Gần 7 năm qua, kể từ ngày UBND TP Bảo Lộc ban hành Quyết định số 2230/QÐ - UBND ngày 29/12/2010 quy hoạch Dự án đất dịch vụ, thương mại du lịch đến nay, hơn 150 hộ dân ở Thôn 2 và Thôn 3 (xã Ðam B'ri, TP Bảo Lộc) phải sống trong cảnh tạm bợ với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn không được giải quyết bởi… vướng quy hoạch.
Gần 7 năm qua, kể từ ngày UBND TP Bảo Lộc ban hành Quyết định số 2230/QÐ - UBND ngày 29/12/2010 quy hoạch Dự án đất dịch vụ, thương mại du lịch đến nay, hơn 150 hộ dân ở Thôn 2 và Thôn 3 (xã Ðam B’ri, TP Bảo Lộc) phải sống trong cảnh tạm bợ với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn không được giải quyết bởi… vướng quy hoạch.
|
Một phần Khu quy hoạch Dự án đất dịch vụ, thương mại du lịch tại Thôn 2 và Thôn 3 (xã Đam B’ri). Ảnh: Hải Ðường |
Bất lợi đủ đường
Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi đã có mặt tại Thôn 2 và Thôn 3 (xã Đam B’ri) để tìm hiểu về những khó khăn mà bà con đang gặp phải bởi quy hoạch Dự án đất dịch vụ, thương mại du lịch. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu quy hoạch Dự án có tổng diện tích hơn 50 ha để xây dựng phân hiệu của 2 trường đại học (Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Đà Lạt). Cùng với đó, khu quy hoạch còn được TP Bảo Lộc hướng tới xây dựng khu nghỉ dưỡng để phục vụ phát triển thương mại du lịch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã xây dựng phân hiệu tại phường Lộc Tiến. Trong khi đó, Trường Đại học Đà Lạt hiện không có nhu cầu xây dựng phân hiệu. Còn việc xây dựng khu thương mại du lịch thì đến nay chưa có nhà đầu tư nên Dự án không thể triển khai.
Theo thống kê của chính quyền địa phương, hiện đang có hơn 150 hộ dân thuộc Thôn 2 và Thôn 3 nằm trong vùng quy hoạch (riêng Thôn 2 có hơn 120 hộ). Ông Phạm Quang Vịnh, Trưởng Thôn 2, xã Đam B’ri cho biết: “Thôn 2 chúng tôi có 7 xóm, thì đất quy hoạch Dự án bao trùm từ xóm 1 đến xóm 6 trên diện tích khoảng 49 ha. Thời gian đầu, khi TP Bảo Lộc có chủ trương quy hoạch triển khai Dự án, người dân đều rất đồng tình ủng hộ. Nhưng rồi thời gian liên tiếp trôi qua, mà Dự án vẫn “treo” không thể triển khai khiến cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, bất lợi. Phần lớn người dân trong thôn chúng tôi làm nông nghiệp, nên đều dựa cả vào đất. Muốn có vốn để đầu tư sản xuất, nhiều hộ cần đến việc thế chấp sổ đất để vay vốn ngân hàng hoặc tách thửa để bán một phần đất mình có làm vốn đầu tư... nhưng do đất nằm trong quy hoạch nên không làm được gì. Bên cạnh đó, do sống trong vùng quy hoạch nên việc vận động người dân đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện, thôn có 7 tuyến đường liên xóm thì 5 tuyến đang còn đường đất do thiếu kinh phí xây dựng khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con gặp nhiều khó khăn”.
Ông Dương Kim Lương (ngụ tại Thôn 2) cho hay: “Gia đình tôi có 6.000 m2 đất nằm trong khu quy hoạch Dự án; trong đó, có 200 m2 đất thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp. Tôi có 3 người con trai đã lập gia đình, muốn chuyển nhượng một ít đất nông nghiệp qua đất xây dựng để cho các con xây nhà nhưng do nằm trong khu quy hoạch nên không chuyển được. Không chuyển đổi được mục đích đã đành, tôi muốn bán một ít đất để đầu tư cho các con phát triển kinh tế cũng không thể làm thủ tục sang nhượng. Có đất mà như không, nên 3 người con trai đã lập gia đình vẫn phải sống chung với bố mẹ khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn”.
Những khó khăn, bất lợi mà gia đình ông Dương Kim Lương đang gặp phải cũng là những gì mà hơn 150 hộ dân tại Thôn 2 và Thôn 3 đã và đang phải đối diện do đất nằm trong khu quy hoạch dự án “treo” gần 7 năm nay.
Cần gỡ bỏ quy hoạch
Chia sẻ về những khó khăn mà quy hoạch “treo” đã và đang làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân nơi đây, bà Trần Thị Châu (ngụ tại Thôn 2) tâm sự: “Kể từ khi có quy hoạch đến nay, điều kiện sống của người dân chúng tôi khốn khổ vô cùng. Nhà tôi hiện đã xuống cấp, nên cuối năm 2016, tôi có ý định bán một ít đất để lấy tiền sửa chữa lại nhà. Do nằm trong vùng quy hoạch nên đất không thể bán, gia đình tôi đành phải sống trong căn nhà xập xệ xuống cấp. Còn việc chờ đợi đền bù, giải tỏa chừng ấy năm vẫn chưa thấy gì. Bà con chúng tôi mong rằng, nếu không có nhà đầu tư để triển khai dự án thì chính quyền địa phương cần nhanh chóng gỡ bỏ quy hoạch để chúng tôi bớt khổ”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đam B’ri cho biết: “Khi TP Bảo Lộc có chủ trương quy hoạch để xây dựng Dự án dịch vụ, thương mại du lịch thì người dân rất đồng tình ủng hộ. Nhưng do Dự án kéo dài không thể triển khai làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khiến họ bức xúc và nhiều lần có đơn kiến nghị lên xã. Những phản ánh, kiến nghị của bà con đã được UBND tập hợp và trình lên UBND TP Bảo Lộc xem xét, giải quyết”.
Trước phản ánh và kiến nghị của người dân, ngày 16/8/2017, UBND TP Bảo Lộc đã tổ chức buổi làm việc với người dân Thôn 2 và Thôn 3. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Bắc - Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc cho biết: “Nguồn gốc đất tại Thôn 2 và Thôn 3 là của Nhà nước giao cho Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2015, UBND tỉnh thu hồi giao cho UBND TP Bảo Lộc quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân. Về vấn đề quy hoạch, được UBND TP thực hiện đúng theo quy trình. Tuy nhiên, xét thấy có những bất hợp lý trong quá trình thực hiện, nên trong thời gian tới, UBND TP sẽ có hướng điều chỉnh chức năng khu quy hoạch theo hướng quy hoạch đất ở nông thôn kết hợp thương mại - dịch vụ. Hiện, UBND TP đã giao các ngành chức năng lập phương án điều chỉnh quy hoạch trình UBND TP xem xét để công khai với người dân được biết và thực hiện trong thời gian sớm nhất”.
HẢI ÐƯỜNG