"Con đường đau khổ" ở xã nông thôn mới

09:10, 20/10/2017

Một trong 19 tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) là kết cấu hạ tầng cơ sở, trong đó có tiêu chí đường giao thông nông thôn (GTNT). Thế nhưng, dưới tấm bảng "Quyết tâm giữ vững xã NTM" ở xã NTM Ninh Gia, Đức Trọng lại tồn tại  "con đường đau khổ". 

Một trong 19 tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) là kết cấu hạ tầng cơ sở, trong đó có tiêu chí đường giao thông nông thôn (GTNT). Thế nhưng, dưới tấm bảng “Quyết tâm giữ vững xã NTM” ở xã NTM Ninh Gia, Đức Trọng lại tồn tại  “con đường đau khổ”. 
 
“Con đường đau khổ” ở thôn Tân Phú. Ảnh: H.V.Mỹ
“Con đường đau khổ” ở thôn Tân Phú. Ảnh: H.V.Mỹ
Ông Nguyễn Hữu Phúc, nguyên thôn trưởng thôn Tân Phú bức xúc: Từ nhiều năm qua, tôi đã nhiều lần có ý kiến với lãnh đạo xã Ninh Gia về đường GTNT thôn Tân Phú, đi lại gian nan, vất vả khi lưu thông trên đường, nhất là về mùa mưa. Theo ông Phúc, đường GTNT Tân Phú có chiều dài trên 8 km, nối từ Quốc lộ 20 thuộc địa phận thôn Hiệp Hòa vào cuối thôn Tân Phú giáp với dòng sông Đạ Dâng. Con đường này vốn trước đây được người dân trong thôn đóng góp công sức làm đường cấp phối, hoặc tôn tạo nền đường đất khá rộng rãi, thông thoáng. Nhưng qua thời gian chống trọi với hai mùa mưa, nắng, cộng với sự lưu thông của các phương tiện giao thông, nhất là những năm gần đây một số doanh nghiệp khai thác đá, vật liệu xây dựng, sản xuất gạch tuy nen và khai thác cát trên sông Đạ Dâng… khiến con đường càng trở nên hư hỏng nặng. Mặt đường cấp phối, hoặc nền đất không chịu nổi tải trọng hàng chục tấn của các xe tải nặng chở vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt Nhà máy Thủy điện Đạ Dâng 3 chạy suốt đêm ngày đã bị băm nát, xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ voi... Đặc biệt, vào mùa mưa, con đường bị đọng nước, lầy lội, rất khó lưu thông, nên người dân trong thôn Tân Phú gọi là “con đường đau khổ”. Người dân đi lại để sản xuất vốn đã khó khăn, vất vả, học sinh đến trường lớp lại càng khó khăn, vất vả hơn. Trong thôn, hiện có một phân trường mẫu giáo và một phân trường tiểu học nên việc đưa đón con từ nhà đến trường, từ trường về nhà như là một “cực hình” đối với các phụ huynh. Đó là chưa kể các học sinh THCS và THPT thì nỗi  “gian truân vô bờ bến” bởi đường lầy lội vào mùa mưa dài hơn 8 km mới ra tới Quốc lộ 20 để đến được trường. Có không ít học sinh bị té ngã rách cả áo quần, sách vở bị lấm lem mỗi khi đi từ nhà đến trường, hoặc từ trường về nhà.
 
Trước thực tế đó, ông Nguyễn Hữu Phúc và nhiều người dân trong thôn Tân Phú cho rằng: Xã Ninh Gia xây dựng NTM, nhưng bỏ quên thôn Tân Phú. Vì vậy, trong nhiều cuộc họp thôn, họp xã, đặc biệt là tại các cuộc tiếp xúc với cử tri, người dân đã đặt vấn đề phải nâng cấp, sửa chữa đường vào thôn Tân Phú, nhằm biến “con đường đau khổ” trở thành con đường vui của người dân nơi đây. Thế nhưng, những đề xuất, kiến nghị của người dân thôn Tân Phú không được ghi nhận, nhiều năm nay, người dân thôn Tân Phú vẫn phải sống chung với con đường “trần ai” này. Theo chúng tôi, việc thi công con đường vào thôn Tân Phú gặp rất nhiều thuận lợi, bởi người dân trong thôn rất đồng tình, hưởng ứng trong việc đóng góp sức người, sức của. Hơn nữa, trên địa bàn thôn có nhiều doanh nghiệp đóng chân, có khả năng về tài chính và sẵn vật liệu xây dựng để làm đường. Vấn đề quan trọng là chính quyền địa phương xã, huyện phải quyết tâm và có phương án xây dựng đường hợp lý trong việc huy động sức dân, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, cùng với ngân sách nhà nước tiến hành xây dựng đường GTNT theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm hoặc theo chương trình đầu tư đường GTNT 135. Tấm bảng hiệu “Quyết tâm giữ vững xã NTM” đặt ngay đầu đường vào thôn Tân Phú đã nói lên quyết tâm của xã Ninh Gia trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn NTM, thì không lý gì để tồn tại mãi “con đường đau khổ” ở phía sau tấm bảng đó. 
 
HOÀNG VƯƠNG MỸ