Lựa chọn đề bài nhằm giáo dục đạo đức cho học sinh

08:10, 11/10/2017

Hơn 1 tuần qua, câu chuyện về hình ảnh "học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh) cúi chào bác bảo vệ" không chỉ tạo hiệu ứng mạnh trên các trang mạng xã hội mà còn được dư luận đón nhận, chia sẻ, xem đây là một hành động đẹp của lứa tuổi học trò cần được gìn giữ, phát huy. 

Hơn 1 tuần qua, câu chuyện về hình ảnh “học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh) cúi chào bác bảo vệ” không chỉ tạo hiệu ứng mạnh trên các trang mạng xã hội mà còn được dư luận đón nhận, chia sẻ, xem đây là một hành động đẹp của lứa tuổi học trò cần được gìn giữ, phát huy. 
 
Trường THPT Lộc Phát kiểm tra giữa sân trường. Ảnh: K.P
Trường THPT Lộc Phát kiểm tra giữa sân trường. Ảnh: K.P

Sáng 9/10, được sự đồng thuận cao của Ban giám hiệu nhà trường, cô giáo Võ Thị Kim Loan, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn (Trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc) đã chính thức đưa hình ảnh về câu chuyện “học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh) cúi chào bác bảo vệ” vào đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 12 của trường. Ngoài mục đích rèn luyện kỹ năng viết văn cho học sinh, đề kiểm tra còn hướng tới việc giáo dục đạo đức và nhân cách sống cho học sinh.
 
Đề bài dẫn chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lũy (bác bảo vệ Trường THPT Lê Hồng Phong) về việc ông được các học sinh cúi chào mỗi ngày. Sau đó, đề bài cho học sinh 3 câu hỏi, trong đó có câu: “Ấn tượng sâu sắc nhất của các em sau khi đọc bài viết này là gì? Viết bài văn trình bày suy nghĩ của các em về điều đó”. Cô giáo Võ Thị Kim Loan, giáo viên trực tiếp ra đề, chia sẻ: “Những năm trước, hình ảnh về “người thầy giáo “băng rừng, vượt suối” vào bản làng vận động học sinh bỏ học tiếp tục đến lớp”; hình ảnh “các cô giáo mầm non ở huyện Tuy An, Phú Yên kê bàn dầm mình trong nước cứu 17 học sinh thoát khỏi lũ giữ” hay hình ảnh “người dân giúp tài xế thu gom bia khi xe tải bị lật”... cũng đã được chúng tôi đưa vào đề thi và kiểm tra môn Ngữ văn. Tất cả đều hướng tới mục đích rèn luyện kỹ năng viết văn cho các em học sinh; đồng thời, hướng tới việc giáo dục đạo đức, nhân cách sống cho các em và đề văn lần này cũng không ngoại lệ”.
 
Theo các giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường THPT Lộc Phát, hành động cúi chào bác bảo vệ tuy nhỏ nhưng đáng được trân trọng và để tất cả mọi người nói chung, các em học sinh nói riêng phải suy ngẫm, làm theo. Câu chuyện này là bài học lớn cho các em học sinh, không chỉ biết lễ phép với cha mẹ, thầy cô mà phải biết lễ phép với người lớn tuổi, những người làm công việc bình thường trong xã hội.
 
Em Phạm Thị Tường Vy, học sinh lớp 12A1 (Trường THPT Lộc Phát) chia sẻ: “Chúng em vừa nhận được bài kiểm tra mà cô giáo giao về nhà làm. Theo em, hành động học sinh cúi chào bác bảo vệ tuy bình thường nhưng lại “đẹp” và mang tính nhân văn sâu sắc. Từ hành động này, giúp cho chúng em nhìn nhận, đánh giá lại ý nghĩa những việc làm của mình. Qua đó, không chỉ tạo thói quen cho học sinh trong cách ứng xử với mọi người mà còn trang bị cho chúng em những kiến thức xã hội tốt để bước vào cuộc sống tương lai”.
 
“Với đề Văn này, một lần nữa khẳng định “Tiên học lễ, hậu học văn” - triết lý ấy luôn luôn đúng dù trong nhà trường xưa hay nhà trường nay. Càng giá trị hơn, khi cả nước ta đang tiếp bước trên con đường đổi mới giáo dục” - thầy Nguyễn Hoàng Chương - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định.
 
KHÁNH PHÚC