Việc làm nhỏ, tác dụng lớn

09:07, 25/07/2017

Xác định việc phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, đầu mùa hè năm nay, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền, triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, việc rà soát, lắp đặt biển cảnh báo đuối nước tại các ao hồ, sông suối tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước cho bản thân, gia đình và xã hội.

Xác định việc phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, đầu mùa hè năm nay, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền, triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, việc rà soát, lắp đặt biển cảnh báo đuối nước tại các ao hồ, sông suối tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống đuối nước cho bản thân, gia đình và xã hội.
 
Xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) triển khai cắm biển cảnh báo đuối nước. Ảnh: Khánh Phúc
Xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) triển khai cắm biển cảnh báo đuối nước. Ảnh: Khánh Phúc
Xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) là địa phương có nhiều ao hồ, sông suối tự nhiên. Đây cũng là địa phương có đến hơn 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nên cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ cho trẻ em vui chơi, giải trí trong mỗi dịp hè về còn nhiều thiếu thốn là lý do khiến trẻ em đồng bào DTTS ở xã Lộc Tân thường xuyên rủ nhau ra ao hồ, sông suối tắm và chơi đùa trong những ngày hè. Theo số liệu thống kê của chính quyền địa phương nơi đây, trong 3 năm gần đây, trên địa bàn xã đã xảy ra 3 vụ đuối nước khiến 6 em học sinh tử vong. Vụ đuối nước tại xã Lộc Tân gần đây nhất xảy ra vào cuối tháng 11/2016, khiến 3 em học sinh tử vong thương tâm. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các vụ trẻ em bị đuối nước xảy ra trên địa bàn xã Lộc Tân thì bên cạnh sự chủ quan và thiếu kiến thức, kỹ năng bơi lội thì có nhiều vụ đuối nước xảy ra do nạn nhân thiếu thông tin cảnh báo. 
 
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Tân cho biết: “Chúng tôi xác định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em xảy ra trên địa bàn là do thiếu thông tin cảnh báo. Ngay từ đầu mùa hè năm nay, UBND xã đã tiến hành khảo sát các “điểm đen” tại các ao hồ, sông suối thường xảy ra tai nạn đuối nước để triển khai lắp đặt các biển cảnh báo nguy hiểm. Đến nay, xã đã cắm được 15 biển cảnh báo đuối nước tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; đồng thời, chỉ đạo lực lượng công an, dân quân và Đoàn Thanh niên xã bố trí người theo dõi, kiểm tra tại các ao hồ mà trẻ em thường tắm để nhắc nhở và kịp thời xử lý khi có tình huống, sự cố xảy ra”.
 
Cũng giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, TP Bảo Lộc có hệ thống ao hồ, sông suối nằm trải đều khắp địa bàn 11 xã, phường. Để phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ, ngay từ đầu mùa hè năm nay, TP Bảo Lộc đã đẩy mạnh việc tuyên truyền và triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Đặc biệt, thời gian qua, UBND TP Bảo Lộc đã chỉ đạo các xã, phường trích kinh phí từ 10 - 15 triệu đồng/đơn vị để đầu tư lắp đặt hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm tại các ao hồ, sông suối tiềm ẩn nhiều nguy cơ. 
 
Ông Nghiêm Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc cho hay: “Chúng tôi xác định, để phòng, chống đuối nước, ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng bơi cho trẻ thì việc cung cấp những thông tin cảnh báo cho người dân là rất cần thiết. Vì vậy, từ đầu tháng 5/2017, TP đã có văn bản chỉ đạo các phường, xã triển khai khảo sát và cắm biển cảnh báo đuối nước tại các ao hồ, sông suối trên địa bàn. Qua kiểm tra, 11/11 xã, phường trên địa bàn đã thực hiện rất tốt chủ trương của UBND TP. Hiện, toàn TP đã lắp đặt được hơn 200 biển cảnh báo đuối nước tại các nơi có nguy cơ trẻ em dễ bị đuối nước ở các ao hồ, sông suối”.
 
Còn tại xã Phước Lộc (huyện Đạ Huoai), nơi có sông Đạ M’ri chảy qua, với nhiều khúc sông sâu nước chảy xiết rất nguy hiểm thì có trên 92% dân số là người đồng bào DTTS gốc Châu Mạ. Để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa đuối nước cho trẻ, xã Phước Lộc đã trích kinh phí hơn 15 triệu đồng làm mới hơn 20 biển cảnh báo đuối nước. Các biển cảnh báo này, được địa phương cắm tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước trên sông Đạ M’ri. Chị K’Nền (35 tuổi, ngụ thôn Phước An, xã Phước Lộc) chia sẻ: “Sống gần sông Đạ M’ri, nên hàng ngày trẻ con trong thôn chúng tôi thường ra sông tắm. Trước đây, cứ ra sông là bọn trẻ lại nhảy xuống bất cứ chỗ nào cho dù sâu hay cạn. Nhưng hơn 1 tháng nay, từ khi xã cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khúc sông sâu thì bà con chúng tôi đã nhắc nhở, nên bọn trẻ không dám tắm ở những chỗ nước sâu nữa. Có biển cảnh báo nguy hiểm, người dân chúng tôi thấy yên tâm hơn khi đưa con mình ra sông tắm”.
 
Tin rằng, việc cắm biển cảnh báo đuối nước là việc làm dù nhỏ nhưng sẽ có hiệu quả cao. Bởi qua hệ thống biển báo sẽ nhắc nhở thường xuyên và tác động trực tiếp tới nhận thức của mỗi người dân; đồng thời, cảnh báo rõ nguy cơ ở từng điểm cụ thể để mỗi người dân tự nâng cao ý thức bảo vệ mình và nhắc nhở gia đình, cộng đồng cùng phòng tránh hiểm họa đuối nước.
 
KHÁNH PHÚC