Cánh cửa mở methadone

08:11, 07/11/2017

Không có tiền cai nghiện ma túy tập trung tại các trung tâm, trong khi cai nghiện ở nhà hiệu quả rất thấp, hàng trăm người đã tìm tới lối thoát là chương trình cai nghiện thay thế bằng thuốc methadone từ năm 2015 tới nay trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng. Ðây là cánh cửa mở cho người nghiện ma túy với mong muốn cách ly hẳn "cái chết trắng", làm lại cuộc đời.

Không có tiền cai nghiện ma túy tập trung tại các trung tâm, trong khi cai nghiện ở nhà hiệu quả rất thấp, hàng trăm người đã tìm tới lối thoát là chương trình cai nghiện thay thế bằng thuốc methadone từ năm 2015 tới nay trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng. Ðây là cánh cửa mở cho người nghiện ma túy với mong muốn cách ly hẳn “cái chết trắng”, làm lại cuộc đời.
 
Ở trọ, chạy xe cả 100 km mỗi ngày để cai nghiện
 
Thuốc cai nghiện hiệu quả với người nghiện heroin
 
Thuốc methadone là ma túy loại nhẹ, nhờ tính chất “nhẹ” này mà nó được dùng để thay thế và giảm nhẹ rối loạn gây ra do ngưng loại ma túy mạnh như heroin. Methadone được dùng giải độc cho người nghiện heroin. Khi ngưng dùng methadone, sự thiếu thuốc không quá đột ngột, cơ thể thích ứng với sự giảm dần tác dụng và không xảy ra “hội chứng cai thuốc” quá trầm trọng. Nhờ vậy, người nghiện dễ chấp nhận cai nghiện và dần không bị tái nghiện. Uống thuốc cai nghiện “thay thế” là methadone có hai lợi điểm: hạn chế sự lây lan HIV/AIDS nhờ dùng thuốc bằng cách uống thay vì tiêm chích; gây “hội chứng cai thuốc” nhẹ hơn để người nghiện dễ chấp nhận việc cai nghiện hoàn toàn. Hiện methadone là liệu pháp điều trị chuẩn quốc tế cho người nghiện heroin. Khi được kiểm soát chặt chẽ, đây là liệu pháp hiệu quả, an toàn và tiết kiệm. Ngoài ý nghĩa dự phòng lây truyền HIV, chương trình methadone còn mang ý nghĩa hết sức nhân văn, giúp người nghiện ma túy trở về với cuộc sống đời thường để tiếp tục học tập, làm việc.
Nhà ở cách xa Cơ sở điều trị thay thế hơn 120 km, đã gần 2 năm nay mỗi ngày anh T.V.T (27 tuổi, ngụ TP Bảo Lộc) phải thức dậy lúc 5h30 sáng bắt xe đò đến điểm uống methadone, nằm trong Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS trên đường Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, TP Đà Lạt. Tới nơi cấp phát thuốc, xuất trình chứng minh nhân dân để các dược sỹ kiểm tra hồ sơ điều trị, uống xong ly methadone lại tất tả bắt xe về TP Bảo Lộc để kịp đi làm. Ngồi lán lại cơ sở điều trị thay thế, T. kể, giờ tiền lương mỗi tháng của anh được hơn 4 triệu đồng, đã tự lo liệu được cuộc sống, không phải xin hay trộm đồ của ba mẹ đem đi bán lấy tiền hút chích. Anh mừng, gia đình anh cũng mừng. Mặc dù chưa hoàn toàn hết bứt rứt, giày vò mỗi khi lên cơn nhưng gần như quá khứ nghiện ngập, vào trường ra trại đã ở lại phía sau.
 
“Em bắt đầu “bập” vào heroin từ năm 2012 cùng với đám bạn bè gần nhà. Ngày nào cũng viện đủ lý do xin tiền gia đình. Bố không cho thì trộm đồ đi cầm, nhà làm ra bao nhiêu cũng không đủ cho em chơi heroin. Tới lúc nhà không còn gì đáng giá em bỏ đi bụi cùng đám bạn nghiện, suốt ngày trộm vặt, đánh bài, ban đêm đói thuốc thì đi cướp giật điện thoại, vặn kính xe ô tô ở TP Hồ Chí Minh. Năm 2014 thì bị vào tù tội trộm cắp. Ra tù thì mẹ buồn phiền nhiều rồi mất vì bệnh tật nhưng em vẫn tiếp tục chơi ma túy rồi bị nghiện nặng. Nghĩ đã hết thuốc chữa thì năm 2015 nghe trên tỉnh có cơ sở điều trị cai nghiện thay thế bằng methadone. Tưởng đi điều trị cho bố và các em vui nhưng mọi chuyện dần đổi khác, em không còn nghiện hút nữa, nửa năm sau đi làm kiếm tiền được” - T. bộc bạch. 
 
Bệnh nhân N. (29 tuổi, ngụ tại huyện Bảo Lâm) cho biết: Trước kia một ngày anh phải mất 400.000 đồng để sử dụng ba liều heroin và cũng nghiện hơn 4 năm, nhiều lần vi phạm pháp luật để kiếm tiền “nướng” vào ma túy. Tuy nhiên, điều trị thay bằng methadone được hơn một năm nay, anh đã chấm dứt không còn sử dụng heroin. Vài tháng qua, gia đình đã yên tâm hơn vì anh không còn cảm giác vật vã mệt mỏi như lúc sử dụng heroin mà có thể làm việc bình thường trở lại. Để làm được điều đó, N. chia sẻ do nhà quá xa điểm uống thuốc hơn 130 km, anh đã lựa chọn lên Đà Lạt ở trọ, tìm việc làm thêm để việc chữa trị liên tục không bị gián đoạn, tái nghiện lại như nhiều lần trước.
 
Bác sĩ chuyên khoa Nhữ Đình Hưng, Trưởng phòng khám Cơ sở điều trị thay thế, đánh giá điều trị thay thế mang lại hiệu quả rõ rệt cho hằng trăm bệnh nhân nghiện ma túy. Nhiều người nghiện sau khi điều trị đã giảm hẳn phụ thuộc vào heroin. Họ vừa chữa trị, cai nghiện vừa tranh thủ làm các công việc trang trải cuộc sống, giảm bớt phụ thuộc gia đình. Tuy nhiên, chỉ cần ngừng thuốc là người bệnh có nguy cơ tái nghiện. Tùy mức độ lệ thuộc vào ma túy, có người chỉ cần ngừng một ngày là tái nghiện, có người 5-6 ngày vẫn chịu đựng được. 
 
Những thách thức phía trước
 
Ông Đỗ Công Kim - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (Sở Y tế Lâm Đồng) cho biết, tháng 7/2015, Cơ sở điều trị thay thế đi vào hoạt động và được coi là cơ sở điều trị thay thế duy nhất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ trước tới nay. Tới đầu tháng 1/2016 mới có thêm một điểm cấp phát thuốc methadone tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh phục vụ bệnh nhân 3 huyện phía Nam. Việc điều trị thay thế qua hơn 2 năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết bệnh nhân đã cải thiện được sức khỏe và cơ bản cắt được cơn thèm ma túy so với trước khi dùng thay thế methadone. Đồng thời, số lượng bệnh nhân đăng ký tăng dần qua từng năm. 
 
Như năm 2015 có khoảng 100 bệnh nhân, năm 2016 tăng lên 300 bệnh nhân và tới năm 2017 (tính tới đầu tháng 11) lên 392 bệnh nhân. Và nếu tính tích lũy thì số bệnh nhân đã điều trị là 501 bệnh nhân. Tuy nhiên, khó khăn trong điều trị thay thế còn nhiều thách thức. “Một cơ sở điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện (trừ nghiện ma túy đá, thuốc lắc không có thuốc điều trị thay thế) nhân lực, vật lực hạn hẹp thì chỉ khoảng 500 bệnh nhân là quá tải. Còn Cơ sở cấp phát thuốc methadone không quá 100 bệnh nhân. Trong khi đó, Công an tỉnh Lâm Đồng thông tin, tới thời điểm hiện nay có khoảng 2.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong đó, số lượng người nghiện các chất như heroin, thuốc phiện,… chiếm tỷ lệ khá lớn bên cạnh loại nghiện như ma túy đá, thuốc lắc” - ông Kim phân tích và thông tin thêm, hiện nay Cơ sở điều trị thay thế vẫn tiếp tục nhận hồ sơ, đăng ký điều trị tự nguyện nhưng cũng gần tới ngưỡng quá tải. 
 
“Giải pháp quan trọng, cấp thiết trước mắt là cần mở rộng mạng lưới cơ sở điều trị, điểm cấp phát thuốc methadone để có thể đáp ứng được số lượng người nghiện có nhu cầu ngày càng cao. Tôi ví dụ từ năm 2015 tới nay đã có 104 bệnh nhân bỏ trị, ngoài vi phạm tội trộm cắp, cướp giật, bạn bè rủ rê hút chích lại thì nguyên nhân chính là do đường đi lại quá xa, không thể tới điểm uống thuốc mỗi ngày. Trong khi đó, 98% bệnh nhân bỏ trị sẽ quay lại với ma túy và bị nghiện trở lại sẽ tiếp tục là gánh nặng cho gia đình, xã hội” - ông Kim nói.
 
Sở Y tế Lâm Đồng cho biết, theo Kế hoạch điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng methadone trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2020 vào đầu năm nay, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu tới năm 2020 toàn tỉnh điều trị thay thế cho 1.000 bệnh nhân. Để làm được điều đó, UBND tỉnh đang giao cho Sở Y tế khẩn trương hướng dẫn các địa phương như TP Bảo Lộc thành lập Cơ sở điều trị thay thế, huyện Lâm Hà, Di Linh thành lập Cơ sở cấp phát thuốc methadone.
 
 CHÍNH THÀNH