Dân không còn mặn mà với rừng 30a?

09:10, 27/10/2017

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với huyện nghèo trên toàn quốc, Ðam Rông đã tiến hành giao đất trồng rừng sản xuất cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao thu nhập ổn định từ rừng, nâng cao độ che phủ rừng cũng như ý thức quản lý, bảo vệ rừng.

Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với huyện nghèo trên toàn quốc, Ðam Rông đã tiến hành giao đất trồng rừng sản xuất cho các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm nâng cao thu nhập ổn định từ rừng, nâng cao độ che phủ rừng cũng như ý thức quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hiện đang rơi vào  tình trạng nhiều diện tích bà con không được thu hoạch hay thu hoạch xong bỏ trống, tự ý chuyển đổi trồng cà phê, thậm chí sang nhượng trái phép.
 
Trong khu vực thuộc đất lâm nghiệp quy hoạch trồng rừng 30a, có diện tích keo người dân không muốn thu hoạch, có diện tích bà con tự ý trồng mỳ. Ảnh: N.Ngà
Trong khu vực thuộc đất lâm nghiệp quy hoạch trồng rừng 30a, có diện tích keo người dân không muốn
thu hoạch, có diện tích bà con tự ý trồng mỳ. Ảnh: N.Ngà

Tự ý chuyển đổi
 
Theo kết quả rà soát của Đoàn Giám sát HĐND huyện Đam Rông, tổng diện tích đã thực hiện trồng rừng theo Nghị quyết 30a (chu kỳ 1) trên địa bàn 6 xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’Rông, Rô Men, Liêng Srônh, Đạ R’Sal từ 2009 - 2015 là hơn 2.800 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp trên 2.200 ha. Qua đánh giá có trên 1.300 ha đạt, gần 500 ha không đạt và trên 900 ha đã được khai thác.
 
Nếu như năm 2016, toàn huyện có trên 90 ha đất rừng 30a bị chuyển đổi sai mục đích, thì hiện nay con số này đã tăng lên trên 189 ha. Trong đó, có hơn 152 ha được 169 hộ là tự ý chuyển đổi trên diện tích đất lâm nghiệp.
 
Từ số liệu thống kê tại Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông cũng cho thấy: Tại khu vực 3 xã Đầm Ròn, tổng diện tích trồng được trên 1.800 ha giao cho 1.788 hộ. Công tác trồng rừng hàng năm tuy đạt kế hoạch về diện tích nhưng mật độ cây thưa thớt dần qua các năm do tỷ lệ sống không cao.  Qua khảo sát thực tế, diện tích trồng rừng 30a chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con ở đây, bởi nhiều diện tích khai thác xong người dân không thực hiện trồng lại rừng (chu kỳ 2) mà tự ý chuyển đổi cây trồng. Tổng diện tích đã bị chuyển đổi của ba xã trên (cả diện tích không thành rừng và diện tích sau khai thác) là trên 84 ha. Trong đó, Đạ Tông là hơn 32 ha, Đạ M’ Rông trên 5 1ha và Đạ Long 1 ha.
 
Tương tự, tại 3 xã Đạ R’ Sal, Rô Men và Liêng Srônh, gần 98 ha đã bị chuyển đổi; trong đó Đạ Rsal hơn 63 ha, Rô Men gần 26 ha và Liêng Srônh 9 ha. Ngoài một số diện tích chuyển đổi sai mục đích nêu trên, một số hộ không có nhu cầu trồng rừng chu kỳ 2 và thậm chí nhiều hộ đã tự ý sang nhượng đất trái phép. Ông Trần Phước Mênh - Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh cho rằng: “Việc thực hiện trồng rừng 30a không hiệu quả do điều kiện đất đai ở nhiều tiểu khu không phù hợp phát triển cây keo. Các hộ nhận trồng rừng đều là hộ nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, còn phải lo cơm áo hàng ngay mà chu kỳ trồng rừng kéo dài nên bà con không tâm huyết với việc này. Hơn nữa, nhận thức cũng như kỹ thuật chăm sóc rừng trồng của bà con chưa cao. Có hộ trồng rừng 2 đến 3 năm không chăm sóc nên hiệu quả thấp. Một số khác không làm tốt công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng dẫn tới để cháy rừng. Và quan trọng hơn là việc thiết kế, quy hoạch còn nhiều vấn đề dẫn đến khó hình thành được vùng nguyên liệu. Giá bán keo thấp, không bù được chi phí bỏ ra nên không tránh được việc người dân không còn mặn mà và có tư tưởng không muốn khai thác hoặc khai thác rồi thì không muốn trồng lại thay vào đó là tự ý chuyển đổi hoặc sang nhượng”.
 
Hiệu quả không như mong đợi 
 
Lãnh đạo Ban QLRPH Sêrêpốk - đơn vị lập hồ sơ thiết kế giao đất trồng rừng 30a  thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện chương trình này trên địa bàn huyện Đam Rông. Đó là nhiều diện tích đất lâm nghiệp giao cho các hộ dân trồng rừng đã bị chuyển đổi sang trồng cây khác; công tác quản lý rừng trồng sau khai thác chưa chặt chẽ để người dân tự ý trồng các loại cây lương thực, cà phê hoặc bỏ trống không trồng lại rừng dẫn tới việc cây con tái sinh. Hay việc chăm sóc rừng trồng chưa thường xuyên, chưa đạt hiệu quả nên nhiều diện tích sinh trưởng kém, mật độ thưa thớt. Công tác quản lý, cấp hồ sơ khai thác chưa có sự thống nhất giữa Ban QLBVR, lãnh đạo các xã và kiểm lâm địa bàn nên một số hộ tự ý bán cho thương lái nên bị ép giá. 
 
Nguyên nhân do việc đo đạc, lập hồ sơ thiết kế giao đất trồng rừng 30a trên những diện tích rừng nghèo kiệt, lồ ô, le tép… chưa hợp lý nên nhiều tiểu khu ở khu vực cao, không có đường đi lại nên rất khó khăn trong việc trồng, chăm sóc và khai thác. Diện tích trồng manh mún, nhỏ lẻ, rải rác, chất lượng rừng thấp không hình thành được vùng nguyên liệu. Những điều đó dẫn đến việc thương lái không mấy mặn mà với việc khai thác diện tích rừng trên. Bởi vậy hiệu quả kinh tế từ trồng rừng mang lại cho bà con chưa cao. 
 
Giải bài toán 30a ra sao?
 
Khi hỏi về việc giải quyết những tình trạng trên, ông Mai Chí Trung - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk, cho biết: “Căn cứ kết quả giám sát công tác trồng rừng 30a trên địa bàn của Đoàn giám sát HĐND huyện Đam Rông, để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hộ trồng rừng 30a đã khai thác chưa trồng lại rừng chu kỳ 2, các hộ tự ý chuyển đổi cây trồng sai mục đích cũng như các hộ sang nhượng đất trồng rừng 30a trái phép, Ban QLRPH Sêrêpốk đã tổ chức họp các hộ trồng rừng 30a. Đối với các hộ trồng lại rừng nhưng mật độ không đảm bảo phát triển thành rừng thì các trạm QLBVR phối hợp với các xã lập biên bản cam kết yêu cầu các hộ trồng dặm hoặc trồng lại đảm bảo đúng mật độ theo hợp đồng đã ký kết ngay trong mùa mưa năm 2017. Đối với các hộ dân đã khai thác, hiện tại đất trống thì vận động cho các hộ cam kết trồng rừng chu kỳ 2 trong mùa mưa 2017. Hộ nào không thực hiện thì thu hồi diện tích đã giao và giao cho các hộ dân khác có nhu cầu trồng rừng trên địa bàn xã. Đối với các hộ đã chuyển đổi trồng cây công nghiệp (chủ yếu là cà phê) dưới 3 năm thì kiên quyết giải tỏa để trồng lại rừng; trên 3 năm sẽ yêu cầu các hộ cam kết trồng xen cây lâm nghiệp mật độ tối thiểu từ 1.000 cây/ha trở lên (theo công văn chỉ đạo ngày 14/11/2014 của UBND tỉnh) và  sau 3 - 4 năm khi cây rừng khép tán yêu cầu các hộ cam kết tự chặt bỏ cây cà phê trên diện tích tự ý chuyển đổi sai mục đích nói trên. Trường hợp các hộ tự ý sang nhượng đất trái phép, Trạm QLBVR phối hợp với UBND xã  và kiểm lâm địa bàn lập hồ sơ xử lý theo pháp luật. Tổng diện tích dự kiến đưa vào giải tỏa là hơn 20 ha thuộc 31 hộ”.
 
Khi chương trình trồng rừng 30a không mang lại hiệu quả như mong đợi, người dân không còn mặn mà, Ban QLRPH Sêrêpốk đã có tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh xin chủ trương trồng cây điều trên diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các hộ trồng rừng theo Nghị quyết 30a. Ông Nguyễn Trọng Đức - Phó trưởng Ban QLRPH Sêrêpốk cho biết: Tờ trình này được xây dựng ngoài dựa trên tình hình thực tế còn tham khảo từ thực tế Dự án 327 (những năm 1990 - 1993) của huyện Lạc Dương cũ đã trồng hơn 200 ha điều ở 3 xã Đầm Ròn. Hiện, cây điều sinh trưởng tốt và cho thu hoạch ổn định. Mặt khác, tại địa phương hiện nay cũng đang triển khai một số mô hình trồng cây điều ghép cho kết quả khả quan. Việc trồng cây điều trên đất 30a một mặt đảm bảo độ che phủ của rừng, mặt khác còn đem lại hiệu quả kinh tế”.
 
Tuy nhiên, tờ trình có được chấp thuận hay không và nếu được cơ quan chức năng thông qua liệu số phận cây điều có giống với hàng ngàn ha keo hay không, là bài toán đòi hỏi cơ quan chức năng phải có lời giải và những bước đi phù hợp.
 
NGỌC NGÀ