Khó xử lý dứt điểm

09:11, 15/11/2017

Hiện nay, số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn các khu dân cư nhiều đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân. Việc xử lý vấn đề này hết sức nan giải…

Hiện nay, số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn các khu dân cư nhiều đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân. Việc xử lý vấn đề này hết sức nan giải…
 
Chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: H.Y
Chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: H.Y

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường Đà Lạt, số lượng đàn gia súc, gia cầm của thành phố là hơn 251.000 con. Đối với hoạt động chăn nuôi và giết mổ động vật, thời gian qua đã phát sinh một khối lượng lớn các chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường. Tổng lượng phát thải từ hoạt động chăn nuôi ước tính khoảng 5.000 - 10.000 tấn/năm, trong khi đó, tới thời điểm hiện tại cả thành phố chỉ có 10/314 hộ (119 hộ chăn nuôi heo, 130 hộ chăn nuôi bò, 65 hộ chăn nuôi gia cầm) có hồ sơ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi.
 
Sống chung với ô nhiễm
 
Nhiều người dân tại tổ dân phố Mai Anh Đào, Phường 8, thành phố Đà Lạt phản ánh, hiện nay trong khu vực có 2 trang trại chăn nuôi gà của hộ bà L.T.T và hộ ông N.V.B. Trong đó, cơ sở chăn nuôi gà của bà L.T.T với số lượng đàn trên 20.000 con đã làm phát sinh mùi hôi gây ô nhiễm môi trường xung quanh, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các hộ dân. Tiếp thu ý kiến của người dân, Phòng Tài Nguyên và Môi trường đã chủ trì mời các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên. Qua kiểm tra, ghi nhận hiện trạng khu vực xung quanh trại gà không khí có mùi hôi đặc trưng của trại chăn nuôi gà; nước thải từ mương thoát nước ở phía trước trại gà có màu xanh đen và mùi hôi. Đặc biệt, không khí tại Trường Mầm non Lâm Viên cách trại gà 50 mét vẫn có mùi hôi đặc trưng của trại gà. Qua rà soát, kiểm tra hồ sơ, cơ sở chăn nuôi gà của bà L.T.T đã lập hồ sơ đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
 
Trên địa bàn thị trấn Nam Ban (Lâm Hà), theo thống kê có khoảng 600 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với hơn 300.000 con gia cầm, 30.000 con gia súc. Một số trang trại và hộ chăn nuôi cá thể không đảm bảo điều kiện chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống khu dân cư.
 
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của thị trấn Nam Ban tiến hành kiểm tra tình hình chăn nuôi lợn với quy mô lớn tại gia đình ông Nguyễn Văn Lợi (Tổ dân phố Chi Lăng 2, thị trấn Nam Ban). Qua kiểm tra, đoàn công tác nhận thấy, dù gia đình ông Lợi có xây hầm biogas, có bể chứa sau biogas, nhưng do bể chứa không có mái che nên những khi có mưa lớn, chất thải cộng với nước mưa từ bể chứa chảy tràn lan ra khu vực vườn cà phê, đường đi của xóm và chảy tràn vào nhà một số hộ dân gây ô nhiễm không khí và môi trường nghiêm trọng. Có mặt tại Tổ dân phố Chi Lăng 2 ngày 13/11, đi trên đường dẫn vào trang trại cách đó một khoảng xa chúng tôi vẫn nghe thoang thoảng mùi hôi từ chăn nuôi heo của gia đình ông Lợi. Được biết, UBND thị trấn Nam Ban đã yêu cầu gia đình ông Lợi phải đắp cao bờ bể chứa nước và phân, không để chất thải tràn ra môi trường; đặc biệt, khu vực bể chứa sau hầm biogas phải xây dựng mái che để tránh khuếch tán mùi hôi thối ra xung quanh; cần xây dựng tách biệt hệ thống thoát nước từ mái trại heo xả xuống, không chung với đường thoát nước thải của trại heo để tránh tình trạng tràn nước ra khu vực xung quanh…
 
Ông Thái Văn Mai, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Ban cho biết, hiện nay, trên địa bàn thị trấn số lượng người dân chăn nuôi trong khu dân cư đứng đầu huyện Lâm Hà. Hệ lụy từ việc chăn nuôi trong khu dân cư đã được chính các hộ chăn nuôi, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thừa nhận. Tuy nhiên, rất khó để xử lý dứt điểm bởi người dân đã chăn nuôi từ lâu, với nhiều hộ đây là nguồn thu nhập chính. Trong thời gian qua, nhiều cơ sở đã có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường như đầu tư xây dựng hầm biogas, bể lắng, chuyển đổi từ nuôi ướt sang đệm lót sinh học… Tuy nhiên, tại một số cơ sở vẫn cố tình xả nước thải chưa qua xử lý ra bên ngoài làm phát sinh mùi hôi và nước thải gây ảnh hưởng đến môi trường.
 
Khó xử lý 
 
Thực trạng chăn nuôi hiện nay cho thấy lượng chất thải quá lớn và việc xử lý chất thải kém hiệu quả, cũng như tập quán chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư khiến việc giải quyết ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trở thành một bài toán khó với hầu hết các địa phương. 
 
Trên thực tế, hiện nay, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình trong toàn tỉnh mới dừng lại ở việc áp dụng việc xử lý nước thải chăn nuôi bằng kỹ thuật biogas (kỹ thuật ủ yếm khí), do đó nước thải sau khi được xử lý chưa đạt quy chuẩn xả thải theo quy định; công tác thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi (phân) chủ yếu là việc thu gom vào bao và tập trung tại các khu vực ngoài trời và bán cho các hộ dân khác để sử dụng làm phân bón hoặc sử dụng như phân bón cho vườn cây của cơ sở…
 
Ngoài ra, phần lớn các trang trại được xử lý chất thải bằng hệ thống hầm biogas, nhưng hầm xây dựng nhỏ hơn mức độ cần thiết nên chỉ giải quyết vấn đề thu hồi khí sinh học tận thu làm nhiên liệu, không giải quyết được ô nhiễm nước và mùi hôi thối. 
 
Thêm vào đó, ý thức, trách nhiệm của một số chủ trang trại chưa cao lại thiếu hiểu biết, thiếu vốn xây dựng các công trình xử lý chất thải chăn nuôi đã làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân, giảm sức đề kháng vật nuôi, tăng tỉ lệ mắc bệnh và chi phí phòng bệnh, giảm năng suất và hiệu quả kinh tế.
 
Ông La Thiện Luân, Chi Cục phó Chi Cục Bảo vệ Môi trường cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi chưa được giải quyết triệt để do: vẫn còn một số hộ thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường xử lý nước thải mang tính đối phó; việc xử lý triệt để mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi phức tạp; việc sử dụng phân tươi phục vụ canh tác nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường và bốc mùi hôi thối khó chịu ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi chưa hiệu quả do lực lượng thanh tra còn thiếu so với địa bàn tỉnh quá rộng, dàn trải và số lượng các trại chăn nuôi, các hộ chăn nuôi khá nhiều. 
 
Những biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi này không đảm bảo đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu vực tập trung nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh. 
 
Ðể hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại các khu dân cư, thời gian tới, các cơ sở chăn nuôi phải cam kết tự xử lý môi trường đảm bảo yêu cầu theo quy định của cơ quan chức năng. Phải có tường rào ngăn cách trang trại với bên ngoài. Không được xả chất thải, nước thải chưa xử lý vào môi trường.
 
Trước mắt, ứng dụng các mô hình xử lý môi trường có hiệu quả và thiết thực như: Mô hình làm biogas, mô hình sử dụng hệ thống bể lắng, xả nước đã được xử lý theo hệ thống tiêu hoặc ra ao chứa,… Tiếp đến, cần thử nghiệm mô hình xử lý hiện đại khác để ứng dụng rộng rãi các mô hình xử lý toàn bộ chất thải bằng phương pháp biogas kết hợp phát điện, xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ sinh học, sử dụng các chế phẩm sinh học bổ sung trong thức ăn chăn nuôi và ủ phân nhằm giảm ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Ðức Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản:  “Ðảm bảo các cơ sở chăn nuôi nằm trong quy hoạch”
 
Nhằm khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gia súc, trước mắt các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, năng lực cho người chăn nuôi các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dần hình thành quy hoạch các vùng chăn nuôi theo Quyết định 2201/QĐ-UBND ngày 10/10/2016 của UBND tỉnh. Đồng thời, không chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc thỏa thuận địa điểm đầu tư thuộc thẩm quyền đối với các dự án, cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, tập trung nằm ngoài vùng quy hoạch chăn nuôi. Xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ công tác di dời các cơ sở đang chăn nuôi tại vùng cấm nuôi và tiến tới chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại vùng quy hoạch cấm nuôi. Đối với các cơ sở chăn nuôi hiện có nằm trong khu dân cư cần có giải pháp khoa học, hiệu quả, tuân thủ các quy định trong công tác quản lý bảo vệ môi trường…
 
Dương Tấn Lượng - Một người dân chăn nuôi trong khu dân cư (xã Liên Hiệp, Ðức Trọng):  Sẽ di dời nếu được hỗ trợ
 
Đó là nguyện vọng và mong muốn của không riêng gì gia đình tôi mà tất cả 14 hộ chăn nuôi xung quanh khu vực Sân bay Liên Khương. Trong thời gian qua, các hộ chăn nuôi chúng tôi đã cố gắng khắc phục vấn đề phát sinh mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi nhưng việc khắc phục triệt để mùi hôi trong chăn nuôi là không thể. Chúng tôi đã chăn nuôi từ nhiều năm nay (trước năm 2005, khi sân bay chưa được xây dựng) và không biết làm nghề gì khác nên việc chuyển đổi nghề nghiệp là vô cùng khó khăn. Chúng tôi rất đồng tình với chính sách di dời chuồng trại chăn nuôi đến những vùng được chăn nuôi để tiếp tục được chăn nuôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị các cấp chính quyền xem xét bố trí đất để xây dựng chuồng trại và hỗ trợ kinh phí di dời phù hợp.
 
Ông Nguyễn Ðức Cứ - Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Ðà Lạt:  “Tăng cường các biện pháp quản lý để ngăn chặn ô nhiễm và từng bước giảm đàn”
 
Hiện nay, nhiều cơ sở chăn nuôi nằm gần khu dân cư hiện hữu. Đa số các hộ gia đình phát triển kinh tế từ chăn nuôi trên đất ở của gia đình từ lâu nên việc di dời khá khó khăn. Nhiều cơ sở chăn nuôi xây dựng trước khi khu dân cư xung quanh đến sinh sống và định cư. Quá trình chăn nuôi trong khu dân cư trên diện tích đất khá nhỏ, nằm sát với các hộ dân xung quanh nên tiềm tàng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc cấm người dân chăn nuôi là điều rất khó, chỉ có biện pháp tuyên truyền người dân sử dụng các biện pháp làm biogas, mô hình sử dụng hệ thống bể lắng, xả nước đã được xử lý theo hệ thống tiêu hoặc ra ao chứa,… và từng bước giảm đàn, đến chấm dứt việc chăn nuôi.
 
HOÀNG YÊN