Cô trò chật vật "thiếu trước hụt sau"

08:10, 10/10/2017

Cô trò Trường Mầm non Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) đang dạy và học trong cảnh "thiếu trước hụt sau". Ðiểm trường chính thì khu hiệu bộ xuống cấp, các phân hiệu thì nơi thiếu nước sinh hoạt, nơi thiếu nhà vệ sinh và nơi thì còn phải học nhờ hội trường thôn.

Cô trò Trường Mầm non Tân Nghĩa (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) đang dạy và học trong cảnh “thiếu trước hụt sau”. Ðiểm trường chính thì khu hiệu bộ xuống cấp, các phân hiệu thì nơi thiếu nước sinh hoạt, nơi thiếu nhà vệ sinh và nơi thì còn phải học nhờ hội trường thôn.
 
Phụ huynh phải chở nước sinh hoạt cho giáo viên và học sinh tại Phân hiệu thôn Đồng Lạc sử dụng. Ảnh: H.S
Phụ huynh phải chở nước sinh hoạt cho giáo viên và học sinh tại Phân hiệu thôn Đồng Lạc sử dụng. Ảnh: H.S

Thiếu thốn “trăm bề”
 
Từ đầu năm 2017, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh đã có tờ trình gửi UBND huyện Di Linh xin chủ trương đầu tư công trình nước sạch trường học trên địa bàn huyện. Chủ trương này đã được UBND huyện Di Linh thống nhất cho lập dự án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới hệ thống nước sạch trường học giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, có 17 công trình nước sạch tại các trường học cần được đầu tư trong thời gian tới; trong đó, có rất nhiều trường đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, như: Trường TH Liên Đầm 2 (Phân hiệu Thôn 4), Trường THCS Gia Bắc, Trường MG Gia Bắc, Trường TH Tân Châu 1 (Phân hiệu Thôn 7), Trường TH Hòa Ninh 2, Trường MG Tân Lâm (Phân hiệu Thôn 7)…  
Ngoài điểm trường chính nằm tại trung tâm xã, Trường Mầm non Tân Nghĩa còn có 4 phân hiệu chia theo 4 hướng của xã, gồm: Phân hiệu thôn Gia Bắc 1, Giac Bắc 2, Đồng Lạc, K’Brạ. Phân hiệu gần thì cũng cách điểm trường chính khoảng 3 km, xa thì phải đi 7-8 km. Xa điểm trường chính, ngoài những khó khăn về việc đi lại của giáo viên, phục vụ ăn trưa bán trú cho các cháu thì điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp, điều kiện sinh hoạt chung cũng đang là những trở ngại lớn. Trong 4 phân hiệu, chỉ có Phân hiệu thôn K’Brạ là được đầu tư khá bài bản, 3 phân hiệu còn lại đang còn nhiều khó khăn.
 
Nằm sát Quốc lộ 20 nhưng phân hiệu Đồng Lạc lại bị thiếu nước sinh hoạt suốt nhiều tháng nay. Trước đây, cô trò tại phân hiệu này xài nhờ nước của một hộ dân gần đó nhưng từ đầu năm học này, hộ dân này không đồng ý cho tiếp tục sử dụng nữa. Bồn nước được hạ xuống, chân bồn nước bị xếp vào một góc sân. Ngày ngày, phụ huynh phải chở nước đến trường cho con em mình sinh hoạt. Ngoài lịch làm việc thì nay trên tường của phân hiệu còn có lịch theo dõi việc chở nước của phụ huynh hàng ngày. Do thiếu nước, mọi sinh hoạt đều phải chắt chiu, từ việc vệ sinh cá nhân của từng em đến việc rửa chén bát, lau nhà, giặt khăn…  
 
Cô Đới Thị Bích Nguyệt, giáo viên phụ trách Phân hiệu Đồng Lạc, chia sẻ: “Mỗi ngày, phụ huynh chỉ chở được khoảng 150 lít nước, trong khi nhu cầu sử dụng của gần 40 em học sinh ở đây phải cần khoảng 300 - 500 lít. Nước ít, các cô phải tiết kiệm tối đa mới đủ dùng. Bảng theo dõi phụ huynh chở nước cũng là một cách để đảm bảo đủ nước cho các cháu sử dụng, phụ huynh nào chưa chở nước thì mình nhắc nhở”. Còn theo ông Lê Thành Dược, phụ huynh học sinh, việc chở kèm can nước mỗi khi đưa các cháu đến trường cũng rất bất tiện cho phụ huynh. Nhiều người nhà ở xa, đưa nhiều cháu cùng đi học thì việc chở nước còn có thể gây nguy hiểm khi chạy xe máy. “Bản thân tôi và một số phụ huynh khác dù đã tích cực chở nước nhưng các cháu vẫn thiếu dùng. Điều tôi lo nhất là việc sinh hoạt của các cháu không đảm bảo vệ sinh. Hơn nữa, khi vào vụ mùa cà phê, do bận bịu nên việc chở nước của nhiều phụ huynh chắc chắn không thể thực hiện được” - ông Dược băn khoăn.
 
Tương tự, tại Phân hiệu thôn Gia Bắc 1, cô trò cũng phải hứng nước mưa hoặc xin từng xô nước để sử dụng. Từ năm ngoái, giếng khoan tại Phân hiệu này đã không còn đủ cung cấp nước sinh hoạt. Cũng tại Phân hiệu này, từ nhiều năm nay, các em học sinh cũng phải học nhờ trong hội trường thôn. Hiện, hội trường thôn cũng bị xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt trên tường và nền nhà bị sụt lún nghiêm trọng. “Trong quá trình học nhờ, việc trang trí lớp học cũng phải dành một chỗ để cho thôn sử dụng. Nhiều khi thôn có việc phải họp hành thì các cô phải cho cháu ra ngoài học hoặc báo nhà trường cho học sinh nghỉ. Bản thân tôi chỉ mong muốn sớm có nhà vệ sinh, có nguồn nước và phòng học riêng sạch sẽ để thuận tiện cho việc học của các cháu và giáo viên ở đây” - cô Trần Thị Tâm, giáo viên phụ trách Phân hiệu Gia Bắc 1, chia sẻ. Còn tại Phân hiệu Thôn Gia Bắc 2, dù lớp học đã được xây dựng riêng nhưng nhà vệ sinh vẫn phải dùng chung với hội trường thôn. Đây cũng là một bất tiện, nhất là đối với các cháu nhỏ mẫu giáo.
 
Mong ước trường chuẩn đúng nghĩa
 
Toàn Trường Mẫu giáo Tân Nghĩa có 265 học sinh trong năm học này thì một nửa trong số đó học tại 4 phân hiệu. Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nên việc ăn bán trú hàng ngày của các cháu cũng gặp trở ngại. Đến giờ ăn trưa, cơm, canh được đóng thùng và vận chuyển bằng xe máy đến các phân hiệu. Không chỉ các phân hiệu, ngay điểm trường chính thì khu văn phòng và hiệu bộ vẫn phải dùng tạm hai phòng học cũ đã xuống cấp. Một phòng được chia nhỏ để làm phòng hiệu trưởng, phòng y tế, phòng giáo viên, phòng kế toán, phòng phó hiệu trưởng và hội đồng. Phòng còn lại được tận dụng để làm nhà bếp. 
 
Bà Bùi Thị Phương Thảo, Phó hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Nghĩa, cho biết: Do cơ sở vật chất còn thiếu nên việc dạy và học trong trường cũng phải phụ thuộc, đặc biệt là tại Phân hiệu Gia Bắc 1 và Đồng Lạc. “Trước những khó khăn trên thì các cô giáo cũng cố gắng khắc phục như bố trí thời gian để đi mua nước, sắp xếp thời gian học phù hợp để nhường cho hoạt động của thôn”. Còn theo cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Xuân, theo lộ trình đến năm 2018, Trường Mẫu giáo Tân Nghĩa sẽ phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Sau khi nhà trường báo cáo về thực trạng cơ sở vật chất thì Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh đã khảo sát và có chủ trương đầu tư xây dựng nhà vệ sinh, giếng nước cho trường trong năm học 2017 - 2018 này. Tuy nhiên, đến nay các công trình này vẫn đang trong quá trình làm thủ tục để triển khai.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Đình Đồng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Di Linh, khẳng định: “Trước những bức xúc về nguồn nước sinh hoạt thì Phòng sẽ cho Trường Mẫu giáo Tân Nghĩa khoan giếng trước tại Phân hiệu Đồng Lạc ngay trong tháng 10, còn các thủ tục đầu tư sẽ hoàn thiện sau để tránh kéo dài thời gian. Còn việc đi mượn hội trường thôn để làm lớp học thì theo tôi cũng không đến mức độ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch dạy học cho các cháu. Riêng Trường Mẫu giáo Tân Nghĩa đến năm 2018 đạt chuẩn quốc gia thì rõ ràng phòng học nhờ đó phải tính, nhưng đầu tư phải từng bước chứ ngân sách eo hẹp mà đầu tư dàn trải thì không cáng đáng được. Đến năm 2019, Di Linh sẽ chấm dứt được tình trạng phòng học nhờ”.
 
HỮU SANG