Tận tình như người nhà

09:10, 26/10/2017

Lần đầu tiên vào cấp cứu do Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cấp, tôi cảm thấy  buồn, lo qua một đêm thức trắng vì căn bệnh khá nguy hiểm của mình. Thế rồi, mọi suy nghĩ mơ hồ bỗng nhiên tan biến…

Lần đầu tiên vào cấp cứu do Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cấp, tôi cảm thấy  buồn, lo qua một đêm thức trắng vì căn bệnh khá nguy hiểm của mình. Thế rồi, mọi suy nghĩ mơ hồ bỗng nhiên tan biến…
 
Đó là lần tôi nhập viện gần đây và  được các bác sĩ ở Khoa Nội 2 ân cần giải thích rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm cũng như cách phòng ngừa bệnh… đã làm cho tôi yên tâm hơn nhiều.
 
Vừa thay xong quần áo bệnh viện, định ngả lưng một chút cho đỡ mệt, bác Nguyễn Văn Quý, 87 tuổi nằm giường bên cạnh như đoán biết được tâm trạng âu lo của tôi, quay sang nói nhỏ:
 
- Chú đừng lo, đã vào Khoa Nội 2 đều được các bác sĩ, điều dưỡng viên tận tình thăm khám bệnh, điều trị và chăm sóc chu đáo như người nhà vậy. Không tin, chú tìm và đọc hết hai cuốn sổ Góp ý của bệnh nhân đối với Khoa Nội 2 sẽ hiểu tường tận, đầy đủ hơn về những thầy thuốc đang làm việc ở đây.     
 
Sang Phòng Hành chính mượn hai cuốn sổ nói trên, tôi trở về phòng đọc gần hai ngày mới xong toàn bộ nội dung góp ý của bệnh nhân. Hầu như tất cả các ý kiến đều ngợi khen một cách đúng mực, đầy trách nhiệm nhằm góp phần xây dựng Khoa Nội 2 ngày càng phát triển tốt đẹp hơn mà thôi. Rất nhiều ý kiến của bệnh nhân đều bày tỏ sự biết ơn và những lời khen chân thành đến lãnh đạo tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị y tế hiện đại nên chất lượng điều trị ngày một tốt hơn nhiều. Đặc biệt, Khoa Nội 2 còn là đơn vị tổ chức được ba bữa ăn hằng ngày cho bệnh nhân. Sự quan tâm thiết thực đó đã an ủi, động viên các thệ hệ cán bộ một thời làm việc cho Nhà nước nay được vào đây điều trị thuận lợi càng cảm thấy an tâm và hạnh phúc trong những năm tháng về già.                    
 
Bệnh nhân cao tuổi không chỉ được điều trị chu đáo mà còn mong sự ân cần của bác sĩ. Ảnh: Diệu Hiền
Bệnh nhân cao tuổi không chỉ được điều trị chu đáo mà còn mong sự ân cần của bác sĩ. Ảnh: Diệu Hiền
               
Phần đông các ý kiến đều dành lời khen đúng mực, có tính động viên cao nhằm tôn vinh tập thể cán bộ, nhân viên Khoa Nội 2 là một trong những đơn vị thực hiện tốt Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc làm cụ thể, thiết thực. Bác sĩ Võ Thị Hồng Lê, Trưởng Khoa Nội 2 được nhiều bệnh nhân đánh giá là người đứng đầu của một tập thể luôn đoàn kết gắn bó, thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Nhất là thái độ cởi mở, chân tình, đầy trách nhiệm của các bác sĩ, điều dưỡng viên trong việc thăm khám, điều trị chăm sóc bệnh nhân chu đáo, thân thiện như người nhà. Cuối năm 2011, ông Hồ Văn Minh bị bệnh nặng do di chứng chất độc da cam tàn phá, toàn thân bị phù nề tưởng chừng không qua khỏi. Sau 15 ngày nhập viện, với sự điều  trị tích cực của bác sĩ Hồng Lê, bác sĩ Thùy Hương, sự chăm sóc chu đáo, tận tình của các điều dưỡng viên Đỗ Thị Huệ, Phạm Thị Đào, Tú Oanh... sức khỏe của ông Minh sớm trở lại bình thường. Xúc động trước kết quả điều trị hiệu quả nói trên,  ông Minh đã phấn khởi tâm sự: 
 
 - Đây là lần thứ hai vào điều trị, tôi vô cùng ngạc nhiên về sự thay đổi đến bất ngờ của Khoa Nội 2. Nhà cửa khang trang hơn, cơ sở hạ tầng được mở rộng, thoáng mát, sạch đẹp. Các thiết bị kỹ thuật y tế hiện đại và tiên tiến hơn, việc chiếu, chụp hình ảnh siêu âm, xét nghiệm chính xác, tạo điều kiện cho bác sĩ chẩn đoán và chỉ định đúng phác đồ điều trị nên bệnh nhân mau lành, rất ít khi phải chuyển lên tuyến trên như trước đây nữa.
 
Một trong những việc làm tuy không lớn song đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị ở Khoa Nội 2. Mặc dù bận rộn với công việc hằng ngày, bác sĩ Hồng Lê vẫn dành thời gian đọc hết 250 ý kiến và trực tiếp giải quyết rốt ráo những vấn đề liên quan đến quyền lợi thiết thực của bệnh nhân như: Đề xuất với Ban bảo vệ sức khỏe trang bị ngay cho mỗi phòng điều trị một chiếc ti vi, hoặc trao đổi với Khoa Dinh dưỡng kịp thời nâng cao chất lượng bữa ăn phù hợp với bệnh nhân cao tuổi, định kỳ thông báo kết quả xét nghiệm và hướng dẫn phương pháp phòng ngừa bệnh mãn tính cho từng bệnh nhân v.v. Với phong cách làm việc “nói đi đôi với làm”, chịu khó lắng nghe và kịp thời giải quyết ngay những ý kiến bệnh nhân đề xuất đã làm cho nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đều cảm phục về đạo đức của người thầy thuốc ở Khoa Nội 2. 
 
Là một bệnh nhân lần đầu tiên vào điều trị, qua những điều mắt thấy, tai nghe và trực tiếp chứng kiến, bản thân tôi cũng rất cảm phục nhân cách, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của những người thầy thuốc ở đây. Toàn thể Khoa Nội 2 chỉ có mười hai người, gồm hai bác sĩ, tám điều dưỡng viên và hai hộ lý đã đảm nhận khối lượng công việc không hề nhỏ. Mỗi năm, tập trung điều trị nội trú cho gần 700 trường hợp bệnh nặng và hơn 6.700 bệnh nhân ngoại trú…   
 
Ngoài ra, các bác sĩ còn phải thường xuyên khám tổng quát cho các cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý và khám sức khỏe định kỳ cho hàng trăm cán bộ có tiêu chuẩn điều trị ở Khoa Nội 2. Với chừng ấy con người nhưng nhờ được phân công, phân nhiệm cụ thể, xoay tua hợp lý nên mọi công việc hằng ngày đều vận hành một cách thông suốt, bảo đảm tiến độ và chất lượng đề ra. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ở Khoa Nội 2, ngoài tiền lương hàng tháng ra, không có khoản thu nhập nào khác cả. Gần đây, được trực tiếp nghe năm, sáu bệnh nhân (xin giấu tên) kể lại sự việc cách đây mấy tháng, trước lúc ra viện, các bác gửi biếu một ít tiền để tỏ lời cảm  cám ơn sự nhiệt tình chăm sóc, giúp đỡ họ mau chóng lành bệnh, các cô đều nhất quyết từ chối. 
 
Sau hơn một tuần điều trị, bệnh tình ổn định, bác sĩ cho ra viện. Mừng quá, tôi chạy vội sang thăm ông Nguyễn Hữu Nàn, 81 tuổi, dân tộc Tày, nhà ở Đức Trọng, là bệnh nhân được Khoa Nội 2 giải quyết “đặc cách” cho ông được nằm điều trị ở đây suốt cả năm trời. Bởi vì, mỗi ngày ông Nàn phải chạy thận nhân tạo hơn 30 phút, nếu phải về nhà, sáng hôm sau lên điều trị tiếp rất bất tiện, Khoa Nội 2 đã thông cảm cho vợ ông được ở lại chăm sóc chồng trong suốt thời gian điều trị.  
 
Nhân lúc bà vợ đi xuống phố, tôi hỏi vui ông:
 
- Có lẽ bác là bệnh nhân thâm niên nhất ở Khoa Nội 2 này?
 
- Ồ không! Tôi là người nằm điều trị dài ngày ở đây mà thôi. Chỉ có ông Nguyễn Duy Hường mới là bệnh nhân “thâm niên cao nhất”, đã từng vào điều trị ở đây từ năm 1976 với căn bệnh hen phế quản mãn tính. Trước đây, ông Hường và nhiều bệnh nhân khác đã từng xuống điều trị ở Bệnh viện 175 của quân đội, Bệnh viện Thống Nhất… nay các ông ấy cho biết không cần đi xa nữa, đến Khoa Nội 2 điều trị cũng chẳng kém cạnh gì, con cháu đi lại thăm nom cũng thuận tiện hơn nhiều.   
                                  
Tôi bắt tay chào tạm biệt ông Nàn, trở về phòng sắp xếp đồ đạc chuẩn bị làm thủ tục ra viện. Có lẽ đến lúc ấy, tôi mới ngộ ra câu nói của ông Hường: 
 
- Bệnh mãn tính của người già luôn tái đi, tái lại nhiều lần. Mặc dù bản thân mình chủ động uống thuốc phòng ngừa, mua sắm thiết bị hỗ trợ cho việc điều trị… vẫn không thể vượt qua được quy luật nghiệt ngã của tạo hóa. Bởi lẽ, khi tuổi tác càng cao, sức đề kháng càng yếu đi, buộc chúng ta phải vào bệnh viện điều trị. Rất may cho những bệnh nhân như chúng tôi, nếu có phải vào điều trị ở Khoa Nội 2, sẽ được gặp lại các thầy thuốc luôn cởi mở, thân thiện và tận tình chăm sóc rất chu đáo. Vì thế, rất nhiều bệnh nhân đã từng vào đây điều trị đều có chung nhận xét, Khoa Nội 2 sẽ mãi mãi trở thành ngôi nhà thứ hai của biết bao người?.      
 
Ghi chép NGUYỄN DUY NINH