Tập trung giải quyết ô nhiễm xung quanh sân bay

08:10, 12/10/2017

Xác định rõ những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới hoạt động của Cảng Hàng không Liên Khương, huyện Ðức Trọng đã có những kế hoạch giải quyết, lên phương án di dời hoặc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Xác định rõ những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới hoạt động của Cảng Hàng không Liên Khương, huyện Ðức Trọng đã có những kế hoạch giải quyết, lên phương án di dời hoặc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
 
Ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của Sân bay Liên Khương. Ảnh: H.T
Ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của Sân bay Liên Khương. Ảnh: H.T

Chăn nuôi là tác nhân chính
 
Đó là kết luận của Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi cùng với UBND huyện Đức Trọng tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường quanh khu vực Sân bay Liên Khương.
 
Cùng với đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp có sử dụng các loại phân bón tươi, trực tiếp, không thông qua xử lý, và hoạt động xả nước thải chưa đạt quy chuẩn vào kênh thủy lợi xung quanh khu vực sân bay.
 
Ông Huỳnh Thanh Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp cho biết, khu vực chăn nuôi xung quanh Sân bay Liên Khương nằm xen kẽ trong khu dân cư, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, với số lượng từ vài chục đến hàng trăm con. Hoạt động chăn nuôi diễn ra từ khá lâu, trước năm 2005, chủ yếu là tự phát và không phù hợp với quy hoạch chăn nuôi hiện nay của tỉnh, không có giấy phép xây dựng và cũng không có hồ sơ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
 
Trong bán kính 1.000 mét tính từ tường rào của sân bay, có trên 80 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với tổng đàn lên tới hàng chục ngàn con. Ông Vũ cho biết, xã cùng đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cũng đã xác định khu vực cận kề tường rào sân bay, có 14 hộ có phát sinh mùi hôi, trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực sân bay.
 
Theo đó, dù đã cố gắng thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, tuy nhiên một số hộ chăn nuôi vệ sinh chưa đảm bảo nên gây tác động đến môi trường. Các biện pháp xử lý đơn giản, chưa đúng quy trình kỹ thuật nên chưa giải quyết triệt để mùi hôi trong quá trình chăn nuôi, từ đó ảnh hưởng đến môi trường. Chất thải rắn chỉ xử lý qua loa, thu gom vào bao được sử dụng trong trồng trọt. Nước thải chăn nuôi của các cơ sở được thu gom vào hầm chứa tự thấm, chỉ một số ít cơ sở có xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.
 
Xã Liên Hiệp cũng đã tiến hành rà soát, nắm bắt thông tin để cùng với các phòng chức năng huyện Đức Trọng có văn bản thông báo, nắm rõ tình hình cụ thể của từng hộ để lên phương án di dời hoặc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề phù hợp. 
 
Khó thực hiện
 
Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp cho biết, trong vài năm trở lại đây, xác định khu vực chăn nuôi có phát sinh mùi hôi ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, xã đã nhiều lần tổ chức vận động bà con chú ý vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải đúng quy định, tuy nhiên tình trạng cũng chỉ mới được cải thiện phần nào.
 
Trong số 14  hộ được xác định là ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực sân bay, gia đình ông Võ Thiện (thôn An Hiệp) có quy mô trang trại vào loại lớn nhất, với khoảng 600 con. Khu vực chăn nuôi nhà ông Thiện còn phát sinh mùi hôi, đặc biệt là tình trạng nước thải tại hồ chứa sau khi qua hầm biogas. Trao đổi với chúng tôi, vợ chồng ông Thiện cho biết, gia đình chăn nuôi từ năm 2002, hiện tại khó có thể giảm đàn, vì vốn liếng vay ngân hàng còn nhiều. “Đây là nguồn sống của gia đình, gây dựng đã mười mấy năm nay. Nếu không chăn nuôi thì bây giờ hai vợ chồng cũng chưa biết chuyển sang ngành nghề gì vì đều đã khá lớn tuổi. Những nghề khác cũng đòi hỏi vốn và kinh nghiệm. Thời gian vừa rồi giá cả bấp bênh, thương lái không mua nên có muốn giảm đàn bây giờ cũng khó”, vợ ông Thiện cho biết.
 
Tương tự, hộ gia đình ông Trương Văn Huỳnh cũng chăn nuôi từ năm 1995, tổng đàn hiện tại khoảng 200 con. Dù đã tiến hành vệ sinh chuồng trại nhưng ông Huỳnh cho biết, việc phát sinh mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi là khó có thể tránh khỏi, nhất là từ khi trên địa bàn thôn An Hiệp phát triển nhanh ngành chăn nuôi nên đành “sống chung với lũ”. Trước vận động di dời, giảm đàn của địa phương, nhưng đối với gia đình ông, vì không có quỹ đất bên ngoài nên khó có khả năng tự di dời.
 
Hoạt động chăn nuôi là tác nhân chính dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh Sân bay Liên Khương
Hoạt động chăn nuôi là tác nhân chính dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh Sân bay Liên Khương

Theo ông Lê Văn Thắng, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường Đức Trọng, huyện đã xây dựng kế hoạch để trình UBND tỉnh về việc thực hiện di dời, chuyển đổi ngành nghề dẫn tới chấm dứt việc chăn nuôi gia súc tại khu vực xung quanh Sân bay Liên Khương để tránh ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường. 
 
Ông Thắng cho biết thêm, lộ trình thực hiện việc tiến hành di dời khu vực chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn vì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không phải hộ dân nào cũng có quỹ đất bên ngoài. 
 
Trong thời gian chờ kế hoạch di dời, huyện đã tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với Trung tâm Quản lý công trình khai thác thủy lợi và lực lượng Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính với những hành vi xả thải ra môi trường. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trích từ ngân sách huyện hỗ trợ men vi sinh, chế phẩm sinh học… cho các hộ chăn nuôi giảm thiểu mùi hôi. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động các cơ sở chăn nuôi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không sử dụng phân tươi trong quá trình sản xuất nông nghiệp và không xả nước thải không đạt quy chuẩn vào môi trường, gây ảnh hưởng đến khu vực Cảng Hàng không Sân bay Liên Khương. Bởi theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên, hiện tại đã có 1 chuyến bay quốc tế đáp xuống Sân bay Liên Khương và sắp tới đây sẽ mở thêm tuyến bay Đà Lạt - Chiang Mai, Thái Lan nên để mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi ở khu vực này là không thể chấp nhận. Còn ông Nguyễn Ngọc Phúc - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường nhìn nhận: Các cơ sở hay hộ chăn nuôi phải đảm bảo tiêu chí đánh giá về môi trường. Và việc xử lý ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi khu vực Sân bay Liên Khương trước mắt cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật, sinh hóa để xử lý mùi hôi. Về lâu dài phải có lộ trình di dời ra ngoài khu vực. 
 
Với lượng khách đến và đi mỗi năm gần 1 triệu lượt khách, trong đó không ít khách quốc tế qua đường hàng không Sân bay Liên Khương, câu chuyện ô nhiễm ở đây cần phải giải quyết triệt để khi mà ngày càng có các chuyến bay quốc tế sẽ đi vào khai thác thương mại phục vụ nhu cầu phát triển du lịch và xuất khẩu hàng hóa tại đây.
 
HỒNG THẮM