Hối hả thu cà phê non "chạy" lở đất

03:10, 17/10/2017

(LĐ online) - Mưa kéo dài nhiều ngày, nền đất yếu dần rồi bất ngờ sụt lún trên diện rộng vùi lấp hơn 150.000 m2 cà phê trên 10 năm tuổi chỉ sau vài đêm khiến người dân xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà không khỏi bàng hoàng...

(LĐ online) - Mưa kéo dài nhiều ngày, nền đất yếu dần rồi bất ngờ sụt lún trên diện rộng vùi lấp hơn 150.000 m2 cà phê trên 10 năm tuổi chỉ sau vài đêm khiến người dân xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà không khỏi bàng hoàng. Và sau những phút sững sờ, các hộ dân hai thôn Yên Thành và Đa Nung B, xã Đạ Đờn đánh liều vào giữa vùng đất sụt lún chặt hết cành cà phê về tuốt non mong vớt vát một vụ mùa gần như trắng tay.
 
Ông Kơ Să Ha Hai (48 tuổi, ngụ thôn 4 xã Đạ Đờn) bất chấp nguy hiểm vào khu vực sụt lún thu hoạch cà phê non
Ông Kơ Să Ha Hai (48 tuổi, ngụ thôn 4 xã Đạ Đờn) bất chấp nguy hiểm vào khu vực sụt lún
thu hoạch cà phê non
“Đã xuất hiện vết nứt từ tháng 5”
 
Kể từ ngày thành lập xã Đạ Đờn tới nay (năm 1987), lần đầu tiên sau 30 năm người dân ở đây mới chứng kiến cảnh đất nông nghiệp bất ngờ sụt lún trên diện tích lớn tới như vậy. Bà Lơ Mu Ha Liêng, hộ có 4 sào cà phê bị thiệt hại nặng nề cho biết, từ ngày 9/10 đất trên đỉnh đồi đã bất ngờ trượt lún vùi lấp khoảng 5ha nhưng mỗi ngày diện tích lại lan rộng thêm. 
 
Và tới ngày 16/10 diện tích cà phê bị thiệt hại đã lên hơn 20 ha, trong đó có 15 ha cà phê gần như bị vùi lấp hoàn toàn. Chứng kiến cảnh hàng trăm cây cà phê từ từ bị đất vùi lấp, hầu hết các hộ dân khu vực đồi Chia Nia thuộc hai thôn Đa Nung B và Yên Thành hối hả bảo nhau thu hoạch cà phê non để chạy đua với tình trạng nứt, trượt đất đang diễn biến xấu đi nhanh chóng. Số cà phê ngay sau khi hái được người dân bán với giá 6.000 đồng/kg cho một số thương lái (bình thường cà phê chín đúng thời điểm có giá 9.000 – 10.000 đồng/kg). Một số người dân thì chấp nhận không bán non đem phơi để bán theo giá cà nhân. 
 
May mắn mới thu vớt vát được 2 tấn cà phê tươi trong mấy ngày qua, ông Nguyễn Đức Sách, có 8 sào cà phê bị vùi lấp, chia sẻ đầy tiếc nuối: Ban ngày thường bị trượt chậm nhưng vào ban đêm thì tốc độ sập xuống rất nhanh. 
 
Để thấy đất dịch chuyển ra sao, ông Sách cùng một số người dân đánh dấu mốc một gốc cà phê chưa bị vùi lấp bằng cọc, sau hơn 1giờ đồng hồ, gốc cà phê đã cách xa cọc đánh dấu hơn 20cm. “Với tốc độ sụt lún vẫn tiếp diễn như vừa qua, chúng tôi vừa mất trắng mùa vụ, vừa có nguy cơ mất luôn miếng đất cắm dùi, buồn quá chú ạ!”- ông Sách than thở. 
 
Cách vườn nhà ông Sách khoảng 400m là gia đình ông Rơ ông Ha Tam, người có lẽ buồn rầu nhất mấy ngày qua vì diện tích cà phê nhà ông bị vùi lấp lên tới 1,7 ha. Mấy ngày qua ông Ha Tam đã phải huy động anh em, bà con lên tới 10 người chặt hết cành cà phê còn sót lại, kể cả ban đêm nhưng cũng chỉ thu được hơn 4 tấn cà tươi. Và chỉ tính riêng số cà phê bị vùi lấp, ông Ha Tam đã bị thiệt hại khoảng 350 triệu đồng.
 
Ông Kơ Să Ha Hai (48 tuổi, ngụ thôn 4 xã Đạ Đờn) là em trai ông Rơ Ông Ha Tam có 9 sào cà phê bị đất vùi lấp tới 70%, kể: “Từ tháng 5 tôi và mấy anh em có vườn cà phê tại đây đã thấy có vài vết nứt rộng khoảng gần 10cm chạy dài khoảng 5-10m trên đỉnh đồi Chia Nia nhưng mình nghĩ đất pha cát yếu bị lún nên không báo chính quyền xã. Tới tháng 8 đất sạt xuống đồi khoảng nửa mét. Cho tới đầu tháng 10 thì đất nứt toác và sụt nứt liên tục”.
 
 Cũng theo ông Ha Hai, sau khi miếng đất 9 sào cà phê nhà ông bị vùi lấp, đất phía dưới đùn lên gần như là cát trắng mịn, đá, đất sét ẩm ướt. Đồng thời, giữa vườn có một mạch nước ngầm nhỏ chảy thành dòng nhỏ. 
 
Diện tích đất có dấu hiệu sụt lở có dấu hiệu tiếp tục mở rộng trong những ngày vừa qua tại xã Đạ Đờn
Diện tích đất có dấu hiệu tiếp tục mở rộng trong những ngày vừa qua tại xã Đạ Đờn
Diễn biến khó lường
 
Dẫn chúng tôi khảo sát hiện trường vụ sụt lún, trượt đất cách trụ sở UBND xã khoảng 4km, ông Hoàng Sỹ Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà cho biết đây là hiện tượng chưa từng xảy ra tại địa phương nên cả chính quyền và người dân không khỏi lúng túng. Trước mắt để khuyến cáo người dân không vào khu vực sạt lở UBND xã đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm người dân đi vào khu vực sạt lở trên địa bàn.
 
“Khuyến cáo là vậy nhưng người dân có vườn trong khu vực sụt lún xót của vẫn tranh thủ vào vườn cà phê thu hái cà phê non với hy vọng tận thu được ít sản phẩm trước khi bị đất vùi lấp nên chúng tôi cũng không thể cấm cản bà con, chỉ nói anh anh em túc trực cấm trẻ em theo ba mẹ vào. Ngoài ra, được sự đồng ý của UBND huyện Lâm Hà, chúng tôi đã cắt cử một đội gồm lực lượng Công an xã, dân quân túc trực 24/24 để giữ gìn an ninh chung, tránh hiện tượng một số người lợi dụng mót cà phê của người dân cũng như hỗ trợ các hộ thu hoạch cà phê, phần diện tích đang có dấu hiệu nứt nhẹ nếu có tình huống xấu xảy ra” – ông Lĩnh cho hay. 
 
Cũng theo ông Lĩnh phân tích, những quả đồi nối tiếp nhau tại vị trí đất sụt lún không quá dốc. Tuy nhiên, đất phía dưới khu vực này khá mềm, gồm đá, đất sét trắng. Đồng thời khi đất sạt, một mạch nước ngầm nhỏ cách mặt đất 3m chảy liên tục xuống phía dưới. Riêng tại vị trí phía dưới vùng đồi sạt lở, trước đây là một vùng sình lầy rộng khoảng 5 ha nhưng nhiều năm nay người dân đào khoảng 3 ao nhỏ, xung quanh trồng cà phê và cũng chưa từng xuất hiện tình trạng nứt đất.
 
Trước việc mưa lớn vẫn tiếp tục vào cuối chiều mỗi ngày, UBND huyện Lâm Hà cho biết đã có báo cáo khẩn lên UBND tỉnh Lâm Đồng để xin ý kiến chỉ đạo xử lý. Sau khi cùng các phòng chuyên môn của huyện đi khảo sát hiện trường vụ sụt lún, trượt đất tại đây, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà nhận định: Tới ngày 16/10, đất vẫn tiếp tục sụt lún, diện tích cà phê bị vùi lấp, ảnh hưởng nặng khoảng trên 20 ha, trong đó có khoảng 15 ha cà phê gần như mất trắng, hơn 100 ha cà phê phía sau bị ảnh hưởng, chia cắt đường đi hoàn toàn. 
 
“Chúng tôi đánh giá vùng đất sụt lún có kết cấu địa chất yếu nhưng cần cơ quan chuyên môn xác định cụ thể nguyên nhân. Với tình hình trời mưa to kéo dài, việc sụt lở, trượt đất sẽ tiếp tục diễn ra nhanh, khó lường và rất nguy hiểm nên UBND huyện Lâm Hà đã đề xuất UBND tỉnh sớm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá và đề xuất phương án xử lý. Trước mắt chúng tôi đề xuất tỉnh hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại và bố trí kinh phí để mở tuyến đường mới vòng dài 1,5km vòng ra phía sau khu vực sạt lở để cho người dân có cà phê trên vùng diện tích bị ảnh hưởng đi lại, thu hoạch cà phê trong mùa vụ sắp tới” – ông Tài cho biết.
 
C.THÀNH