 câu hỏi chất vấn của các ĐBQH gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ. Trong đó, những ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri Lâm Đồng đã được các vị ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chất vấn trực tiếp và gửi câu hỏi đến cơ quan có thẩm quyền.
Ngay sau kỳ họp, mọi ý kiến thắc mắc đều đã được giải quyết và trả lời bằng văn bản cụ thể. Điều này cho thấy, Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ và thẳng thắn. Tiếng nói của cử tri đã đến được với cơ quan tối cao nhất và đã được quan tâm, giải quyết, phần nào đáp ứng mong đợi và củng cố niềm tin trong nhân dân.
|
Đại biểu Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia đóng góp ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: N.T |
Người nghèo được ưu đãi về thủ tục và điều kiện vay vốn
Hầu hết các câu hỏi chất vấn xoay quanh những vấn đề quan trọng, nổi cộm, phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng, những bức xúc từ cơ sở. Tại kỳ họp thứ 3, ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã thẳng thắn chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng về những vấn đề cử tri Lâm Đồng đặc biệt quan tâm: “Cử tri đề nghị giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), vì hiện nay, lãi suất của NHCSXH là 6,2%, còn các ngân hàng thương mại là 6,7%. Trong khi đó đối tượng cho vay của NHCS phần lớn là hộ nghèo, mức cho vay lại khống chế”.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến tháng 4/2017, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, số tiền cam kết cho vay theo chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là 975,3 tỷ đồng với dư nợ là 906,3 tỷ đồng (1.670 khách hàng cá nhân, 5 doanh nghiệp; trong đó, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 889 tỷ đồng, chiếm khoảng 98,1% tổng dư nợ, 100% vay trung hạn, dài hạn, dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 17,3 tỷ đồng. |
Trả lời cho đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Lâm Đồng và cử tri Lâm Đồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước luôn chủ động phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan nghiên cứu, xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhằm giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách giảm chi phí vốn vay, phục vụ sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Theo đó, từ 2013 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định giảm lãi suất như: giảm lãi suất cho vay hộ nghèo từ 7,8%/năm xuống 6,6%/năm. Đối với hộ cận nghèo giảm từ 10,14% xuống 7,92%. Lãi suất cho vay theo Chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn giảm từ 10,8%/năm xuống mức 9,0%/năm. Lãi suất cho vay của các chương trình áp dụng cho toàn bộ các khoản vay từ ngắn hạn tới trung, dài hạn.
Theo báo cáo của NHCSXH, tỷ trọng cho vay trung, dài hạn của tất cả các chương trình tín dụng ưu đãi hiện nay chiếm 99% trong tổng dư nợ của NHCSXH. Như vậy, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách bằng khoảng 60% lãi suất tối đa cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại là mức lãi suất hợp lý. Việc điều chỉnh lãi suất cho vay phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, để đảm bảo tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, các chương trình tín dụng ưu đãi NHCSXH sẽ thực hiện theo hướng giảm dần ưu đãi về lãi suất và được thay thế bằng các hình thức ưu đãi về thủ tục, về quy trình và điều kiện vay vốn, vừa tạo điều kiện cho đối tượng được tiếp cận nguồn vốn đơn giản, thuận tiện, hiệu quả, vừa giảm bớt gánh nặng lên ngân sách nhà nước theo đúng định hướng chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Người dân tiếp tục được tiếp cận vốn vay phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Tiếp tục nêu lên vấn đề cử tri Lâm Đồng quan tâm, đại biểu Nguyễn Tạo đã kiến nghị: “Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang quan tâm, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế nhưng đòi hỏi số vốn lớn. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần có chính sách giảm lãi suất và kéo dài thời gian vay để tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao”.
Tiếp tục trả lời về kiến nghị trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiếp thu và trả lời ý kiến kiến nghị xác đáng, thiết thực của cử tri và nhân dân Lâm Đồng: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những định hướng và giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện Quyết định số 14 năm 2014 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định 1050 về Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Việc triển khai thí điểm là cơ sở để ban hành Nghị định 55 ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và Thông tư số 10 ngày 22/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện nghị định. Theo đó, khách hàng vay vốn ứng dụng công nghệ cao, có mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp được hưởng chính sách khuyến khích, hỗ trợ cao nhất trong các đối tượng vay thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, bao gồm cơ chế đặc thù và tài sản đảm bảo, thời gian khoanh nợ và được xem xét xóa nợ (các đối tượng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn khác không được xem xét xóa nợ). Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn là 7%/năm, thấp hơn 1- 1,5%/năm so với lĩnh vực thông thường. Để khuyến khích, tạo điều kiện hơn nữa, NHNN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định 813 ngày 24/7/2017 hướng dẫn các ngân hàng thương mại cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng mong muốn, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng phối hợp với ngành ngân hàng trên địa bàn phổ biến thông tin về chương trình vay này đến cử tri trong tỉnh để cử tri và nhân dân có thể tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao trong nông nghiệp.
NGUYỆT THU