Tín hiệu vui cho sự phát triển nông nghiệp ở Đa Sar

09:10, 17/10/2017

Việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là vấn đề quan trọng và gặp nhiều khó khăn đối với nhiều nông hộ, đặc biệt là với bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Thế nhưng, tại xã Đa Sar (Lạc Dương), hiện nay, hai trong ba vựa thu mua rau trên địa bàn xã lại là của bà con người DTTS...

Việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là vấn đề quan trọng và gặp nhiều khó khăn đối với nhiều nông hộ, đặc biệt là với bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Thế nhưng, tại xã Đa Sar (Lạc Dương), hiện nay, hai trong ba vựa thu mua rau trên địa bàn xã lại là của bà con người DTTS. Tuy mới hình thành nhưng hai vựa rau này trở thành nơi tiêu thụ các sản phẩm rau chính cho bà con nơi đây. Đó không chỉ là “nơi trao gửi” của người nông dân mà còn là niềm vui của cả hệ thống chính trị xã Đa Sar như một bước tiến mới trong vùng đồng bào DTTS.
 
Làm sạch rau trước khi đóng hộp tại vựa rau nhà chị Rô Bên. Ảnh: N.Ngà
Làm sạch rau trước khi đóng hộp tại vựa rau nhà chị Rô Bên. Ảnh: N.Ngà
Gia đình chị KLong Lan Di ở Thôn 6, xã Đa Sar có hơn hai sào đất chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng rau. Trước đây mỗi lần thu hoạch chị lại chở từng hộp rau ra Đà Lạt bán. “Cũng có khi có thương lái vào mua nhưng bị ép giá thấp lắm”, chị Lan Di nói. Tuy nhiên, từ 4 tháng trở lại đây, hàng ngày chị Lan Di đều đặn chở rau ra nhập tại vựa của gia đình chị Lơ Mu Rô Bên (36 tuổi, tại Thôn 1, xã Đa Sar).
 
Chúng tôi có mặt tại vựa thu mua của gia đình chị Rô Bên lúc gần 10 giờ sáng - một trong hai khung giờ chính có xe bốc hàng đi từ vựa rau. Thời điểm này bà con cũng “tấp nập” với những lơ xanh, lơ trắng, bí ngồi… được đóng cẩn thận sau thùng chở bằng xe máy ra nhập cho vựa. Chị Liêng Trang K’Sáu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Sar nói: “Tuy vựa mới chỉ thành lập cách đây khoảng 5 tháng nhưng tất cả bà con người DTTS trong xã đều nhập rau tại đây. Có hộ người Kinh trồng 2 - 3 sào rau cũng nhập cho vựa của Rô Bên. Ở đây bà con tin nhau đến mức đem rau ra nhập rồi lấy tiền mà không cần nhìn cân xem bao nhiêu ký”. 
 
“Đa Sar hiện có 31 ha đất của 112 hộ đồng bào DTTS đã chuyển đổi từ cà phê qua trồng rau. Việc có các vựa rau trên địa bàn, đặc biệt là vựa rau của người DTTS đã bước đầu tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đây là hai hộ DTTS duy nhất làm vựa rau trong toàn huyện đến thời điểm hiện tại. Điều đó càng làm bà con yên tâm hơn trong sản xuất. Về chủ trương sắp tới xã đã làm việc với huyện để có phương án hỗ trợ giúp các hộ này tiếp tục phát triển. Đồng thời, thúc đẩy hình thành các tổ hợp tác và hỗ trợ thông qua tổ hợp tác”.

Ông Bùi Quốc Huân - Bí thư Đảng ủy xã Đa Sar

Các sản phẩm rau khi bà con đưa ra nhập sẽ được vựa phân loại kỹ càng. Những quả có vết ong, ruồi chích bị trả lại. Loại lớn quá, nhỏ quá sẽ có giá thấp hơn từ 1-2 ngàn đồng và được đóng gói riêng để cung cấp cho chợ các tỉnh. Loại đạt chuẩn về kích thước, màu sắc… sẽ được đóng gói riêng để cung cấp cho các siêu thị. Ngoài khung giờ 10h sáng, vào 3h chiều xe lại tiếp tục đến “ăn hàng” gồm các sản phẩm chính như đậu leo trắng, cải, sú tim, đậu Hà Lan…

 
Chị Rô Bên từng là một trong những hộ sản xuất giỏi ở Đa Sar. Nhận thấy bà con đủ sức sản xuất nhiều nhưng ngại làm vì trong xã không có nơi tiêu thụ mà phải chở ra Đà Lạt nhập rất vất vả, nên Rô Bên muốn trở thành điểm thu mua cho bà con. Để có được kỹ năng phân loại rau chị Rô Bên đã kiên nhẫn ra vựa rau ở Đà Lạt học nghề thông qua việc xin làm không công cho vựa nhiều tháng trời. Sau khi kỹ năng phân loại đã đạt chuẩn chị đã đề nghị với vựa làm điểm thu mua, cấp nguồn rau cho vựa trên địa bàn xã Đa Sar - một trong những vùng rau tiệm cận tiềm năng của Đà Lạt.
 
Sau khi phân loại bước 1 chị Rô Bên chở rau ra nhập cho vựa rau ở Đà Lạt. Trung bình mỗi ngày có hàng trăm ký rau các loại được chị Rô Bên thu mua và thuê xe tải chở ra Đà Lạt đều đặn. Bên cạnh đó, Rô Bên còn có vai trò kết nối các thương lái vùng xa với bà con nông dân.
 
Đợi mãi chúng tôi cũng gặp được Rô Bên, nhưng trò chuyện chưa được bao lâu thì điện thoại của chị reo liên hồi vì có người hỏi vườn mua rau. Mỗi lần chị đều chỉ cụ thể vườn nào, của ai, diện tích bao nhiêu và trồng rau gì, bao nhiêu ngày tuổi… “Mua vậy thấp quá, mua cao tý chứ tội bà con bỏ công sản xuất anh ơi”. “Vườn của ông anh (bà chị) em đấy, rau đều đẹp lắm”… Đó là một số trong rất nhiều câu nói của chị Rô Bên qua điện thoại với các thương lái khi họ có ý muốn tìm mua rau của bà con tại Đa Sar. Ngoài việc giúp bà con không bị ép giá, Rô Bên còn trực tiếp kết nối giữa người mua và chủ vườn. “Lúc đó mình chỉ nhận việc đóng rau thuê lấy công làm lãi thôi”, Rô Bên nói.
 
Cũng như vựa rau của chị Rô Bên, anh Bon Đơn Ha Siêng cũng thu mua rau của bà con trên địa bàn. Khác với chị Rô Bên, anh Ha Siêng đã mạnh đạn đầu tư xe tải riêng. Anh tới tận vườn và thu mua các loại rau. Ngoài nhập cho vựa ở Đà Lạt anh còn bỏ sỉ cho các chợ ở Đức Trọng, Bảo Lộc…, thậm chí bỏ mối cho một số khu vực ở tỉnh Khánh Hòa. Ngoài rau, tới mùa hồng Bon Đơn Ha Siêng cũng là điểm thu mua hồng cho bà con. Những ngày này người ta thấy xe của vợ chồng anh Ha Siêng chạy nhiều tuyến Nha Trang để cấp rau cho các vựa ở thành phố này.
 
Bí thư Đảng ủy xã Đa Sar Bùi Quốc Huân khẳng định, sau khi phát triển cơ sở hạ tầng thì cần tập trung phát triển sản xuất, y tế, giáo dục (đầu tư cho con người). Riêng về phát triển sản xuất thì đầu tư cho nông nghiệp là hướng đi Đa Sar xác định rõ trong 5 năm tới. Và tất nhiên không thể thiếu khâu tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, việc có những vựa thu mua chứng tỏ sự nhập cuộc, chủ động của người dân. Đó là tín hiệu vui cho sự phát triển nông nghiệp của bà con DTTS ở Đa Sar.
 
N. NGÀ