Cùng với cả nước thực hiện chiến dịch lập lại trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông cho người đi bộ trên vỉa hè, TP Đà Lạt đã có nhiều chuyển biển tích cực sau 3 tháng ra quân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là "hè" đã thông, nhưng đường lại chưa "thoáng".
Cùng với cả nước thực hiện chiến dịch lập lại trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông cho người đi bộ trên vỉa hè, TP Đà Lạt đã có nhiều chuyển biển tích cực sau 3 tháng ra quân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là “hè” đã thông, nhưng đường lại chưa “thoáng”.
|
Xe ô tô không đậu đỗ trên vỉa hè mà đậu xuống lề đường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tham gia giao thông chạy xe máy và xe ô tô trên đường tại đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: D.Thương |
Xử lý xe máy còn “bỏ ngỏ”
Với sự quyết liệt của các lực lượng chức năng, chiến dịch “giành lại vỉa hè” cho người đi bộ đã đem lại những chuyển biến lớn tại TP Đà Lạt. Tại các tuyến đường trung tâm hầu như không còn xuất hiện tình trạng đậu đỗ xe lên vỉa hè, các hoạt động lấn chiềm vỉa hè để kinh doanh giảm đáng kể so với trước đây. Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Đà Lạt cho biết: “Sau 3 tháng ra quân và xử lý mạnh tay, ý thức của người dân và người tham gia giao thông đã thay đổi rõ rệt. Nếu như trong 2 tháng đầu khi bắt đầu ra quân lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp cùng công an các phường, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động xử lý trên 100 trường hợp vi phạm, thì thời gian gần đây, số trường hợp vi phạm đã giảm đi rất nhiều. Điều này chứng tỏ người dân đã bắt đầu ý thức và không đậu xe lên vỉa hè nữa”.
Theo khảo sát thực tế của phóng viên, tình trạng xe ô tô đậu lên vỉa hè hầu như không còn xảy ra. Tuy nhiên, việc xe máy dựng tràn lan trên các vỉa hè vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, các lực lượng chức năng chỉ đa phần tập trung xử lý các phương tiện ô tô, còn xe máy vẫn chưa giải quyết triệt để.
Tại các trục đường có vỉa hè hẹp như đường Ba tháng Hai, đường Bùi Thị Xuân, khu Hòa Bình, Hải Thượng Lãn Ông, Hai Bà Trưng… tình trạng xe máy dựng trên vỉa hè vẫn xảy ra rất nhiều, người đi bộ phải đi xuống đường khi qua các đoạn đường bị xe máy lấn chiếm.
Anh P.T.H.Viên (người dân ở đường Hai Bà Trưng, Phường 6, TP Đà Lạt) chia sẻ: Các đoạn đường có vỉa hè nhỏ, nhà cửa của người dân xây dựng sát lộ giới quy định nên khoảng sân nhỏ hoặc không có, đa phần các hộ đều tận dụng diện tích để kinh doanh như đường Hai Bà Trưng này chẳng hạn. Gần đây, việc các lực lượng chức năng xử lý nghiêm để lập lại trật tự vỉa hè thì người dân đều hoan nghênh, nhưng tôi thấy chỉ mới tập trung xử lý xe ô tô, còn xe máy trước nay vẫn xử lý nếu vi phạm nhưng chưa quyết liệt.
Hè “thông” đường chưa “thoáng”
Một vấn đề đặt ra trong việc lập lại trật tự văn minh đô thị, an toàn giao thông cho người đi bộ mà phóng viên ghi nhận được nữa đó là trình trạng: Khi vỉa hè đã không còn bị lấn chiếm thì xe ô tô lại đậu đỗ bên dưới lòng đường. Với đặc thù nhiều tuyến đường nhỏ, xe ô tô đậu dưới cả hai bên lòng đường thì người dân vẫn khổ sở với câu chuyện “hè thông đường chưa thoáng”.
Một ví dụ điển hình đó là đoạn đường Nguyễn Chí Thanh (Phường 1, TP Đà Lạt) với đặc thù hai bên đường là các quán cà phê và khách sạn, cơ sở lưu trú, từ khi lực lượng chức năng xử lý quyết liệt, các xe ô tô không còn đậu trên vỉa hè mà đậu đỗ hai bên lòng đường, đoạn đường nhỏ, xe đậu hai bên đường thành dãy dài, chỉ còn vừa đủ cho một chiếc xe ô tô “lọt” qua, còn người đi xe máy thì chen lấn không biết đi đường nào mới đúng phần đường của mình. Bà L.T. Nga (đường Nguyễn Chí Thanh, Phường1) cho biết: Từ khi cấm đậu vỉa hè, xe đoàn 50 chỗ, xe du lịch, xe 5 chỗ… đậu hết xuống đường, trong khi đường thì nhỏ, xe đậu hai bên gây mất trật tự. Ngày nào vào giờ cao điểm đoạn trước các quán cà phê (Nghệ Sỹ, Phố Hoa, Len…) đều kẹt xe nghiêm trọng, chuyện va quẹt giữa hai xe hơi hay xe máy và xe hơi vì “lách đường” để đi thường xuyên xảy ra”.
Tại các tuyến đường Phan Bội Châu, Ba Tháng Hai… cũng xảy ra tình trạng tương tự, các xe lớn đậu xuống lòng đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông.
Vẫn biết, xử lý mạnh tay, quyết tâm lập lại an toàn giao thông cho người đi bộ là câu chuyện dài hơi, cần sự vào cuộc của toàn xã hội. Và, không chỉ ngành chức năng mà ý thức của người dân, người tham gia giao thông mới là điều quan trọng để duy trì thành thói quen, xây dựng một “nề nếp” văn minh ở thành phố du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề nổi lên cần có sự quan tâm của các ngành, chính quyền thành phố trong việc quy định, quy hoạch bãi đậu xe một cách hợp lý, đảm bảo đường thông hè thoáng, trật tự an toàn giao thông cho người đi bộ và tất cả các phương tiện tham gia giao thông.
DIỄM THƯƠNG