Không thể bắt mọi người phải phục vụ một người

09:10, 16/10/2017

Từ năm 2011 đến nay, bà Phạm Thị Trâm ở thôn Tân Lạc 3, xã Đinh Lạc liên tục có đơn gửi các cấp, các ngành khiếu kiện gia đình ông Nguyễn Đức Thành bít con đường đi trong thôn, khiến việc đi lại của gia đình bà và hàng chục hộ phía sau gặp nhiều khó khăn, vất vả.

Từ năm 2011 đến nay, bà Phạm Thị Trâm ở thôn Tân Lạc 3, xã Đinh Lạc liên tục có đơn gửi các cấp, các ngành khiếu kiện gia đình ông Nguyễn Đức Thành bít con đường đi trong thôn, khiến việc đi lại của gia đình bà và hàng chục hộ phía sau gặp nhiều khó khăn, vất vả.
 
Tại hiện trường, chúng tôi được “mục sở thị” một con đường rộng chừng 0,7-1 m đã được bê tông hóa từng chặng, nối thông giữa thôn Tân Lạc 3 ra công trường khai thác đá, qua thôn Tân Phú ra Quốc lộ 20 đã bị gia đình ông Thành “chặt đứt” đoạn giữa, bằng việc xây một bức tường chắn cao 0,6 m, biến thành sân nhà ông Thành. Thành thử, mọi người dân khi lưu thông qua đoạn đường này, nếu tiếp tục đi thì buộc phải đi vào sân nhà ông Thành, hoặc phải quẹo lên một triền dốc bên cạnh rất khó khăn. 
 
Trao đổi với chúng tôi, bà Trâm bức xúc: Đã một vài lần cán bộ chính quyền xã Đinh Lạc và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện vào đưa ra hướng giải quyết: Mở con đường mới nằm trong phạm vi vườn của bà Trâm. Tuy nhiên, khi bà Trâm dẫn chúng tôi lên đồi chỉ con đường mới, thì thật sự bất ngờ, vì với con đường này không thể lưu thông đi lại được, bởi chỉ toàn đá và đá, cục to, cục nhỏ lô nhô, lổm nhổm, xe máy cày, xe công nông lưu thông còn rất khó khăn, nói gì đến việc lưu thông bằng xe máy. 
 
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc cho hay: Trước đây có một văn bản thỏa thuận mở con đường mới và bà Phạm Thị Trâm đã đồng ý, ký vào văn bản. Khi được  Chủ tịch xã yêu cầu cung cấp cho chúng tôi văn bản đó, nhưng cán bộ địa chính xã - Đinh Văn Nam loay hoay tìm mãi vẫn không thấy. Tiếp đó, ông Nam khẳng định: Con đường đi đã được bê tông xi măng từng đoạn có từ trước, được người dân đóng góp công sức, vật tư để bê tông hóa và việc gia đình ông Thành xây tường cao khoảng 0,6 m để biến một đoạn đường thành sân nhà là có thật. Tuy nhiên, mọi người dân đồng ý mở một khúc đường quẹo lên đồi cao để né sân nhà ông Thành, với điều kiện gia đình ông Thành phải san ủi bằng phẳng (Trong thực tế đoạn đường quẹo này không hề được san ủi). Ngoài ra, bà Phạm Thị Trâm cũng đã đồng ý mở con đường mới lưu thông ra thôn Tân Phú như đã nói. 
 
Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra hình ảnh con đường mới dự định sẽ mở không thể lưu thông được, thì ông Nam giải thích về mùa nắng vẫn có thể đi lại được. Nghe cán bộ địa chính giải thích như vậy, chúng tôi nêu ý kiến: Tại sao con đường đã được bê tông hóa thuận tiện cho việc đi lại như vậy, mà chính quyền địa phương lại cho gia đình ông Nguyễn Đức Thành xây tường chắn lại để làm sân nhà, lại đi mở một con đường mới đầy khó khăn, vất vả trong việc lưu thông hai mùa mưa nắng. Và việc làm đơn giản là chỉ cần giải tỏa bức tường chắn của gia đình ông Thành thì không làm lại chọn việc làm khó khăn, khó thực hiện được là mở con đường mới. Đây có phải là mọi người buộc phải vì một người hay không?. 
 
Trước việc chúng tôi đặt câu hỏi nói trên, Chủ tịch xã Nguyễn Trường Giang cho hay, sẽ tổ chức kiểm tra thực tế, vì có thể gia đình ông Thành mới xây bức tường chắn, còn cán bộ địa chính Đinh Văn Nam thì cho biết: Sẽ kiểm tra, buộc gia đình ông Thành phải san gạt bằng phẳng khúc đường quẹo né sân nhà ông Thành. 
 
Thiết nghĩ, cái gì thuận lợi, đỡ tốn kém cho người dân thì nên làm, cái gì khó khăn, gây tốn kém cho người dân thì không nên làm. Và, trong trường hợp này, chỉ cần giải tỏa bức tường chắn ngang đường của gia đình ông Nguyễn Đức Thành là đơn giản và hiệu quả nhất.                         
 
 Hoàng Đại Huynh