Liêng Srônh: Còn đấy trăn trở

09:10, 30/10/2017

Sau 30 năm thành lập, Liêng Srônh đã có nhiều bước chuyển mình, song hiện vẫn thuộc xã nghèo. Vì vậy, hành trình thoát nghèo vẫn còn là sự trăn trở trong mỗi cán bộ và người dân nơi đây…  

Sau 30 năm thành lập, Liêng Srônh đã có nhiều bước chuyển mình, song hiện vẫn thuộc xã nghèo. Vì vậy, hành trình thoát nghèo vẫn còn là sự trăn trở trong mỗi cán bộ và người dân nơi đây… 
 
Cơ sở hạ tầng khang trang đã phần nào thể hiện diện mạo mới ở Liêng Srônh. Ảnh: N.Ngà
Cơ sở hạ tầng khang trang đã phần nào thể hiện diện mạo mới ở Liêng Srônh. Ảnh: N.Ngà
Áp lực trước cái nghèo
 
Đồng chí Trần Phước Mênh - Bí thư Đảng ủy xã Liêng Srônh cho biết: “Trước năm 1962 đây là vùng rừng thiêng nước độc có một số rất ít bà con người Mạ và Cil sinh sống. Mãi đến năm 1987 xã Liêng Srônh được thành lập cùng với huyện Lâm Hà theo Quyết định số 157 ngày 24/10/1987 của Hội đồng Bộ trưởng. Kể từ đây xã chính thức có trên bản đồ địa giới hành chính với diện tích tự nhiên hơn 31.000 ha. Những năm đầu thành lập dân số xã khoảng 300 hộ, sống tập trung tại 4 buôn: Đơng Ja, Liêng Hung, Dạ RMăng và Fisrônh”.
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, già làng Rơ Ông Ha Jràng (70 tuổi) trú tại Thôn 1 nhớ lại: “Ngày trước, bà con sống du canh, du cư, phát nương làm rẫy, đi săn, bẫy thú rừng; lương thực tự cung tự cấp chủ yếu lúa rẫy. Đau ốm, bệnh tật thì rước thầy mo, thầy cúng về để chữa bệnh, sinh đẻ tại nhà. Bà con đi đâu cũng lội bộ băng rừng vượt suối. Không hề có đường xã, trạm y tế, trường học...”. 
 
Bí thư Đảng ủy xã nói thêm: Hệ thống chính trị chỉ có duy nhất chính quyền lâm thời, không có đảng viên, không đoàn thể. Trước năm 2006 đội ngũ cán bộ xã được bố trí theo Nghị định 121 và Nghị định 114 của Chính phủ, xã Liêng Srônh được bố trí 16 cán bộ chuyên trách và 14 cán bộ bán chuyên trách được tuyển dụng mang tính chắp vá, trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị thấp, hầu hết chưa qua đào tạo; đội ngũ cán bộ xã vừa thiếu, vừa yếu. 
 
 Thời điểm ấy 100% dân trong xã là hộ đói, hàng năm đều phải cứu đói từ 4 đến 6 tháng; y tế, giáo dục hết sức sơ khai và tạm bợ; dịch bệnh tràn lan, nhất là sốt rét và tiêu chảy; tỷ lệ mù chữ trên 80%. Bên cạnh đó, đây cũng là vùng đất mới nên dân di cư tự do các nơi vào tạo cho xã nghèo thêm áp lực vì họ sống dựa vào khai thác lâm sản, khoáng sản, lấn chiếm đất rừng trái phép… Bởi vậy, mảnh đất Liêng Srônh đã nghèo lại phải “gồng gánh” thêm bài toán ổn định dân cư và sự phát triển kinh tế của địa phương.  Từ năm 2000 đến nay, người dân nhiều tỉnh, thành trong nước đã di cư vào địa bàn xã ngày càng đông, đặc biệt bà con đồng bào Mông từ các tỉnh phía Bắc đến nay đã lên tới 434 hộ với 2.377 khẩu, sống thành 5 cụm dân cư tại 10 tiểu khu. Qua đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
 
Nỗ lực chuyển mình
 
Chủ tịch UBND xã Liêng Srônh Trương Quốc Khánh cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đầu tư để ổn định và phát triển vùng đồng bào dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn như Chương trình 134, 135, 327, Chương trình định canh, định cư; đồng thời với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, bằng nhiều giải pháp kể cả trước mắt và lâu dài đã tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc ở địa phương đã bắt đầu định canh, định cư ổn định, chấm dứt tình trạng du canh, du cư”. Chị Giàng Thị Nú, người dân tộc Mông từ phía Bắc vào sinh sống tại Thôn 5, xã Liêng Srônh nói rằng: “Ngày trước ở ngoài Bắc khổ quá nên cả gia đình mình vào đây. Lúc mới vào cũng đói lắm phải phá rừng, nhưng bây giờ biết trồng cà phê nên hết đói, con cái đều được tới trường ”. Cũng như chị Giàng Thị Nú, nhiều người dân trong xã đã ổn định cuộc sống, sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. 
 
Hiện nay, tổng dân số trên toàn xã 1.883 hộ, có 16 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, chiếm tỷ lệ 74,7%, thu nhập bình quân đầu người trong năm đạt 22,5 triệu đồng. 
 
Cũng theo thống kê của xã, đến nay tổng diện tích gieo trồng đạt 2.361, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm  đạt 18,8%. Bên cạnh đó,  các vấn đề y tế, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa… được quan tâm đúng mức, người dân trong xã còn hiến hàng chục ngàn m2 đất, hàng ngàn cây cà phê, hơn 1.000 ngày công để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất góp phần đã hoàn thành 11 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.  
 
Chủ tịch UBND xã Trương Quốc Khánh khẳng định: “Nhận thức của đồng bào các dân tộc được nâng lên từng bước, đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh nên đến giữa tháng 9/2017 dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt gần 53 tỷ đồng với 962 hộ vay. Cùng đó, người dân bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây trồng, nhất là cây cà phê; hình thành nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư,  ngoài QL 27 dài 17 km chạy dọc theo địa bàn xã, các tuyến đường liên xã, liên thôn, vào các khu sản xuất được mở rộng trên 48 km và đã cứng hóa được 30 km, đạt 62%…”. 
 
Có được những tín hiệu đáng mừng trên, bên cạnh các chính sách ưu tiên phát triển  xã nghèo, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải kể đến đội ngũ cán bộ, công chức xã ngày càng trẻ hóa, chuẩn hóa, nhất là cán bộ nữ, cán bộ là người đồng bào dân tộc. Đến nay 100% cán bộ công chức được chuẩn hóa theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ. Trước năm 2006, từ một chi bộ đảng có 18 đảng viên, đến nay, toàn Đảng bộ xã có 11 chi bộ trực thuộc với 99 đảng viên. Trong đó, gần 50% là đảng viên nữ, hơn 41% là đảng viên người DTTS. 
 
NGỌC NGÀ