Hàng lưu niệm lay lắt "đầu đường…"

09:10, 25/10/2017

"Hàng lưu niệm ở Ðà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung lay lắt nơi đầu đường, xó chợ. Nhìn Ðà Lạt là thấy những nơi khác hàng lưu niệm đang tồn tại ra sao", ông Võ Anh Tần, thành viên HÐQT Công ty CP Du lịch Lâm Ðồng, nhận định. 

“Hàng lưu niệm ở Ðà Lạt nói riêng và Việt Nam nói chung lay lắt nơi đầu đường, xó chợ. Nhìn Ðà Lạt là thấy những nơi khác hàng lưu niệm đang tồn tại ra sao”, ông Võ Anh Tần, thành viên HÐQT Công ty CP Du lịch Lâm Ðồng, nhận định. 
 
Những gian hàng lưu niệm tạm bợ xuất hiện ở các khu điểm du lịch. Ảnh: Ðức Thọ
Những gian hàng lưu niệm tạm bợ xuất hiện ở các khu điểm du lịch. Ảnh: Ðức Thọ

“Hàng lưu niệm như một cái cớ để người bán chèo kéo khách. Nó nằm ở những góc chợ không mấy ngăn nắp, những kiốt bừa bộn ở những khu du lịch hoặc bán chung với những món hàng giá rẻ không có nguồn gốc rõ ràng”, ông Tần nhận xét. Ông Tần cho rằng, hàng lưu niệm ở Việt Nam bị nằm bên rìa hoạt động kinh doanh du lịch vì nó xuất hiện trong guồng máy kinh doanh nhưng không đóng góp được nhiều, thậm chí còn làm cho hình ảnh du lịch trở nên xấu xí. Lỗi không phải ở những món hàng mà lỗi ở không gian “sống” của hàng lưu niệm. Với tư cách là chuyên gia quy hoạch du lịch, ông Tần nhấn mạnh, hàng lưu niệm chỉ có giá trị khi sống đúng trong không gian văn hóa của nó. Cụ thể hơn, nó phải gắn với du lịch cộng đồng. 
 
Du khách né… hàng lưu niệm
 
Du lịch và công thương phải bắt tay
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chất lượng, mẫu mã hàng lưu niệm ở Đà Lạt hay Việt Nam còn yếu. Tuy nhiên, điểm cốt yếu khiến hàng lưu niệm không phát triển và không có đóng góp cho ngành du lịch dù đó là phần quan trọng của ngành chính là không gian văn hóa. Trước đây, ngành có quy hoạch và đặt ra vấn đề nếu buôn bán hàng lưu niệm ở nơi công cộng thì nên thế nào để du khách cảm thấy thích, có được cảm giác mua được món hàng do người địa phương làm nên. Còn lại, quan trọng nhất là đưa hàng lưu niệm về những làng nghề. Như vậy, làng nghề sẽ trở nên có sức sống, còn du khách thì có thêm những điểm đến. Sự phối hợp giữa du lịch và công thương chưa đồng bộ và cộng đồng nghệ nhân đang sống ở các làng nghề chưa ủng hộ ngành du lịch nên chưa tạo được không gian sống đúng nghĩa cho đồ lưu niệm. Sắp tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ quy hoạch lại mảng hàng lưu niệm theo hướng phát triển du lịch cộng đồng để giải quyết hai điểm yếu. 
Chưa bàn đến mẫu mã, chất lượng, hàng lưu niệm ở nhiều điểm du lịch trên khắp Việt Nam rơi vào vùng trũng của ngành du lịch bởi không gian kinh doanh của mặt hàng này. Chính nơi nó tồn tại đã biến hàng lưu niệm thay vì mang đến một điểm cộng cho du lịch địa phương thì lại làm cho ngành du lịch bị vướng điểm trừ. Vào dịp cuối tuần, chúng tôi theo chân đoàn du khách có người Trung Quốc, châu Âu và du khách từ các tỉnh miền Bắc tham quan tuyến đường du lịch Mai Anh Đào - Phù Đổng Thiên Vương (Đà Lạt), nơi có 2 khu điểm du lịch Thung lũng Tình Yêu và Đồi Mộng Mơ. Ở mặt tiền hai khu du lịch này, các kiốt tạm thiết kế không đẹp mọc một dãy dài chắn ngang tầm nhìn du khách. Cố ý chắn lối nhưng những gian hàng không chặn được luồng đi của du khách, khiến du khách ghé vào tham quan, mua sắm. Hàng lưu niệm ở đây là những chiếc nón len, nón da kiểu cao bồi, móc khóa len hoặc gỗ khắc chữ - hoa văn, áo sơ mi in chữ “Đà Lạt” và… hết. Họ đi nhanh qua những quầy hàng, khi bị chèo kéo họ dừng lại nhưng lại tỏ ra khó chịu. Có người mua lấy lệ những chiếc móc khóa len giá rẻ rồi đi nhanh. “Tôi đi nhiều khu du lịch rồi, không thấy có gì mới lạ ngoài móc khóa len, gỗ và áo in hình. Biết thế nên thấy bày bán ngổn ngang cũng không muốn nhìn. Bán buôn lộn xộn thế này thì mấy khi là hàng tốt. Lưu niệm cũng phải tốt, đẹp hoặc hay hay thì mới dám mang về tặng gia đình hoặc lưu niệm cho chính mình”, chị Hoàng Thủy Nguyên (du khách đến từ Hòa Bình) nhận xét. 
 
Khi chúng tôi hỏi về những chiếc nón kiểu cao bồi màu nâu và những quả thông khô được bày bán, anh Trần Hữu Phi (du khách đến từ Quảng Ninh), bảo: “Tôi không rành thời trang nhưng nhìn là biết không phải bằng da. Ở nhiều chỗ khác tôi cũng thấy bày bán, ở tận Mai Châu cũng có bán nữa. Không có một chút đặc biệt nào. Những quả thông vui mắt, nhưng tôi mua xong chẳng biết dùng làm gì nữa. Tặng thì sơ sài, mua cho mình thì không thu hút tôi lắm vì nó không có gì khiến tôi tò mò và tôi cũng chẳng biết dùng nó cho việc gì”. Anh Phi đi vội ra khỏi khu vực có nhiều gian hàng khi vừa dứt câu chuyện vì sợ bị chào mời. 
 
Thiền viện Trúc Lâm, chợ Đà Lạt, Khu Du lịch thác Prenn hay nhiều khu điểm khác, hàng lưu niệm cũng được bày bán tương tự như nhau. Những món hàng nhiều năm không thay đổi mẫu mã được bày bán lộn xộn ở những nơi mà du khách gọi là nơi… gây mất mỹ quan khu du lịch. Anh Trần Đình Lãm, hướng dẫn viên du lịch tại Đà Lạt chuyên khách đoàn đến từ Trung Quốc đi tham quan, bảo: “Thấy thương cho những món quà lưu niệm. Đã không mấy hấp dẫn mà toàn bán ở những chỗ cấm bán, hoặc bán ở những nơi không được đầu tư thể hiện một sự lịch sự, chăm chút thì làm sao mà thu hút khách. Mới nhìn qua gian hàng họ đã ngờ ngợ bao nhiêu chuyện tiêu cực trong đấy thì làm sao mà du khách dám mua”. Anh Lãm khẳng định, nếu đặt vào đúng không gian, những món hàng lưu niệm chưa được tốt, đẹp cũng sẽ được chọn mua, hoặc đón nhận một thái độ tốt hơn của du khách. Chúng tôi thắc mắc anh Lãm về một nơi như anh nói ở Đà Lạt, Tây Nguyên và Việt Nam. Anh nói với thái độ thận trọng: “Trong hiểu biết hạn hẹp của hướng dẫn viên lữ hành tôi cho rằng không có hoặc không đủ gây chú ý cho du khách”. 
 
Sống trong cộng đồng
 
Anh Lãm kể câu chuyện trong lần anh đi giao lưu du lịch tại Myanmar. Tại khu vực hồ Inle, anh và du khách đi thuyền vào làng nổi để tới những khu làm bạc, làm đồng và làm giấy. Những món hàng lưu niệm từ những nhóm làm nghề truyền thống khiến du khách mê mẩn dù không tinh xảo, thậm chí thô vụng. Ngoài những món trang sức, khu vực làng nổi còn có bán những món đồ không tinh xảo nhưng tiện dụng làm bằng giấy do chính tay người làng làm ra như sổ tay, thiệp, thẻ đánh dấu sách. “Du khách thích hàng lưu niệm ở làng nổi không phải vì nó đẹp, tinh tế đến mức mê mẩn ngay tức khắc nhưng khi bước vô làng nổi, từng món đồ trang sức hay đồ lưu niệm bằng giấy lập tức mang trên mình câu chuyện của cái làng lâu đời này. Không gian làng khiến du khách có cảm giác chạm vào những món đồ lưu niệm như chạm được vào quá khứ, hoặc cuộc sống của người bản địa và họ muốn sở hữu vì họ biết họ sẽ không mua được những món đồ ấy ở nơi khác”, anh Lãm nói. Anh kể thêm: “Có nhóm du khách ngã giá để được mua rẻ hơn một cuốn sổ bằng giấy nhìn rất thô sơ, có màu vàng ố nhưng khi đi xem tường tận từng công đoạn làm ra cuốn sổ thô mộc nhiều du khách cảm thấy áy náy. Họ bảo đáng lẽ không nên kì kèo vài đồng vì nghệ nhân đã quá kỳ công để cuốn sổ ra đời. Điều này rất khác với những đoàn khách trong nước tôi thường đưa đi tham quan, họ rất vui khi ngã giá thành công một món hàng lưu niệm. Tôi hiểu họ có cảm giác mình không bị “đội quân” lưu niệm… lừa”. 
 
Ông Siu Hrill (tốt nghiệp thạc sĩ du lịch cộng đồng tại Đại học Hawaii, Mỹ) cho rằng, những món đồ lưu niệm chỉ có giá trị và sức sống đối với du khách khi nó được trao tay du khách ngay tại nơi nó được làm ra. Đồ lưu niệm đẹp nhất khi được đưa đến bàn tay du khách bằng bàn tay của người làm ra nó. Có thể đó là xưởng khắc chữ lên chìa khóa gỗ, căn nhà dài nơi nghệ nhân làm ra chiếc nỏ, cây đàn, chuông gió tre nứa, thậm chí chỉ là một góc nhà nơi người phụ nữ K’Ho, Jarai dệt ra tấm thổ cẩm mang dấu ấn của dân tộc mình. “Đặt những sản phẩm lưu niệm ra khỏi không gian đặc trưng của địa phương, rời khỏi nơi sinh sống những nghệ nhân địa phương tự dưng nó mất đi nhiều giá trị. Giá trị món đồ lưu niệm nằm nhiều ở những kỷ niệm mà du khách đã trải qua ở địa phương. Do vậy, dù thô mộc hay tinh tế, món đồ lưu niệm chỉ khiến du khách thực sự muốn mang theo về khi hành trình sở hữu món đồ lưu niệm chứa giá trị du lịch, trải nghiệm”. 
 
ÐỨC THỌ