Đã là một doanh nghiệp tín dụng thương mại thì đơn vị nào cũng mong muốn doanh số và dư nợ cho vay nhiều hơn. Và, đã là người có nhu cầu vay vốn, thì ai cũng mong muốn được vay một cách dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên, trong thực tế còn có những bất cập, mà tại huyện Di Linh là một ví dụ.
Đã là một doanh nghiệp tín dụng thương mại thì đơn vị nào cũng mong muốn doanh số và dư nợ cho vay nhiều hơn. Và, đã là người có nhu cầu vay vốn, thì ai cũng mong muốn được vay một cách dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên, trong thực tế còn có những bất cập, mà tại huyện Di Linh là một ví dụ.
|
Khách hàng của Chi nhánh Ngân hàng Agribank Di Linh ngày càng đông. Ảnh: X.Long |
Quan tâm đầu tư cho vay
Trong thời gian vừa qua, tại huyện Di Linh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Di Linh và Agribank Chi nhánh Hòa Ninh đã tích cực đầu tư cho vay để phục vụ phát triển sản xuất. Hiện nay, hai chi nhánh này có số dư nợ cho vay khoảng 2.400 tỷ đồng. Trong đó, 70% dư nợ cho vay trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và 30% dư nợ cho vay đầu tư gián tiếp để thu mua, kinh doanh, dịch vụ…
Thực hiện Chương trình tín dụng tái canh cà phê, Agribank Chi nhánh Di Linh và Agribank Chi nhánh Hòa Ninh đã ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân “tiếp cận” được vốn vay đầu tư trồng lại hoặc ghép cải tạo bằng các giống cà phê cao sản. Hiện nay, số dư nợ tín dụng đầu tư tái canh cà phê trên 400 tỷ đồng. Ngoài ra, hai Agribank Chi nhánh Di Linh và Hòa Ninh còn tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và các doanh nghiệp vay vốn để phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt cao sản, heo, dê núi và trồng rau, hoa…
Theo Agribank Chi nhánh Di Linh, thực hiện Chương trình tín dụng tái canh cà phê giai đoạn 2016 - 2020, Agribank đã điều chỉnh tăng định mức cho vay đầu tư tái canh lên 150 triệu đồng/1 ha với thời hạn 4 năm (đối với đầu tư ghép cải tạo) hoặc 8 năm (đối với trồng lại) và trả tiền vay gốc, tiền lãi một lần. Đối với Dự án phát triển sản xuất cà phê bền vững (VnSAT), huyện Di Linh có 4 xã là Tân Nghĩa, Gung Ré, Tân Châu và Liên Đầm được giải quyết cho vay trong thời hạn 4 đến 8 năm, với lãi suất cho vay ưu đãi là 6,5%/1 năm để đầu tư ứng dụng công nghệ cao, sản xuất cà phê theo hướng VietGAP.
Mặt khác, thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ - CP của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và sự thỏa thuận liên ngành đã ký kết giữa Agribank Chi nhánh Lâm Đồng và Agribank Chi nhánh Nam Lâm Đồng với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng, mới đây, tại xã Sơn Điền và xã Gia Bắc, Agribank Chi nhánh Di Linh đã cử cán bộ tín dụng trực tiếp đến tận nơi để thẩm định và giải quyết cho nông dân vay khoảng 20 tỷ đồng đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong thời gian tới, Agribank Chi nhánh Di Linh tiếp tục triển khai tại một số xã.
Nhưng còn những bất cập!
Bên cạnh những cố gắng nỗ lực nói trên, trong quá trình đầu tư tín dụng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, các Chi nhánh Agribank đã phát hiện những bất cập.
Một trong những quy định của ngành Ngân hàng, điều kiện cho vay là phải có tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp ở vùng nông thôn phổ biến là đất đai và tài sản gắn liền với đất. Đất đai đã thể hiện rõ trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Còn tài sản gắn liền với đất (chủ yếu là nhà ở và các công trình khác), theo quy định, phải được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, phổ biến là người dân chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Từ đó, giá trị tài sản thế chấp không thể hiện đúng (thấp hơn) so với thực tế, nên mức giải quyết cho vay bị hạn chế.
Từ thực tế trong việc giải quyết cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ - CP, Agribank Chi nhánh Di Linh phát hiện thêm một bất cập nữa là tại 2 xã Sơn Điền và Gia Bắc đã có tới khoảng 80% gia đình không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chứ chưa nói đến Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất). Do vậy, bà con chỉ cung cấp cho Agribank Chi nhánh Di Linh giấy “Trích lục bản đồ” nên chi nhánh rất khó giải quyết cho vay khi xem xét thủ tục.
Đối với Dự án sản xuất cà phê bền vững, theo quy định, các đối tượng (nông dân) trước khi vay vốn phải được tập huấn, hướng dẫn việc lập kế hoạch sử dụng vốn vay. Tuy nhiên, trong thực tế tại 4 xã Tân Nghĩa, Gung Ré, Tân Châu và Liên Đầm, số lượng bà con tham gia tập huấn quá ít.
Xuất phát từ những bất cập, vướng mắc nói trên, thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần quan tâm “tháo gỡ” để các đơn vị tín dụng và nông dân mới có thể “gặp nhau”, tiếp cận được đồng vốn vay nhiều hơn.
XUÂN LONG