Nhiều phán quyết khác nhau - tranh chấp đất đai kéo dài

09:10, 25/10/2017

Sau khi bán miếng đất 1.200 m2 cho bà Nguyễn Thị Vinh (66 tuổi) vào năm 1982, tới năm 2001 ông Lê Bằng (74 tuổi, ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Ðức Trọng) phát hiện diện tích đất bán cho bà Vinh dư ra nhiều so với giấy sang nhượng nên khởi kiện ra tòa án.

Sau khi bán miếng đất 1.200 m2 cho bà Nguyễn Thị Vinh (66 tuổi) vào năm 1982, tới năm 2001 ông Lê Bằng (74 tuổi, ngụ thị trấn Liên Nghĩa, huyện Ðức Trọng) phát hiện diện tích đất bán cho bà Vinh dư ra nhiều so với giấy sang nhượng nên khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, điều đáng nói là từ năm 2001 tới nay đã 16 năm, vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm dẫn tới hai gia đình nhiều lần xảy ra xô xát. Ðồng thời, cùng một nội dung vụ việc nhưng Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Ðồng và Tòa án Nhân dân huyện Ðức Trọng cũng như Tòa án Nhân dân tối cao lại có những nhận định khác nhau.
 
Theo trình bày từ ông Lê Bằng, trước năm 1978, gia đình ông có 5.568 m 2 đất nông nghiệp ở thôn Liên Hiệp, huyện Đức Trọng (nay là đường Chu Văn An, thị trấn Liên Nghĩa). Năm 1982, vợ chồng ông sang nhượng cho vợ chồng ông Võ Thành Đạt và bà Nguyễn Thị Vinh là hàng xóm kế nhà 1.200 m 2 với giá 25.000 đồng. Khi sang nhượng hai bên chỉ viết giấy tay và áng chừng diện tích, không đo đạc cụ thể. Sau khi sang nhượng một thời gian cả hai bên đều đi kê khai đăng ký quyền sử dụng đất. Tháng 5/1993, ông Bằng được UBND huyện Đức Trọng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 4.204 m 2, bà Vinh là 1.296 m 2 đất màu thuộc bản đồ địa chính số 5, thửa 128. Tuy nhiên, năm 2001 ông Bằng đo lại đất thì phát hiện gia đình bà Vinh sử dụng đất thực tế dư nhiều so với giấy sang nhượng nên ông khởi kiện vợ chồng bà Vinh ra tòa án. Trong khi đó, phía gia đình bà Vinh cho rằng không lấn chiếm đất của ông Bằng. Việc đo đạc lại đất của ông có dư ra 145 m 2 theo sơ đồ địa chính là dư phía sau Trường THPT Đức Trọng do trước đây trường xây bờ tường bỏ lại diện tích đất nên vợ chồng ông tận dụng.
 
Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 25/7/2002 do Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng xét xử đã ra phán quyết bác yêu cầu khởi kiện của ông Bằng đòi lại diện tích 4,33 m mặt tiền đường Chu Văn An kéo thẳng ra phía sau Trường THPT Đức Trọng có tường xây là 47,9 m, tương đương 274,46 m 2. Tạm giao diện tích đất dư 42 m 2 của vợ chồng ông Lê Bằng và 145 m 2 của vợ chồng bà Vinh cho các bên tiếp tục sử dụng. Tại phiên xử phúc thẩm ngày 28/11/2002, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng sau khi xem xét đã chấp nhận một phần kháng cáo của ông Bằng. Tòa yêu cầu vợ chồng bà Vinh phải thanh toán cho gia đình ông Bằng 432.000 đồng trị giá của 96 m 2 đất màu và 950.000 đồng tiền chi phí đo đạc. Sau phiên phúc thẩm trên, UBND huyện Đức Trọng đã ra Quyết định thu hồi miếng đất dư so với diện tích được cấp trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do không đồng ý với cách giải quyết của tòa án và huyện Đức Trọng, ông Bằng khiếu nại lên Tòa án Nhân dân tối cao. Tuy nhiên, lần này (tháng 12/2005) Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng và Tòa án Nhân dân tỉnh, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án huyện xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
 
Theo ông Lê Bằng, từ việc xét xử qua nhiều lần với nhận định khác nhau thì tới cuối năm 2006, Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng lại xét xử và bác yêu cầu của ông, buộc giao lại cho vợ chồng bà Vinh số tiền 1.382.000 đồng giá trị của 96 m 2 đất và chi phí đo đạc. “Do quá bức xúc, tôi tiếp tục kiện lên Tòa án tỉnh. Tới ngày 27/10/2008, Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của tôi, bác các phán xét một phần của Tòa án Đức Trọng. Thế nhưng bà Vinh tiếp tục kiện và yêu cầu xét xử theo trình tự tái thẩm, nên tới ngày 16/12/2014, Tòa án Nhân dân tối cao lại ra Quyết định tái thẩm hủy bản án phúc thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh xử năm 2008 và bản án dân sự sơ thẩm của Tòa Đức Trọng xử năm 2006, giao hồ sơ cho Tòa án Nhân dân huyện xét xử lại theo trình tự sơ thẩm”- ông Bằng nói. Trong khi đó, do bản án năm 2008 có hiệu lực, Chi cục thi hành án dân sự huyện Đức Trọng đã thi hành án gần xong, chỉ chưa cắm mốc giao đất theo quy định.
 
Và mới đây nhất, qua rất nhiều phiên xét xử, Tòa án Nhân dân huyện Ðức Trọng đã xét xử sơ thẩm lại vụ án dân sự tranh chấp đất đai giữa ông Bằng và bà Vinh vào ngày 29/9/2017. Trong đó, những nhận định lại rất khác so với phiên xét xử ngày 27/10/2008 của Tòa án Nhân dân tỉnh. 
 
Theo phiên xét xử, Tòa án Nhân dân huyện Đức Trọng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Bằng, yêu cầu vẫn giữ nguyên diện tích đất 1.296 m 2 (chưa trừ lộ giới) của bà Vinh. Lý do Tòa đưa ra là diện tích đất 1.200 m 2 của vợ chồng bà Vinh mua từ ông Bằng dôi ra 96 m 2 là do quá trình sử dụng đất gia đình bà Vinh có lấn chiếm một phần diện tích phía sau Trường THPT Đức Trọng nên không có căn cứ trả lại diện tích đất dư cho gia đình ông Bằng.
 
“Tình tiết mới tòa nhận định do có xác minh từ Trường THPT Đức Trọng để nhận định bà Vinh không lấn đất của tôi ngay từ đầu tôi đã trình bày, cung cấp bản xác nhận của nhà trường nên tôi thấy tòa xử không chính xác. Tôi đã làm đơn kháng cáo bản án, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án xử phúc thẩm năm 2008 của Tòa án Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, bản đồ địa chính bà Vinh cung cấp không có căn cứ vì thời điểm tôi bán đất chỉ thể hiện diện tích, không thể hiện tọa độ, kích thước các cạnh của thửa đất” - ông Bằng cho biết.
 
C.THÀNH